Tử vong do mèo cào

10/05/2016 - 10:10
Bị mèo cào nhưng nạn nhân không nói với gia đình. Sau một thời gian, nạn nhân thường mệt mỏi, rùng mình nhiều lần, không ăn, không uống và sợ gió. Các bác sĩ cho biết, bé bị viêm não tủy cấp tính do virus dại tấn công và đã tử vong.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Quân, Trưởng khoa Truyền nhiễm (BV Đa khoa Tuyên Quang) cho biết, bệnh nhi H.V.H. (11 tuổi, ở Tuyên Quang) vừa tử vong do nhiễm bệnh dại vì mèo cào.
Theo bác sĩ quân, bệnh dại chủ yếu xảy ra ở động vật máu nóng như chó, mèo. Nước bọt của chó, mèo thường mang nhiều virus dại và sẽ truyền sang người qua vết cắn, vết cào qua chỗ bị tổn thương, trầy xước ở trên da.  Người bị nhiễm virus dại sẽ lên cơn dại và tử vong nếu sau khi bị chó, mèo dại cắn, cào, không đi tiêm vaccine, huyết thanh kháng virus dại.
183557_nuoi-meo-2.jpg
Cẩn trọng với mèo nuôi bởi chúng có thể truyền virus gây bệnh dại
Gia đình cho biết, trước khi nhập viện, bé H. có biểu hiện mệt mỏi, thường rùng mình nhiều lần, không ăn, không uống được, rất sợ gió nên gia đình đã đưa bé đến khám và điều trị. Qua khai thác tiền sử, bệnh nhi cho biết, trước đó 3 tháng, có bị mèo nhà hàng xóm cào vào lưng, nhưng không nói cho gia đình.
Sau thời gian rùng mình, bệnh nhân bị co cứng, co thắt cơ thực quản và hô hấp, hạ huyết áp, giãn đồng tử, phản ứng cơ thể dữ tợn. Dù đã được các bác sĩ cấp cứu, nhưng bệnh nhi không qua khỏi và tử vong sau một ngày nhập viện.
Các bác sĩ cho biết, nếu bị chó, mèo dại cắn, cào thì thời gian ủ có thể tới vài tháng hay 1 năm. Nhưng nếu bị cắn ở mặt, cổ, tay thì có thể phát bệnh chỉ sau 10 ngày. Hiện mùa nắng nóng là thời điểm bệnh dại bùng phát. Do đó, để đề phòng, khi bị chó mèo cắn, cào, người dân cần chủ động đến các cơ sở y tế để tiêm phòng, nhằm tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra. Người nuôi chó, mèo cũng nên đưa vật nuôi đi tiêm vaccine phòng dại, để hạn chế động vật mắc bệnh và tấn công người.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm