Không phải tới bây giờ, Sally Rooney mới được biết tới trên văn đàn nước Anh. Năm ngoái, nữ nhà văn trẻ từng có tác phẩm được chú ý tại giải Man Booker nhưng không may mắn lọt vào chung khảo.
Mới chỉ xuất hiện trong làng văn vài ba năm gần đây, Sally Rooney “trình làng” cuốn tiểu thuyết đầu tay “Conversation with Friends” (Tạm dịch: Chuyện trò với những người bạn) vào năm 2017 và ngay lập tức gây được ấn tượng. Năm ấy, tác phẩm giành nhiều giải thưởng quan trọng như Giải thưởng Dylan Thomas và Giải thưởng Folio 2018. Giới phê bình và độc giả tỏ ra ngạc nhiên vì ở độ tuổi 26, nữ tác giả đã thể hiện một văn phong già dặn, nhiều suy ngẫm. “Conversation with Friends” nhanh chóng được bình chọn là một trong những cuốn sách hay nhất năm 2017.
“Normal People” (Tạm dịch: Người bình thường), cuốn tiểu thuyết giúp Sally Rooney “đăng quang” tại British Book Awards năm nay đã được giới thiệu tới độc giả vào năm ngoái. Giới chuyên môn đều chung ý kiến cho rằng Sally Rooney tiếp tục phát huy được lợi thế viết lách với cuốn tiểu thuyết này. Một lần nữa, Sally Rooney được nhắc tên tại giải Man Booker 2018 và đoạt danh hiệu “Tiểu thuyết Ireland của năm” tại Giải thưởng Sách Ireland và “Tiểu thuyết hay nhất” tại Giải Sách Costa vào tháng 1/2019.
Có thể nói ngay từ ban đầu, khi mới xuất hiện, câu chuyện tình yêu trong bối cảnh xã hội suy thoái ở Ireland của Sally Rooney đã đạt được thành công cả về mặt thị trường, doanh thu cũng như về mặt giá trị văn chương. Không rơi vào số phận chung của những cuốn sách best seller nhưng lại bị giới chuyên môn chê bai tơi tả, “Normal People” “được lòng” cả đông đảo công chúng lẫn các nhà phê bình văn học. Kể cả những ngôi sao trong làng giải trí như người mẫu Emily Ratajkowski hay ca sĩ Taylor Swift cũng là những độc giả trung thành của nữ nhà văn trẻ.
Nhiều người đọc đã thực sự thổn thức với câu chuyện tình yêu trắc trở của hai nhân vật Marianne và Connell. Sally Rooney đã biết cách thổi hồn vào những câu chữ khiến một cốt truyện quen thuộc trở nên hấp dẫn. Nữ nhà văn trẻ tỏ ra có biệt tài trong việc xây dựng, đào sâu tâm lý nhân vật và những trang văn mô tả một cách tinh tế về cơ thể, tình dục.
Ham đọc sách và viết văn từ thuở còn thơ nhưng Sally Rooney không tưởng tượng được việc một ngày sẽ trở thành nhà văn nổi tiếng. Mười tám tuổi, cô cho ra mắt vài bài thơ nhưng không gây chú ý. Nữ nhà văn bắt đầu chú tâm viết văn xuôi khi đang học tại trường Trinity College Dublin, gặp và yêu một giáo viên dạy toán vào khoảng năm 2012. Chỉ với hai cuốn tiểu thuyết ra mắt độc giả, Sally Rooney khẳng định được tài năng và được đánh giá là một trong những cây bút nữ đương đại hàng đầu nước Anh. Sally Rooney cho rằng nhận giải thưởng British Book Awards là “một đặc ân và vinh dự lớn”. Cô đồng thời gửi lời cảm ơn tới nhà xuất bản Faber & Faber, cộng đồng bán sách, các thư viện và thủ thư, đặc biệt là các độc giả của mình.
Gần đây, nữ nhà văn trẻ đã xóa tài khoản Twitter, không đọc những bài báo viết về mình. Hiện tiểu thuyết “Normal People” đang được chuyển thể thành phim truyền hình. Được biết để cán đích thành công, trở thành quán quân của giải British Book Awards năm nay, “Normal People” của Sally Rooney đã vượt qua hai đối thủ “nặng ký” là cuốn tự truyện “Becoming” của cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama và tác phẩm “Mil Burnan” của nhà văn Anna Burns, người chiến thắng Man Booker năm ngoái. Một thành viên ban giám khảo tiết lộ, dù doanh thu cuốn sách của bà Michelle Obama vượt lên cao nhất nhưng họ vẫn quyết định trao giải thưởng lớn nhất cho “Normal People” của Sally Rooney vì cuốn sách thực sự xứng đáng.
Nhà văn Sally Rooney sinh năm 1991 tại hạt Mayo (Ireland). Tiểu thuyết “Normal People” (Tạm dịch: Người bình thường) của Sally Rooney vừa giành giải sách của năm và thắng luôn giải ở hạng mục hư cấu của giải thưởng sách nước Anh (British Book Awards). Giải “British Book Awards” còn có tên là Nibbies, do tạp chí thương mại The Bookseller tổ chức. Mỗi hạng mục sẽ có ban giám khảo riêng. Một số tác phẩm được vinh danh đáng chú ý của giải thưởng năm nay gồm có giải “Non-Fiction: Narrative Book of the Year” (Sách phi hư cấu) và “Audiobook of the Year” (Sách nói) dành cho tự truyện “Becoming” của cựu đệ nhất phu nhân Tổng thống Mỹ, bà Michelle Obama. Giải “Tiểu thuyết hư cấu cho trẻ em” trao cho cuốn “The Ice Monster” của David Walliams. Nhà văn thể loại trinh thám Lee Child giành giải “Author of the Year” (Tác giả của năm) và tác phẩm “Leila Slimani” của Sam Taylor Lullaby được vinh danh ở hạng mục “Tiểu thuyết đầu tay”. |