Website "giật" đơn hàng ảo chiếm đoạt lừa tiền như thế nào?

Đinh Thu Hiền
31/08/2021 - 15:37
Website "giật" đơn hàng ảo chiếm đoạt lừa tiền như thế nào?

Trước khi chuyển tiền lên các "sàn" để thu tiền lời, người dân cần hết sức cảnh giác để tránh bị lừa. Ảnh: ST

"Với mức lãi suất ngân hàng chỉ khoảng 5-6%/năm, trong khi các website này đưa ra mức lãi suất 5-6%/tháng thì chắc chắn chỉ có lừa đảo", luật sư Đậu Thị Quyên, Đoàn Luật sư TPHCM cho biết

Như báo PNVN đã đưa tin, theo Công an tỉnh Đồng Tháp, thời gian gần đây, lợi dụng giãn cách xã hội, nhiều ứng dụng, website và các loại hình có mô hình "biến tướng đa cấp" "giật" đơn hàng ảo không rõ nguồn gốc đã lôi kéo hàng nghìn người tham gia. Việc này đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro cho các nhà đầu tư, tác động tiêu cực đến tình hình an ninh trật tự xã hội.

"Điển hình như các trang Shopping Mall; webshopping.cc; shop555.cc… đang được giới thiệu như "sàn thương mại điện tử" đến từ nước ngoài hay các hệ thống của website tailoc888.net và ứng dụng tailoc888 cho nhà đầu tư tham gia "giật" đơn hàng ảo trên các sàn thương mại điện tử lớn đã bị sập, khiến nhiều nhà đầu tư bị mất toàn bộ số tiền đã đầu tư", thông tin của Phòng An ninh mạng Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết.

Website "giật" đơn hàng ảo chiếm đoạt lừa tiền như thế nào? - Ảnh 1.

Các trang web giả mạo sàn giao dịch điện tử để lừa đảo người dân. Ảnh: Công an tỉnh Đồng Tháp

Để tham gia, người chơi phải nộp tiền thật để mua các gói hàng trên web có giá trị từ 300.000 đồng đến 300 triệu đồng. Nếu mỗi ngày "giật" được 60 đơn hàng, người tham gia sẽ được hưởng lãi từ 4 - 5%/ngày. Sau 1 tháng, tài khoản sẽ được nhân đôi. Để mở rộng hệ thống, những mô hình này đã đưa ra các loại hoa hồng môi giới theo mô hình kim tự tháp, khi giới thiệu được người mới tham gia, theo tỷ lệ F0 hưởng 16% trên tổng số giá trị đơn hàng F1 nhận được, tương tự F1 nhận được 8% hoa hồng F2.

Với phương thức thủ đoạn trên, các đối tượng cầm đầu các website Webshopping.cc, shop55.cc đã huy động được rất nhiều người tham gia trên toàn quốc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro cho các nhà đầu tư.

Luật sư Đậu Thị Quyên, Hãng luật LPVN, Đoàn Luật sư TPHCM cho biết, trong tình hình dịch bệnh, những kẻ lừa đảo đã lợi dụng môi trường internet để tạo công cụ làm ăn bất minh kiếm tiền. Về phía người tiêu dùng, do hoạt động kinh doanh đầu tư offline bị khóa chặt trong giai đoạn giãn cách nên cũng có xu hướng lên môi trường mạng để giải trí, làm việc, và dễ bị cuốn vào các kênh đầu tư sinh lợi nhanh. Khi cung – cầu gặp được nhau, giao dịch diễn ra là điều tất yếu..

Website "giật" đơn hàng ảo chiếm đoạt lừa tiền như thế nào? - Ảnh 2.

Luật sư Đậu Thị Quyên. Ảnh: NVCC

"Tâm lý người dùng là muốn bỏ ra số tiền nhỏ nhưng thu về số lợi lớn, nên bị đánh vào lòng tham. Người dùng cũng vì thiếu hiểu biết mà cả tin, bỏ qua sự cảnh giác do được chi trả hoa hồng, tiền lãi, tiền thưởng hấp dẫn. Những kẻ lừa đảo luôn tạo ra sự uy tín ban đầu trong việc trả tiền nên người tham gia tiếp tục bị dẫn dắt vào vòng xoáy mà không biết", Luật sư Đậu Thị Quyên cho biết.

Cũng theo luật sư Đậu Thị Quyên, với những hình thức lừa đảo kiểu như thế này, về tâm lý đám đông, mọi người chơi nhiều, đầu tư nhiều vì được kích ứng từ việc kẻ lừa đảo sẽ "lùa gà" vào trong các "chuồng" (group) nhỏ. Trong các "chuồng" này, có những con gà mồi, là tấm gương tiêu biểu về doanh số, tạo ra môi trường "tốt" với số tiền đầu tư nhiều và thu về lợi nhuận cao. Một số nhà đầu tư thận trọng nhưng lại bị kích thích từ tâm lý học hỏi và  tự trấn an mình rằng "cứ chơi đi, nếu cùng lắm là mất tiền và được bài học", nhưng thực sự thì tiền mất mà vẫn không nhận được bài học nào. Bởi vì cách thức hoạt động và vận hành của các website này nằm ngoài sự hiểu biết và kiểm soát của những nhà đầu tư mới "chân ướt chân ráo" bước vào các lĩnh vực này. Người tham gia sẽ không biết vì sao có số tiền hoa hồng, vì sao mà tỷ lệ chiết khấu là như vậy v.v… Khi sự cố xảy ra, hoàn toàn được giải thích ngắn gọn bằng hai từ "hệ thống": "đây là do hệ thống bị lỗi", "đây là do hệ thống tính toán và phân chia"… Không phải lỗi của ai cả. Nhiều người bỏ vào hàng chục triệu đồng và khi mở tài khoản lên thì không còn đồng nào trong tài khoản mà vẫn không biết được "ai đã lấy đi tiền của mình".

Luật sư Quyên cũng lưu ý trước các sự vụ lừa đảo trên mạng đang xảy ra ở nhiều nơi, bà con cần phải cảnh giác tối đa. Cần trang bị kiến thức cơ bản về đầu tư, không bị lòng tham chi phối. Nên xem lãi suất tiền gửi ở ngân hàng để so sánh, nếu thương vụ kêu gọi đầu tư nào mà lãi suất lớn hơn lãi suất tiền gửi ở ngân hàng thì cần thận trọng.. Với mức lãi suất của ngân hàng 5-6%/năm đã là "lời", trong khi các website này đưa ra mức lãi suất 5-6%/tháng thì chắc chắn chỉ có lừa đảo!

Bà con cô bác cũng cần xem các sàn thương mại điện tử có thực sự là "sàn" được quản lý bởi cơ quan nhà nước ở Việt Nam hay không. Nếu các sàn thương mại điện tử ở việt Nam thì bắt buộc phải có dấu đỏ của Bộ Công thương ở cuối trang, ví như tiki, lazada… đều có dấu đỏ. Nếu sàn nào chưa có dấu đỏ của Bộ Công thương thì sàn đó chưa được phép hoạt động và có dấu hiệu lừa đảo hoặc pháp lý chưa ổn.

Trước khi bỏ số tiền vào đầu tư, người dân cũng cần đặt câu hỏi "có rút tiền ra được không?". Bà con có thể bỏ vào một số ít tiền để thử xem có rút ra được khi mình không đầu tư nữa hay không, chứ một lần bỏ vào hết mà không rút ra được thì sẽ bị mất hết. Số tiền hiện trên tài khoản chỉ là số ảo và nó sẽ biến động, nhưng tiền bạn "nạp" vào đó là tiền thật. Do vậy cần tỉnh táo để lựa chọn có nên "đổi thật lấy ảo" trong môi trường đầu tư nhiều rủi ro hiện nay.

Về pháp lý, nếu các "sàn" không được vận hành và quản lý bởi các cá nhân/pháp nhân Việt Nam thì cơ quan nhà nước rất khó can thiệp để bảo vệ quyền lợi của người dùng khi đầu tư. Vì các website sẽ vận hành theo các hệ thống và các thuật toán mà người lập ra website mới có thể kiểm soát. Do vậy, khi website đóng cửa thì mọi thứ trên đó đều biến mất, kể cả tiền của bạn. Đối tượng là "ảo" và cũng đã không tồn tại thì rất khó để lôi đối tượng đó ra xử lý trước pháp luật được.

"Người tham gia cũng cần cẩn thận các trách nhiệm pháp lý liên quan dữ liệu cá nhân như thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng… để tránh bị lấy cắp hoặc chiếm đoạt tài khoản. Nếu bị lừa, người dân cũng nên báo cáo với cơ quan công an để họ theo dõi và điều tra hoạt động của các tổ chức lừa đảo để cảnh báo đến các nạn nhân tiếp theo", luật sư tư vấn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm