Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, sức sáng tạo
Tại Phiên Bế mạc, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cảm ơn ông Klaus Schwab - Chủ tịch điều hành của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và toàn bộ nhân lực của tổ chức này đã phối hợp hiệu quả trong suốt quá trình chuẩn bị và tổ chức hội nghị WEF ASEAN 2018.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, chỉ có đổi mới sáng tạo với nhiều tầm nhìn đa chiều mới đưa các quốc gia, doanh nghiệp tiến lên trong thế giới ngày nay.
Do đó, Chính phủ và doanh nghiệp các nước ASEAN cần tiếp tục phát huy nội lực, tạo môi trường thuận lợi cho sáng tạo, cho cái mới nảy nở và lan tỏa, tạo nên động lực tăng trưởng mới cho phát triển thịnh vượng trong thế giới đang chuyển động nhanh bởi công nghệ mới.
Cùng với đó, thế giới số, siêu kết nối thông minh tạo cơ hội cho mọi người dân khởi nghiệp sáng tạo, tiếp cận các nguồn lực, thông tin mới, tri thức mới và thị trường mới.
Xây dựng nền giáo dục mở và thông minh cho toàn dân là nền tảng và phương cách quan trọng để thúc đẩy sáng tạo, bảo đảm mọi người dân đều được thụ hưởng cơ hội và lợi ích của tiến bộ công nghệ.
Phó Thủ tướng hoan nghênh hội nghị đã đưa ra nhiều ý tưởng khuyến nghị về các trang bị cho người dân, nhất là thế hệ trẻ về các kỹ năng mới, đặc biệt là kỹ năng số để làm chủ công nghệ mới. Đây cũng chính là cơ hội cho các doanhnghiệp tăng cường đầu tư vào giáo dục thông minh ở các nước ASEAN.
Phó Thủ tướng kỳ vọng vào sự hợp tác trong thời gian tới và mong muốn WEF phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN để hiện thực hóa các ý tưởng sáng kiến thiết thực đã được lãnh đạo các nước ASEAN nêu tại hội nghị thành các kế hoạch chương trình hợp tác cụ thể.
Cách mạng tư duy và tạo điều kiện bình đẳng cho phụ nữ
Tham dự bế mạc, các đồng chủ tịch WEF ASEAN 2018 đánh giá WEF ASEAN thực sự là ngày hội giao lưu các ý tưởng, đánh giá sâu sắc nhiều chiều về các vấn đề quan trọng đối với sự phát triển của các nước ASEAN trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0).
Theo Quyền Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, công nghệ đã thay đổi cách thức sống, cách quản trị. Từ đó đòi hỏi con người phải thay đổi tư duy của mình. CMCN 4.0 không chỉ là cách mạng về mặt công nghệ, mà còn là cách mạng về tư duy. Do đó, cần đào tạo con người về công nghệ và kỹ năng mềm như sự sẵn sàng thay đổi, quyết tâm dẫn dắt thay đổi.
Bà Anne-Birgitte Albrectsen - Giám đốc điều hành Tổ chức Plan International - cho rằng, các hoạt động trong khuôn khổ Diễn đàn lần này đã đem tới cơ hội thảo luận một cách cởi mở về nhiều vấn đề mà Chính phủ của các quốc gia ASEAN cũng như các tổ chức tư nhân, tổ chức chính trị-xã hội quan tâm, đặc biệt là sự bao trùm của nội dung thích nghi trong bối cảnh nền kinh tế số và thúc đẩy, tạo cơ hội cho tất cả mọi người tham gia vào cuộc CMCN 4.0 để không ai bị bỏ lại phía sau.
Những nội dung thiết thực như rủi ro liên quan đến tin giả khiến hệ thống thông tin báo chí chính thống bị ảnh hưởng, nạn quấy rối tình dục nơi công sở, tạo điều kiện bình đẳng để người phụ nữ, nhất là phụ nữ trẻ được tham gia nhiều hơn vào quá trình phát triển của các quốc gia… đã được thảo luận nhằm đưa ra biện pháp giải quyết.
Đánh giá cao sự đầu tư cho giáo dục của Việt Nam và các nước ASEAN trong những năm qua, bà Anne-Birgitte Albrectsen khẳng định đây không còn là hiện tượng mới mà đã trở thành một nét văn hóa khu vực, là nền tảng giúp ASEAN tiến lên phía trước, đồng thời là thông điệp cần được truyền đạt, học hỏi và duy trì. Yếu tố này sẽ góp phần thúc đẩy nhận thức về sự bình đẳng để tạo điều kiện bình đẳng cho trẻ em gái nói riêng và người phụ nữ nói chung, khai thác được nhiều hơn tiềm năng của lực lượng này.