Xã hội hóa vaccine Covid-19: Người nghèo chờ đợi gì?

Hà Khê
23/05/2021 - 14:37
Xã hội hóa vaccine Covid-19: Người nghèo chờ đợi gì?

Ảnh minh họa

Nếu xã hội hóa vaccine Covid-19, người nghèo sẽ tiếp cận với nguồn vaccine như thế nào? Nếu không có tiền để mua vaccine, người nghèo sẽ làm gì để được tiêm?

Hiện nay nước ta đang tiến hành tiêm chủng cho những đối tượng được ưu tiên, trong khi số lượng vaccine Covid-19 đang có vẫn ít hơn rất nhiều so với số dân.

Theo tính toán của Bộ Y tế, Việt Nam dự kiến mua 150 triệu liều vaccine phòng Covid-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người, với tổng nhu cầu kinh phí ước khoảng 25.200 tỉ đồng. Trong đó, kinh phí mua vaccine khoảng 21.000 tỉ đồng; kinh phí vận chuyển, bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm chủng khoảng 4.200 tỉ đồng.

Vấn đề đặt ra là nếu thực hiện xã hội hóa vaccine Covid-19 thì người nghèo, người có thu nhập thấp sẽ tiếp cận vaccine như thế nào?

Trả lời vấn đề này, ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội - cho biết: "Trong Nghị quyết 16 của Chính phủ về Chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 được ban hành vào ngày 8/2/2021 đã quy định rất rõ là người nghèo hoặc những đối tượng chính sách là một trong những đối tượng ưu tiên được tiêm vaccine Covid-19 miễn phí.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, khi thực hiện lộ trình vaccine dịch vụ thì bắt buộc phải có những quy định hết sức chi tiết cụ thể, tiêu chí thế nào là nghèo. Hiện nay, Chính phủ chỉ mới ban hành Nghị quyết chung, còn khi thực hiện, các tỉnh/thành phải cụ thể hoá theo điều kiện địa phương, bởi kinh phí mua vaccine là sử dụng ngân sách địa phương.

"Ở Hà Nội, nguồn thu đủ chi thì thành phố sẽ chịu 100% kinh phí mua vaccine, còn đối với những địa phương khác, ngân sách ít, nguồn thu không đủ bù chi thì Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần, người dân sẽ hỗ trợ một phần. Nên tôi cho rằng, đến thời điểm thực hiện xã hội hoá vaccine, tiêm vaccine Covid-19 theo hình thức dịch vụ thì phải có những quy định rất cụ thể, chi tiết đối với từng địa phương và với từng đối tượng người dân", ông Khổng Minh Tuấn nói.

"Nếu tiêm phải mất tiền thì chịu thôi"

Dịch đang bùng phát ở Điện Biên và chưa có dấu hiệu dừng lại, tuy nhiên khi đề cập đến vấn đề bỏ tiền để tiêm vaccine phòng Covid-19, nhiều người dân ở đây khá băn khoăn và chưa sẵn sàng. Ai cũng muốn mình khỏe mạnh, không mắc bệnh, nhưng vấn đề đặt ra là: Tiền đâu?

Chị Lò Thị P., trú tại thị trấn Tủa Chùa (huyện Tủa Chùa, Điện Biên), chia sẻ: "Giờ mọi thứ khó khăn lắm. Nếu được tiêm không mất tiền thì tiêm, còn nếu phải mất tiền thì chịu thôi. Nhiều cái phải lo lắm!".

Ông Trần Thưởng (62 tuổi, quê quán xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) chia sẻ: "Gia đình chỉ có tôi là lao động chính trong nhà, tôi làm nghề đánh giày ở Hà Nội cũng được gần chục năm. Hiện tại, địa phương tôi ở chưa có thông tin về việc người dân được tiêm vaccine Covid-19. Song, nếu tổ chức cho người dân tiêm vaccine dịch vụ thì chắc tôi cũng không tiêm, vì lấy đâu ra tiền".

Nhiều người rơi vào khó khăn hơn khi đại dịch Covid - 19 hoành hành, thế nên dù muốn thì cũng khó tiếp cận với nguồn vaccine nếu như phải bỏ tiền ra để được tiêm ngừa (ảnh minh họa)

Nhiều người rơi vào khó khăn hơn khi đại dịch Covid-19 hoành hành. Ảnh minh họa

Liên quan đến vấn đề xã hội hóa vaccine Covid-19, trả lời PV Báo PNVN, PGS.TS Bùi Thị An (ĐBQH Khóa XIII) lo ngại khi xã hội hóa vaccine Covid-19 thì người nghèo sẽ tiếp cận nguồn vaccine thế nào? Trong trường hợp người có hoàn cảnh khó khăn phải bỏ một số tiền không nhỏ để tiêm phòng nhưng nếu vaccine không đảm bảo chất lượng thì vô hình chung họ sẽ phải gánh chịu hậu quả.

Bên cạnh đó, theo PGS.TS Bùi Thị An, cần phải tính đến hiệu quả thực sự với cộng đồng nếu áp dụng xã hội hóa vaccine. Bởi nếu như phần lớn người dân hoàn cảnh khó khăn chưa tiếp cận được nguồn vaccine thì nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng vẫn rất cao, số người được tiêm vaccine chỉ là một phần trong cộng đồng. Trong khi một bộ phận người dân được tiêm thì có tâm lý chủ quan rằng bản thân mình đã được tiêm. Lúc đó, nguy cơ lây nhiễm, bùng phát dịch càng lớn.

"Như thế, hiệu quả phòng dịch chưa chắc đã đảm bảo nếu áp dụng xã hội hóa vaccine vào thời điểm hiện tại", bà An lo ngại.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm