Xã 'siết nợ' cả giường ngủ: Ký ức sống lại

13/08/2016 - 06:00
Nợ tiền sản, tiền làm đường 800 nghìn đồng, gia đình chị Toàn đã bị lãnh đạo xã, thôn đến tận nhà thu mất chiếc giường ngủ duy nhất. Ký ức từ hơn 5 năm trước bỗng sống lại với nhiều người dân Thành Liên vì những cách đòi nợ của làng đang áp dụng.

Bài học để đời
Việc nhà anh Nguyễn Hữu Hùng (gia đình liệt sĩ thôn Thành Liên, xã Trường Sơn, huyện Nông Cống, Thanh Hóa) bị tước mất hộ nghèo vì quá nghèo không có tiền đóng đủ mức tiền làm đường liên thôn lên đến gần chục triệu đồng được xem là hành động tàn nhẫn. Việc làm này khiến người dân làng Thành Liên nhớ lại những chuyện hãi hùng hơn 5 năm trước.

Nhiều hộ dân ở thôn Thành Liên vẫn còn ám ảnh bởi “đội quân đặc biệt” do xã chỉ đạo đến từng nhà “siết nợ” cách đây mấy năm. Gia đình hộ nghèo Nguyễn Thị Toàn (SN 1975) từng phải “nếm mùi đau khổ” đó.

7.jpg
Chị Toàn và con gái trên chiếc giường từng bị tịch thu

Chị Toàn cho biết, dù đã sự việc đã xẩy ra hơn 5 năm nhưng chị vẫn nhớ như in “ngày đau thương ấy”. Đó là vào năm 2010, gia đình nợ các khoản đóng góp 800 nghìn đồng. Nhiều lần bị thôn thúc ép nhưng nhà chị Toàn không thể xoay xở để trả nợ. Một buổi chiều, “đoàn công tác” do lãnh đạo xã đứng đầu bỗng xuất hiện tại nhà chị Toàn. Theo sau là công an xã, "công an làng", trưởng làng, phó làng…

Đoàn công tác cho biết, họ đến để “bắt nợ” 800 nghìn gia đình chị Toàn đang thiếu. Chị Toàn đã hết lời xin khất và hứa sẽ sớm đóng. Tuy nhiên, “đoàn công tác” đã không chịu. Đảo qua một lượt, nhà chị Toàn không có cái gì đáng giá hơn chiếc giường mà cả nhà đang sử dụng. Lập tức, mỗi người một tay, chiếc giường đã được tháo gọn và đi theo đoàn cán bộ về nhà văn hóa làng. Chủ nhà chỉ biết khóc lóc còn những người hàng xóm vẫn không khỏi kinh hãi trước việc “siết nợ” chóng vánh ấy.

“Nhà tôi lúc đó chỉ có 2 sào ruộng. Thóc mỗi mùa không đủ đóng sản. Vì quá nhiều khoản đóng góp nên chúng tôi mới khất nợ, vậy mà họ không cho. Chiếc giường bị tịch thu chính là chiếc giường cưới của vợ chồng tôi”, chị Toàn kể lại.

Sau hôm mất giường, vợ chồng chị Toàn cùng 2 đứa con phải trải chiếu nằm dưới đất. Hôm sau, chị Toàn đã lên tận huyện Nông Cống trình bày sự việc nhưng cũng chẳng ai đứng ra giải quyết.

8.jpg
Chị Toàn bảo, sẽ không bao giờ quên được phút giây ngày ấy

“Đúng 1 tuần sau thì ông trưởng làng là Nguyễn Trọng Sang (nay đã mất – Pv) đến nhà bảo chúng tôi lên nhận giường về nhưng tôi không lên. Sau đó, họ cũng mang giường trả lại. Có lẽ ngày đó vì gần Tết rồi nên họ mới mang trả”, chị Toàn cho biết.

Cũng theo chị Toàn, với số tiền nợ 800 nghìn, đến mùa sau chị đã đóng đầy đủ. Từ vụ ấy, chị Toàn chẳng bao giờ dám thiếu một xu tiền đóng góp.

Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên năm 2012 chồng chị Toàn là anh Đậu Văn Tám (SN 1973) quyết định vào Bình Dương mưu sinh. Thế nhưng, mới đi đến Phú Yên, anh Tám đột ngột qua đời khi đang ngồi trên xe khách.

Chồng mất, gánh nặng gia đình đặt hết lên vai chị Toàn. Suốt mấy năm qua, chị Toàn phải làm thêm nghề đan nón mới đủ tiền nuôi 2 con. Chị Toàn còn vay thêm 40 triệu từ ngân hàng để nuôi bò. Dù đã rất cố gắng nhưng suốt từ năm 2013 đến nay, nhà chị Toàn vẫn là hộ nghèo của thôn. Món nợ 40 triệu đồng vẫn chưa thể trả.

“Bây giờ vẫn nghèo nhưng mọi khoản đóng góp tôi đều đóng đủ. Bài học từ năm 2010 tôi vẫn chưa thể nào quên. Cả đời này tôi cũng không thể nào quên. Chiếc giường năm nào giờ vẫn ở đó, một “kỷ vật” nhớ đời”, chị Toàn chia sẻ.

Lấy giường là để giáo dục

Trong “đoàn công tác” đến thu giường nhà chị Toàn năm ấy có ông Nguyễn Sỹ Thành ngày đó là phó làng, giờ làm trưởng làng Thành Liên. Ngoài ra, còn có anh Phạm Hữu Phương là công an làng, giờ vẫn giữ chức vụ đó.

3.jpg
Ông Thành trưởng làng (ngoài cùng bên phải), anh Phương công an làng đương nhiệm từng là những người đến thu giường nhà chị Toàn. Chính ông Thành cũng là người đưa ra đề xuất tước hộ nghèo của gia đình anh Nguyễn Hữu Hùng (ngồi giữa) năm 2016.

Làm việc với ông Thành và anh Phương, cả 2 đều thừa nhận chính họ ngày đó đi “tịch thu” giường của nhà chị Tám. Tuy nhiên, ông Thành nói: “Hồi đó việc cưỡng chế gia đình chị Toàn là do chủ trương của xã. UBND xã thành lập đoàn cưỡng chế tiến hành cưỡng chế nhà anh Tám vì không hoàn thành nghĩa vụ công dân”.

Lý do được ông Thành đưa ra: “Nhà anh Tám có điều kiện nhưng anh ấy cố tình gây khó khăn. Nhà có lúa, có tiền nhưng không chịu đóng. Từ khi anh Tám chết, gia đình lúc nào cũng hoàn thành các khoản đóng góp. Hồi đó, anh Tám nát rượu, vợ báo cáo với làng và đề nghị đến giúp”.

Tại sao lại giúp… lấy giường? “Vợ anh Tám muốn đóng nhưng chồng không đóng nên vợ mới báo chúng tôi đến lấy giường. Sau đó, chúng tôi báo cáo lên xã, xã chỉ đạo và phối hợp với chúng tôi đưa xe công nông đến tháo giường. Đây là việc làm để răn đe, không có lúa thì lấy giường”, ông Thành nói.

Cũng theo ông Thành: “Đây là cách để… tạo điều kiện cho gia đình hoàn thành nghĩa vụ. Sau khi hoàn thành chúng tôi mời đến lấy giường về. Qua tìm hiểu chúng tôi biết, hồi đó nhà anh Tám vẫn còn thóc nhưng đã mang đi gửi nơi khác”.

Ông Nguyễn Bá Thành, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn, nói: “Việc xã đứng ra tổ chức thu giường của nhà anh Tám là do đề nghị của gia đình và làng Thành Liên. Anh Tám là người siêng ăn nhác làm, đánh đập vợ con nên việc nạp sản không thực hiện. Sau đó, gia đình đề nghị lên làng là… thu giường, làng đề nghị lên xã. Xã chủ trì cùng thôn đến thu giường đưa về nhà văn hóa làng. Thu giường là nhằm mục tiêu răn đe giáo dục anh Tám”.

Tại sao gia đình và làng lại làm theo một đề nghị hài hước là thu giường? Thu giường cả nhà không có chỗ ngủ, sao chị Toàn lại đưa ra đề nghị đó? Hơn nữa, đến cưỡng chế giường là việc làm sai trái, sao xã vẫn làm? Trước câu hỏi của PV, ông Thành chống chế: “Hồi đó chỉ tạm giữ cái giường sau đó lại trả lại. Hồi đó tôi cũng chưa làm lãnh đạo nên không để ý lắm. Chuyện lâu rồi, cái sai này là của lịch sử. Nó qua rồi, từ hồi đó đến giờ không có tái diễn”.

9.jpg
Gia đình ông Xuyên (bên trái) cũng từng bị "đoàn công tác" đến dọa cưỡng chế cả lợn nái đang chửa

Người dân làng Thành Liên cho biết, trước thời điểm thu giường của gia đình chị Toàn, xã cũng nhiều lần “áp dụng biện pháp mạnh” là đến các gia đình nợ tiền để tịch thu tài sản. Cách đây 8 năm, nhà ông Nguyễn Trọng Xuyên cũng vì nợ tiền nên bị “đoàn công tác” tìm đến. Đến nhà ông Xuyên, đoàn ngó nghiêng một hồi rồi “nhắm” đến con lợn nái đang chửa nằm trong chuồng. Lúc đó, vợ ông Xuyên đã phải khóc lóc van xin nên đã được tha.

Những việc làm của cán bộ xã Trường Sơn và làng Thành Liên từng gây ra cái nhìn phản cảm về người cán bộ trong nhân dân. Chuyện tưởng như cũ nhưng bây giờ bỗng dưng “sống lại” ký ức hãi hùng năm nào khi làng và xã vừa quyết định “trừng phạt” hộ gia đình anh Phạm Hữu Hùng vì “tội “ nợ tiền bằng việc tước hộ nghèo. Người đưa ra đề xuất tước hộ nghèo của nhà anh Hùng vẫn là ông Nguyễn Sỹ Thành – người từng đến tháo giường nhà chị Toàn năm 2010.

(Còn nữa)

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm