Xác định công tác cán bộ nữ là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên

17/05/2019 - 09:25
Để thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu, giới thiệu nguồn cán bộ nữ cho hệ thống chính trị, lãnh đạo Hội LHPN các tỉnh, thành phố, đơn vị trực thuộc cần xác định đây là nhiệm vụ ưu tiên, quan trọng.

Ngày 16/5/2019, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Tổ chức nhân dân Úc vì Y tế, Giáo dục và Phát triển hải ngoại (Tổ chức APHEDA) tổ chức Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm trong công tác cán bộ nữ với sự tham dự của lãnh đạo, cán bộ làm công tác tổ chức của Hội LHPN 39 tỉnh, thành, đơn vị tại khu vực phía Nam. Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương chủ trì buổi tọa đàm.

Đây là hoạt động tiếp nối thành công của buổi tọa đàm được tổ chức cho khu vực phía Bắc vừa qua ở Hải Phòng. Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm của địa phương, đơn vị trong thực hiện công tác cán bộ nữ. Đây là hoạt động thiết thực, ý nghĩa để các cấp Hội thực hiện tốt hơn vai trò nòng cốt trong tham mưu tạo nguồn cán bộ nữ cho hệ thống chính trị.

 

pct.jpg
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương phát biểu tại Tọa đàm

 

Trong những năm qua, các cấp Hội đã tham mưu, thực hiện tốt các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, tham gia góp ý vào các vản bản của Đảng, Nhà nước liên quan đến cán bộ nữ (như quy hoạch, tạo nguồn, tuổi bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng…), phối hợp cùng với các Ban, ngành liên quan triển khai kiểm tra, giám sát đánh giá việc thực hiện công tác cán bộ nữ, tổ chức toạ đàm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, bồi dưỡng, giới thiệu nguồn cán bộ nữ cho các cấp ủy Đảng, chính quyền…

Liên quan đến thực trạng đội ngũ cán bộ nữ hiện nay, theo Phó Chủ tịch Trần Thị Hương, tỷ lệ nữ cấp ủy nhiệm kỳ 2015-2020 cấp tỉnh đạt 13,3%, cấp huyện 14,3%, cấp cơ sở 19,69%, đều tăng so với nhiệm kỳ trước; ở cấp huyện, nếu nhiệm kỳ 2010-2015 mới chỉ có 25 tỉnh có tỷ lệ nữ cấp ủy viên trên 15%, trong đó có 7 tỉnh trên 20% thì đến nhiệm kỳ hiện tại đã có 43 tỉnh (68,3%) có nữ cấp ủy viên cấp huyện trên 15%, trong đó có 13 tỉnh có tỷ lệ nữ cấp ủy viên trên 20%; ở cấp tỉnh, nhiệm kỳ 2010-2015, có 9 tỉnh có tỷ lệ nữ cấp ủy viên cấp tỉnh trên 15%, trong đó chỉ có 01 tỉnh tỷ lệ nữ cấp ủy viên trên 20% thì đến nhiệm kỳ hiện tại đã có 21 tỉnh có tỷ lệ nữ cấp ủy viên trên 15%, trong đó có 7 tỉnh có tỷ lệ nữ cấp ủy viên đạt trên 20%.

Tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cả 3 cấp đều đạt trên 26%; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội sau 3 nhiệm kỳ giảm liên tiếp đã đạt 26,72% (tăng hơn 2%) cao hơn so với trung bình của khu vực châu Á (19,9%) và toàn thế giới (24.3%). Hiện nay, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, 3 Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch nước là nữ; ở cấp tỉnh có tính đến cuối tháng 4/2019 có 6 đồng chí Bí thư, 14 Phó Bí thư Tỉnh ủy, 8 Chủ tịch và 30 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; 18 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân là nữ, cùng nhiều chị đảm nhiệm các vị trí trọng trách ở Trung ương và địa phương.

Việt Nam được Liên hợp quốc đánh giá là một điểm sáng trong thực hiện bình đẳng giới. Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2018, khoảng cách giới trong chính trị của Việt Nam đứng thứ 99/149 quốc gia.

Tuy nhiên, so với chỉ tiêu đề ra tỷ lệ nữ lãnh đạo quản lý còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và đóng góp to lớn của các tầng lớp phụ nữ; nguồn cán bộ nữ còn thiếu, ở một số lĩnh vực tỷ lệ cán bộ nữ sụt giảm; một số tỉnh, thành phố có tỷ lệ nữ cấp ủy dưới 10%, thậm chí chưa có nữ đại biểu Quốc hội và nữ trong Ban Thường vụ cấp ủy; khoảng 50% các cơ quan bộ, ngang bộ, chưa có nữ lãnh đạo chủ chốt.

Theo Phó Chủ tịch Trần Thị Hương, để khắc phục hạn chế trên, cấp ủy các cấp, đặc biệt là người đứng đầu cần quyết tâm, quyết liệt thực hiện các giải pháp đã được nhấn mạnh trong Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 19/5/2018 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và xây dựng chỉ tiêu cơ cấu cán bộ nữ, nếu chưa bảo đảm chỉ tiêu cơ cấu thì để trống bổ sung sau. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện ở các cấp, các ngành, định kỳ tổ chức sơ kết việc thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng về công tác phụ nữ và cán bộ nữ nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp uỷ, nhất là người đứng đầu trong công tác cán bộ nữ.

 

1.jpg
Toàn cảnh buổi Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm trong công tác cán bộ nữ

Mặt khác, cần điều chỉnh tuổi công tác và tuổi quy hoạch, bổ nhiệm với cán bộ nữ để chị em có điều kiện phấn đấu và được tham chính ở độ tuổi “chín chắn nhất” như nam giới. Bổ sung và thực hiện những biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới bằng những quy định và chính sách riêng đối với nữ trong xây dựng quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ nữ theo tinh thần Luật Bình đẳng giới; quy định tỷ lệ nữ trong quy hoạch từ 25% trở lên (thay vì ghi không dưới 15% trong Hướng dẫn số 15-HD/BTCTW để có nguồn cán bộ nữ kế cận).

Về trách nhiệm của Hội LHPN các cấp, để thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu, giới thiệu nguồn cán bộ nữ cho hệ thống chính trị, Phó Chủ tịch Trần Thị Hương đề nghị lãnh đạo Hội LHPN các tỉnh, thành phố, đơn vị trực thuộc cần xác định đây là nhiệm vụ ưu tiên, quan trọng. Theo đó, cần khẩn trương đánh giá lại thực trạng cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý ở địa phương; rà soát, phát hiện nguồn để kịp thời tham mưu, đề xuất bổ sung nhân sự cán bộ nữ vào quy hoạch và khi kiện toàn, chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ 2020-2025, tỷ lệ nữ đại biểu quốc hội khóa XV và tỷ lệ nữ đại biểu hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026.

Tích cực tham gia, đề xuất ý kiến về công tác cán bộ nữ trong quá trình xây dựng các văn bản liên quan đến công tác nhân sự, nhất là chỉ thị, phương hướng, đề án nhân sự đại hội đảng và bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; chủ động phối hợp với Ban Tổ chức cấp ủy cùng cấp làm việc với cấp ủy cấp dưới về công tác cán bộ nữ. Trên cơ sở đó tham mưu đề xuất với cấp ủy có chỉ đạo, giải pháp cụ thể đảm bảo cơ cấu, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy, nếu đầu nhiệm kỳ nơi nào chưa chuẩn bị đủ cơ cấu, tỷ lệ thì để trống, bổ sung sau theo đúng tinh thần Nghị quyết 26 - NQ/TW.

Bám sát kế hoạch và sự chỉ đạo của cấp ủy cùng cấp, xây dựng kế hoạch tham gia công tác cán bộ nữ của Hội, lựa chọn ưu tiên phù hợp tình hình địa phương, trong đó xác định các việc phải làm, các giải pháp đột phá, các chỉ tiêu cần đạt được tương ứng với các mốc thời gian cụ thể. Chủ động, tích cực phát hiện, giới thiệu nhân sự đủ tiêu chuẩn vào quy hoạch và nguồn cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo các ngành, Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; giới thiệu phụ nữ ưu tú cho Đảng bồi dưỡng kết nạp, tạo nguồn phát triển cán bộ nữ; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ nữ…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm