Xác định tâm lý trước khi ở rể

Song Nghi
15/02/2024 - 20:38
Xác định tâm lý trước khi ở rể

Ảnh minh họa

“Nếu ta không tỉnh táo, rất có thể, chỉ vài lời chỉ trích, khích bác là sẽ ảnh hưởng lớn đến tình cảm vợ chồng và mối quan hệ trong gia đình”, anh Bùi Văn Nghĩa (nhân viên IT ở Hà Nội) chia sẻ.

Sinh ra và lớn lên ở Quảng Bình, học đại học chuyên ngành công nghệ thông tin ở Hà Nội, ra trường, anh Nghĩa làm việc cho một công ty liên doanh nước ngoài. Trong lúc bố mẹ anh giục ời ời về quê lấy vợ, ổn định gia đình thì anh đem lòng yêu cô gái gốc Hà Nội Nguyễn Huyền Thu. Biết chuyện yêu đương của con trai, bố mẹ anh Nghĩa chẳng vui vì "khoảng cách địa lý thì xa, văn hóa vùng miền cũng khác, sau này khó dung hòa". Anh Nghĩa phải thuyết phục mãi, các cụ mới… xuôi xuôi để con trai tự quyết chuyện yêu đương, vợ con. Mấy lần anh đưa Thu về quê, tiếp xúc thấy "con dâu tương lai" hiền dịu, ôn hòa, dễ gần nên bố mẹ anh Nghĩa cũng an tâm nhiều phần.

Một quyết định không hề dễ dàng

Khi anh Nghĩa - chị Thu tính chuyện cưới xin, điều làm bố mẹ anh Nghĩa băn khoăn nhất là chuyện bố mẹ chị Thu mong muốn vợ chồng con gái sống cùng nhà với họ sau khi cưới. Theo lời ông bà, anh trai chị Thu đang công tác và sinh sống ở nước ngoài, nhà cửa 4 tầng rộng rãi, nếu vợ chồng Thu ở chung nhà thì sau này sinh con, tiện bề ông bà ngoại đỡ đần, hỗ trợ chăm sóc các cháu.

Anh Nghĩa tâm sự, chỉ vì chuyện này mà bố mẹ anh căng thẳng suốt mấy tháng. "Bố mẹ tôi vốn nặng định kiến gia đình nên việc để con trai ở rể là khó chấp nhận. Thu thấy bố mẹ tôi không vui, cô ấy đề xuất, để tránh những bất đồng không đáng có, trước mắt, hai vợ chồng sẽ thuê nhà ở riêng, lúc có con thì tính sau. Tôi hiểu, cô ấy đề xuất như vậy vì giữ ý với bố mẹ chồng, không muốn "làm khó" chồng. Thương vợ, tôi động viên cô ấy cứ để tôi chủ động thu xếp mọi việc ổn thỏa".

Bố mẹ chị Thu biết ông bà thông gia không được thoải mái nên cũng không "nài ép" con rể. Mẹ chị Thu chỉ hỏi: "Việc con về sống chung với bố mẹ liệu có làm khó con không? Mẹ thực lòng rất mong được ở cùng con cháu lúc về già. Nhưng chỉ lo, bố mẹ con không thoải mái. Bố mẹ thì hoàn toàn có ý tốt và chân thành. Nhà mình đâu phải con đàn cháu đống, nên chỉ ước hai nhà thông gia như một. Sau này, chắc chắn sẽ có lúc con nghe thiên hạ họ bàn ra tán vào, nói này nói nọ, liệu tâm lý của con có bị lung lay?". Sợ mẹ vợ suy nghĩ nhiều, anh Nghĩa phải làm công tác tư tưởng cho bà. Anh còn hứa với mẹ vợ rằng, dù bố mẹ đẻ ở quê xa nhưng vợ chồng anh sẽ chăm lo, có nhiều cách để quan tâm, bù đắp cho ông bà.

Lấy câu "rể hiền nên trai" làm gốc

Thấm thoắt đó đã hơn 10 năm anh Nghĩa ở rể, vợ chồng anh cũng đã có 2 mặt con. Bao năm qua, ông bà ngoại chính là "hậu phương" vững chắc của vợ chồng anh. Hai vợ chồng bảo nhau, nếu không có ông bà ngoại làm chỗ dựa, vợ chồng anh đã không thể an tâm dành trọn thời gian phấn đấu để có những thành công trong công việc.

Nói về cuộc sống ở rể, anh Nghĩa rút ra nhận định của cá nhân mình: "Dù nội tại mối quan hệ trong nhà có tốt đến mấy thì miệng lưỡi thế gian vẫn hà khắc với câu châm ngôn "chó chui gầm chạn". Tôi không sợ dư luận tiêu cực này mà lấy câu "rể hiền nên trai" làm gốc. Ngay cả bản thân tôi, anh em bạn bè đến nhà đều biết, bố mẹ vợ tôi sống rất đạo đức, văn hóa. Vậy mà vẫn có không ít người vẫn nghi ngờ "làm gì có chuyện con rể như con trai, bố mẹ vợ như bố mẹ đẻ". Hai vợ chồng tôi đều có thu nhập khá, đủ điều kiện để mua nhà ở riêng nhưng khi thấy chúng tôi ở chung với bố mẹ vợ thì nhiều người vẫn "nghĩ ác" rằng tôi muốn "ôm" tài sản của nhà vợ. Nhưng kệ họ thôi, điều quan trọng nhất là bản thân mình thấy thế nào, mình có thực sự coi bố mẹ vợ như bố mẹ mình không, có coi gia đình vợ là gia đình mình không. Khi mình xác định rõ ràng quan điểm sống thì những lời bàn tán của thiên hạ chẳng thể nào làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình mình được. Nhưng nếu bản thân mình còn do dự, không tỉnh táo, rất có thể, chỉ vài lời chỉ trích, khích bác là sẽ ảnh hưởng lớn đến tình cảm vợ chồng và mối quan hệ trong gia đình".

Chứng kiến mối quan hệ tốt đẹp giữa chồng và bố mẹ vợ, người hạnh phúc nhất chính là chị Thu. Chị thú thật, lúc đầu khi vợ chồng ở chung với bố mẹ đẻ, chị hồi hộp, lo ngay ngáy. "Chắc vì bố mẹ mình yêu thương con, còn chồng yêu thương vợ nên mọi sự đều êm ấm cả", chị Thu cười hạnh phúc. Chị tâm sự hạnh phúc và yêu chồng bao nhiêu thì càng biết ơn, kính yêu và hiếu lễ với bố mẹ chồng, trân quý nhà chồng bấy nhiêu.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm