Xác lập "điểm chung" để mẹ gần con hơn

08/06/2017 - 08:20
Từ ngày thường xuyên nói câu đó với con, chị thấy quan hệ giữa 2 mẹ con được cải thiện đáng kể. Thay vì giận dỗi, chống đối, con gái đã sẵn sàng chia sẻ cùng mẹ.
"5 ngày 3 trận"

Trước đây, cũng như nhiều bà mẹ khác, chị rất hay nổi đóa với những lỗi lầm của con gái. Một lần, con bị điểm 3 môn Toán. Chị rít lên: “Ngày xưa mẹ không như con. Ông bà ngoại chẳng có điều kiện cho mẹ học thêm mà mẹ vẫn học giỏi. Còn con được chăm sóc đến tận răng thì chẳng được tích sự gì!”.

Con gái chị hậm hực: “Vâng, mẹ thì hoàn hảo rồi. Con làm sao theo kịp được mẹ!”. Nói xong, nó bỏ vào phòng, đóng cửa cái rầm rồi ở lì trong đó đến tối. Phải mất mấy ngày, 2 mẹ con mới có thể “bình thường hóa” quan hệ.

7.jpg
Mẹ hãy là bạn, lắng nghe con thay vì lên án trẻ    Ảnh minh họa

Lần khác, chị thấy con ra khỏi nhà với bộ quần áo nhàu nát, đầu tóc bù xù. Chị gọi con lại, mắng xối xả: “Sao mà không có nết ăn ở. Ngày xưa mẹ không như con. Mẹ luôn giữ gìn quần áo, sách vở gọn gàng, sạch sẽ”.

Con gái chị lại làu bàu: “Con biết rồi, mẹ giỏi giang, nết na, còn con thì dốt nát, xấu tính. Mẹ là nhất trên trái đất này”. Nghe con nói vậy, chị giận lắm. Chị dạy con ăn ở nề nếp, chẳng lẽ sai ư? Vậy, tại sao nó cứ bảo thủ, chống đối chị?

Cứ như thế, mẹ con chị “5 ngày 3 trận”. Chị luôn là người bắt đầu “ngày xưa mẹ không như con”, còn con gái kết thúc “cuộc chiến” bằng những tiếng ì xèo, bức xúc.

“Ngày xưa mẹ cũng thế”

Cũng may, một người bạn là chuyên gia tư vấn tâm lý khi biết chuyện đã cho chị “bảo bối” để cải thiện mối quan hệ mẹ con. Người bạn cam đoan, bảo bối này rất hiệu nghiệm, chắc chắn sẽ giúp được chị.

Chị quyết định “thử” xem sao. Chẳng cần chờ lâu, ngay buổi chiều, chị được cô chủ nhiệm của con thông báo: “Chị ơi, con gái chị và bạn nam ngồi cạnh đang yêu nhau. Hôm nay, em bắt quả tang hai đứa nắm tay nhau trong giờ học”.

tr.jpg
Cha mẹ nên thẳng thắn thừa nhận thuở nhỏ cũng hay mắc lỗi và dùng chính lỗi đó để dạy con, để con thấy bố mẹ rất thông cảm với mình (Ảnh minh họa)

Chị quay sang nhìn con gái. Mặt nó vừa sợ sệt, vừa đợi bị mẹ mắng. Nhưng, chị lại bình tĩnh nói với con: “Thôi, có gì về tới nhà mẹ con mình nói chuyện sau”. Con bé tròn xoe mắt nhìn chị rồi xách cặp im lặng theo chị về nhà. “Nào, thế con nói cho mẹ biết tình cảm của hai đứa ra sao? Có đúng như cô giáo không?”. Im lặng. Chị lại tiếp tục: “Ngày xưa mẹ cũng như con. Năm lớp 10 mẹ cũng bắt đầu biết yêu. Vì thế, con đừng lo lắng mà hãy chia sẻ với mẹ”.

Con gái chị ngạc nhiên, thoáng chút bối rối rồi dò hỏi chị: “Thật thế hả mẹ? Con cứ tưởng mẹ sẽ nói ngày xưa mẹ không như thế...”; “À, không đâu. Mẹ cũng yêu rồi nên hiểu tâm trạng của con bây giờ”. Cứ thế, chị bắt đầu khơi gợi và thật kỳ diệu, chỉ trong chốc lát, con gái chị đã vui vẻ chia sẻ với chị chuyện tình cảm của con và bạn.

Sau đó, nó còn ngoắc tay với chị, cùng thỏa thuận đó sẽ là bí mật riêng chỉ của 2 mẹ con. Chị nhẹ nhàng dặn con: “Lúc nào con rủ bạn tới nhà mình chơi. Bây giờ 2 đứa là học sinh nên phải đặt việc học lên hàng đầu. Các con còn nhỏ, hãy có điểm dừng để tình cảm được đẹp mãi nhé!”. “Vâng, con biết chứ. Mẹ yên tâm!”.

Đúng là, nếu chị vẫn giữ lối ứng xử như trước, chắc chắn con sẽ không bao giờ chịu mở lòng với mẹ. Cuối năm học, chị đi họp phụ huynh cho con và thấy cô giáo nhận xét con chưa chăm học. Chị về nhà, thấy vẻ mặt lo lắng của con, bèn an ủi: “Không sao. Ngày xưa mẹ cũng từng có giai đoạn như thế. Hồi lớp 5, mẹ còn bị ông ngoại đánh đòn vì không chịu làm bài tập.

Sau đó, vì không muốn ông ngoại buồn mà mẹ thay đổi. Mẹ đã thi đỗ gần thủ khoa đại học như con biết đấy”. Con gái chị ngồi im nghe mẹ nói, đáp: “Vâng, cảm ơn mẹ đã hiểu con. Năm học sau con sẽ cố gắng hơn. Con cũng không muốn làm mẹ buồn”. Chỉ có mấy lời đó của con thôi mà chị thấy rất vui, hiểu rằng “bảo bối” bạn chị trao cho chị đã phát huy tác dụng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm