pnvnonline@phunuvietnam.vn
Xâm hại trẻ em từ góc nhìn các gameshow nhí: Coi trọng hay lợi dụng trẻ em để kiếm lời?
"Những gì mà các thành viên đoàn giám sát đã trải qua để có được báo cáo kết quả giám sát đặc biệt trình Quốc hội hôm nay, có lẽ chưa bao giờ bước chân về thực trạng xâm hại trẻ em được nhìn nhận và đánh giá một cách toàn diện với nhiều sắc thái và cung bậc cảm xúc từ cảm thông, giận dữ về các hành vi xâm hại trẻ em" – ĐB Phạm Trọng Nhân nêu nhận định của mình khi mở đầu cho phần thảo luận sáng nay (27/5) tại Quốc hội.
Theo đại biểu, vẫn còn nhiều góc khuất khác về hành vi xâm hại, mà một trong số đó vẫn đang diễn ra công khai, thậm chí còn được cổ suý, nhưng chưa được nhìn nhận trong báo cáo giám sát này. Đó là việc trẻ em gián tiếp bị xâm hại thông qua cáo chương trình truyền hình thực tế, gameshow nhí đang phát kín trên các kênh truyền hình nước ta hiện nay.
"Thực trạng này được được khoác lên mình lớp vỏ bọc khi cậu bé mới 4 tuổi, oà khóc vì không đạt giải nhất gameshow "Biệt tài tí hon" thì có người xem nào đặt câu hỏi: Liệu ở đây ai đã có hành vi xâm hại trẻ em? Không ai muốn con mình phải khóc, nhưng sẽ ra sao khi làm cho một đứa trẻ vừa lên 4 phải bật khóc nức nở trên sóng truyền hình vì thua người khác" – ông đặt câu hỏi.
ĐB Phạm Trọng Nhân cho rằng, từ Giọng hát Việt nhí, Thần tượng âm nhạc nhí, Bước nhảy Hoàn vũ nhí, Gương mặt thân quen nhí, Người hùng tí hon… đến chương trình Người mẫu nhí Việt Nam, tất cả cho thấy đó không đơn thuần là sự bùng nổ các gameshow thiếu nhi mà là sự đối đầu của nhà sản xuất trước lợi nhuận, bất chấp đạo đức để những đứa trẻ hồn nhiên, ngây thơ phải học cách sống cạnh tranh hơn, thua để bước lên ngôi vị cao nhất, tự bào chữa bằng một lời lẽ lý lẽ đây thành tích và tạo thêm sân chơi cho trẻ.
"Đã có nghiên cứu nào đong đếm những tổn hại mà các em phải gánh chịu so với những gì mà các em và gia đình nhận được sau mỗi chương trình? Các kịch bản định hướng đến sự cạnh tranh khốc liệt, những chiêu trò nhằm thu hút người xem mà ở đó em không khác gì những con rối trong tay?" - ông bức xúc.
Những đứa trẻ đáng yêu khoác lên mình những bộ quần áo sang trọng, trang điểm, ánh mắt sắc lạnh và sải bước điệu nghệ bằng giày cao gót trên sàn diễn thời trang, bên dưới là những tràng pháo tay tán thưởng. Dù có cố gắng đến mấy, vị đại biểu cũng không thể hiểu được ý nghĩa thông điệp gì qua những chương trình này.
Trước những hệ lụy trên, đại biểu Nhân cho rằng, nhiều quốc gia tiến bộ trên thế giới đã chính thức cấm các chương trình thực tế của trẻ em. Lý do đầy nhân văn mà họ đưa ra là để bảo vệ các em khỏi các nguy cơ tiềm ẩn khi bất ngờ nổi tiếng và cho các em một môi trường bình thường để phát triển.
"Cũng rất mừng vì chuyên đề giám sát tối cao lần này theo tôi là cho người lớn một cơ hội nhìn lại cách chúng ta đang đối xử với trẻ em, cần có trái tim nhân hậu, tình thương yêu đúng mực đối với con trẻ. Bởi chính các con là chìa khoá để mở cánh cửa vận mệnh tương lai đất nước. Vì vậy, đã đến lúc chúng ta phải cùng nhau hành động để trả lại môi trường an lành và đẹp đẽ cho con em chúng ta" – ĐB Phạm Trọng Nhân kiến nghị.