pnvnonline@phunuvietnam.vn
Xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên giai đoạn mới - Bài 3: Chung tay chăm lo, giáo dục nhân cách, đạo đức từ trong gia đình
Ảnh minh họa
Những người phụ nữ, người mẹ, người bà… trong gia đình là những người thầy đầu tiên của trẻ. Do đó, để xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, đảm bảo các giá trị: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo… theo định hướng của Đảng cũng như góp phần đưa Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới thực sự thấm sâu vào cán bộ, đảng viên cũng như lớp lớp chủ nhân tương lai của đất nước, thì chúng ta cần chú trọng công tác chăm lo, giáo dục nhân cách, đạo đức cho trẻ em ngay từ trong gia đình.
Xác định "Giáo dục một người phụ nữ ta được một gia đình tốt…", thời gian qua các cấp Hội LHPN Việt Nam đã và đang thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua "Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới" với bốn tiêu chí: có tri thức; có đạo đức; có sức khỏe; có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước.
Những người thầy đầu tiên giáo dục trẻ từ sớm trong gia đình
Qua các công trình nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh rằng, giai đoạn từ 0 - 6 tuổi được đánh giá là "thời kỳ vàng" trong quá trình giáo dục trẻ, vì đến 6 tuổi, bộ não của trẻ cơ bản đã hình thành, những thay đổi tiếp theo chỉ là sự hoàn thiện. Theo đó trong "thời kỳ vàng" này những thói quen, những nét tính cách của trẻ cơ bản đã hình thành.
Trong "thời điểm vàng" của quá trình giáo dục đó, nếu trẻ được cha mẹ, ông bà, những người chăm sóc trẻ rèn luyện ngôn ngữ, các kỹ năng… sẽ giúp trẻ hình thành những thói quen tốt từ cách ăn, uống, vệ sinh, biết tự phục vụ mình và có ý thức giúp đỡ người khác, từ đó hình thành tình yêu đối với lao động, coi lao động là một hoạt động bình thường của mỗi người… Từ nền văn hóa của mỗi gia đình, trên cơ sở kế thừa những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống, trẻ được học lễ nghi, biết lễ phép, có tình thương yêu đối với những người xung quanh, yêu thiên nhiên, cây cỏ, động vật từ đó mà hình thành tình yêu gia đình, yêu quê hương, đất nước…
Ngược lại, ở thời điểm vàng đó, những người chăm sóc trẻ không hề chú ý đến sự phát triển, nhận biết của trẻ, không quan tâm giáo dục kỹ năng, vận động, dễ khiến trẻ có suy nghĩ lệch lạc, sống ích kỷ… Vì vậy, giáo dục trẻ từ trong gia đình, nhất là ở giai đoạn phát triển vàng của trẻ là việc làm cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong việc bồi dưỡng nhân cách một con người. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, xã hội ngày càng phát triển đòi hỏi lao động chất lượng cao, công dân toàn cầu với rất nhiều kiến thức, kỹ năng, càng cần thiết phải xây dựng những thế hệ tương lai giỏi về kiến thức, năng động, nhạy bẹn, có khả năng đáp ứng được được yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Muốn như vậy, trước hết chúng ta phải tăng cường công tác giáo dục, nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho những người thầy, đặc biệt là những người thầy đầu tiên trong gia đình của trẻ đó chính là cha mẹ và những người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ.
Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của phụ nữ trong xây dựng, giáo dục con người, những năm qua, các cấp Hội LHPN Việt Nam đã phát động các phong trào thi đua yêu nước, Cuộc vận động, nhiều chương trình, nhiệm vụ, hoạt động… nhằm hỗ trợ phụ nữ và các thành viên trong gia đình thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng con người. Nhiệm vụ đó không nằm ngoài định hướng xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện của Đảng, được khẳng định trong Đại hội XIII của Đảng: "Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có sức khỏe, năng lực, trình độ, có ý thức, trách nhiệm cao đối với bản thân, gia đình, xã hội và Tổ quốc", "xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại". Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng khẳng định quan điểm "Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế…".
"Giáo dục một người phụ nữ ta được một gia đình tốt…", nhiều gia đình tốt sẽ tạo thành một xã hội tốt đẹp, một dân tộc tốt đẹp. Tiếp nối như vậy sẽ có nhiều thế hệ tốt gắn với một xã hội tốt đẹp, một đất nước phồn vinh, hạnh phúc bền vững, lâu dài… Từ ý nghĩa đó, Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2022 - 2027) đã phát động phong trào thi đua "Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới" có tri thức, có đạo đức, có sức khỏe, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước; hướng đến mục tiêu phát triển con người toàn diện, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt. Với các nội hàm của người phụ nữ Việt Nam thời đại mới bước đầu được định hình là "có tri thức, có đạo đức, có sức khỏe, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước", quá trình xây dựng người phụ nữ Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng thời đại mới phải gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại, trở thành người công dân toàn cầu, với những kiến thức, kỹ năng tổng hòa, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thời đại mới.
Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã có những đánh giá rất cao về phụ nữ. Bác nhấn mạnh: "Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ". "Trong hàng ngũ vẻ vang những anh hùng quân đội, anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua và lao động tiên tiến đều có phụ nữ. Phụ nữ ta tham gia ngày càng đông và càng đắc lực trong các ngành kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội"…
Phụ nữ Việt Nam ngày nay đã vượt lên những rào cản, định kiến, được học tập, rèn luyện, phần đấu, trưởng thành. Họ không chỉ làm tốt vai trò giữ lửa ấm, xây dựng hạnh phúc gia đình mà còn tham gia tích cực vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, giữ nhiều chức vụ trong bộ máy lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và hoàn thành xuất sắc các trọng trách được giao. Hiện nay, tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội khóa XV chiếm 30,26%. Chúng ta đã có các đồng chí nữ lãnh đạo tham gia các chức danh chủ chốt trong Quốc hội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Nhà nước, các Ban xây dựng Đảng Trung ương, Bí thư, Chủ tịch các tỉnh, thành…
Nhưng một vai trò vô cùng quan trọng của người phụ nữ thời đại mới cần được quan tâm, hỗ trợ để phụ nữ thực hiện tốt hơn nữa, đóng góp vào nhiệm vụ "Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện" của Đảng, nhấn mạnh về vai trò của người phụ nữ thời đại mới - Người thầy đầu tiên của con người, trong việc xây dựng, giáo dục con người mới - chủ nhân tương lai của đất nước.
Tiếp tục phát huy vai trò của người phụ nữ trong giáo dục trẻ từ gia đình
Người phụ nữ có vị trí quan trọng trong gia đình với vai trò là người mẹ, người bà, người thầy đầu tiên của con người. Ở thời đại nào cũng vậy, phụ nữ không chỉ cùng với nam giới "lo việc nước", "xây dựng tổ ấm", họ còn có vai trò rất quan trọng trong việc chăm sóc, nuôi dạy con cái, giữ gìn ngọn lửa ấm trong mỗi gia đình. Macxim Gorki đã từng ca ngợi vai trò to lớn của người phụ nữ: "Đời thiếu mẹ hiền, không phụ nữ/ Anh hùng, thi sĩ hỏi còn đâu?". Câu thơ đã được người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhắc đến tại Chương trình "Tự hào phụ nữ Việt Nam" do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức như một sự ghi nhận, đánh giá vai trò của bản thân người phụ nữ và sự tác động, ảnh hưởng quan trọng của người phụ nữ đối với những nhân tài của đất nước, của nhân loại qua các thời đại.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, các chính sách quan tâm, chăm lo, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển toàn diện, thực hiện hiệu quả công tác cán bộ nữ, tạo nguồn cán bộ nữ chất lượng cao; bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ trong các khâu công tác cán bộ, nhất là quy hoạch, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, công tác phát triển đảng viên nữ... Đề án "Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt" giai đoạn 2010 - 2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giao cho Hội LHPN Việt Nam chủ trì, với nhiều hoạt động, mô hình được triển khai thực hiện đã giúp cán bộ, hội viên và phụ nữ nhất là phụ nữ nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo được nâng cao kiến thức, hiểu biết, thực hiện kỹ năng nuôi dạy con, nhất là các bà mẹ có con dưới 16 tuổi.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng ta đã chỉ rõ: "Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại". Ngày 21/11/2021, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đúc kết, khái quát các giá trị con người Việt Nam gồm: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Đó là những giá trị cơ bản, chủ yếu, cốt lõi trong hệ giá trị con người Việt Nam hiện nay.
Cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng, Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII đã phát động phong trào thi đua "Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới", đồng thời xác định xây dựng người phụ nữ Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, hội nhập quốc tế là một trong những nội dung nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2022 - 2027 của Hội. Song song với đó, Hội cũng đề ra nhiệm vụ vận động phụ nữ phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại, góp phần xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam thời kỳ mới theo chủ trương của Đảng.
Để phát huy được vai trò của người phụ nữ thời đại mới trong việc giáo dục con người mới từ sớm trong gia đình, trước hết bản thân người phụ nữ cần phải xác định được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc nâng cao sức khỏe, kiến thức, kỹ năng, năng lực… cho bản thân, có nghề nghiệp, sinh kế, thu nhập ổn định… Trong gia đình, người phụ nữ hiện đại cần biết sắp xếp cuộc sống gia đình, phân công công việc hợp lý giữa các thành viên trong gia đình, điều tiết, gắn kết yêu thương giữa các mối quan hệ trong gia đình… Đồng thời, bản thân người phụ nữ bằng tình yêu và nhạy cảm giới cần thấu cảm với người bạn đời, thấu cảm các con và các thành viên trong gia đình, hướng dẫn mọi người quan tâm, chăm sóc lẫn nhau để xây dựng một gia đình thực sự hạnh phúc, ấm áp, yêu thương, tạo môi trường văn hóa gia đình giáo dục các thành viên mới, những công dân toàn cầu từ trước khi ra đời… Với vai trò là người mẹ, người thầy đầu tiên của con người cần nuôi dưỡng ước mơ, lý tưởng, hoài bão, niềm tin, tình yêu thương con người, lòng yêu nước cho các con, giúp các con đặt ra mục tiêu, lập kế hoạch, từng bước chinh phục ước mơ của mình…
C.Mác cho rằng "Người làm giáo dục trước hết phải là người được giáo dục". Người thầy đầu tiên của con người cần tiếp tục được các cấp Hội LHPN Việt Nam, các cấp, các ngành, gia đình và xã hội quan tâm, chăm lo nhiều hơn nữa để họ tỏa sáng, thắp lên ngọn lửa ấm áp, yêu thương trong mỗi gia đình, để vun trồng, chăm sóc những chủ nhân tương lai của Đảng, của đất nước. Những chủ nhân tương lai ấy muốn "hồng thắm, chuyên sâu" cần phải được giáo dục lý tưởng cách mạng từ trong gia đình, từ những người mẹ, người thầy đầu tiên của con người.
Thời gian qua, Đảng ta đã có những nghị quyết, chỉ thị quan trọng, đặc biệt quan tâm đến công tác phụ nữ. Ngày 27-4-2007, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/T.Ư về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với những quan điểm cơ bản của Đảng ta trong công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhằm phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Nâng cao địa vị phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội là một trong những nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới; phát huy được tinh thần làm chủ, tiềm năng, sức sáng tạo và khả năng đóng góp cao nhất của các tầng lớp phụ nữ, góp phần tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, để phát triển đất nước; đồng thời chăm lo cho phụ nữ tiến bộ về mọi mặt, quan tâm đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng để phụ nữ có điều kiện thực hiện tốt vai trò người công dân, người lao động, người mẹ, người thầy đầu tiên của con người.
Đồng thời, Nghị quyết cũng nhấn mạnh nội dung xây dựng, phát triển vững chắc đội ngũ cán bộ nữ tương xứng với vai trò to lớn của phụ nữ là yêu cầu khách quan, là nội dung quan trọng trong chiến lược công tác cán bộ của Ðảng. Công tác phụ nữ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và từng gia đình. Trong đó, hạt nhân lãnh đạo là các cấp ủy đảng, trách nhiệm trực tiếp và chủ yếu là cơ quan quản lý nhà nước các cấp, vai trò chủ thể là phụ nữ mà nòng cốt là các cấp Hội LHPN Việt Nam. Ngày 20/01/2018, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới về “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu của tời kỳ mới. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực nữ chất lượng cao”. Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 ngày 3/3/2021 và Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 ngày 30/12/2021; Nghị định 56/2012/NĐ-CP ngày 16/7/2012 của Chính phủ quy định trách nhiệm của bộ, ngành, UBND các cấp trong việc bảo đảm cho các cấp Hội LHPN Việt Nam tham gia quản lý Nhà nước. Quan điểm chỉ đạo của Đảng, của Chính phủ là rất cụ thể, rõ ràng. Vấn đề đặt ra là việc nắm bắt và vận dụng các quan điểm của các cấp ủy, chính quyền vào thực tế công tác tại cơ sở là yêu cầu quan trọng nhằm chăm lo cho sự phát triển của phụ nữ, để phụ nữ phát huy được hết tiềm năng và thế mạnh, thể hiện rõ vai trò vị trí của mình trong gia đình và xã hội, để có bình đẳng giới thực sự.
Các cấp Hội LHPN Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ cho phụ nữ phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình, nhất là trong giáo dục con trong gia đình từ sớm theo phương pháp khoa học, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, phát huy giá trị truyền thống của văn hóa gia đình Việt Nam để xây dựng các thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước kế thừa xứng đáng sự nghiệp của Đảng, của dân tộc… Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ, lý luận chính trị cho cán bộ làm công tác phụ nữ các cấp, nhất là cấp cơ sở để có đủ kiến thức, kỹ năng vận dụng vào thực tiễn, nhất là hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, giáo dục con từ sớm trong gia đình. Đồng thời, tăng cường quán triệt, thực hiện nghiêm Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/11/2023, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc; tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới về "Xây dựng người phụ nữ Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực nữ chất lượng cao"; Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước. Tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030; Phát huy vai trò của các cấp Hội LHPN Việt Nam trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tham gia quản lý nhà nước.
Nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong giai đoạn phát triển hiện nay, mỗi cán bộ, hội viên, phụ nữ cần không ngừng nỗ lực phấn đấu, khẳng định vai trò, vị thế phụ nữ Việt Nam thời đại mới với các giá trị tốt đẹp về đạo đức, tri thức, đẹp về tâm hồn, khỏe về thể chất, để chung tay xây dựng hạnh phúc gia đình, vun trồng những mầm non, những hạt giống đỏ cho tương lai…
Nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong giai đoạn phát triển hiện nay, mỗi cán bộ, hội viên, phụ nữ cần không ngừng nỗ lực phấn đấu, khẳng định vai trò, vị thế phụ nữ Việt Nam thời đại mới với các giá trị tốt đẹp về đạo đức, tri thức, đẹp về tâm hồn, khỏe về thể chất…
Một người phụ nữ hạnh phúc sẽ xây dựng nên một gia đình hạnh phúc, nhiều gia đình hạnh phúc sẽ xây dựng nên xã hội hạnh phúc. Trẻ em là chủ nhân tương lai của Đảng, của dân tộc, của nước nhà. Trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển nhanh, quá trình toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều công dân toàn cầu, công dân vũ trụ… Đó là những người sống và làm việc ở nhiều quốc gia, có nhiều quốc tịch, hoặc sống ở một quốc gia nhưng kết nối công việc, giao tiếp ở nhiều quốc gia khác nhau…
Bài toán đặt ra cho chúng ta là làm sao để công dân toàn cầu của chúng ta ngày càng nhiều hơn, giỏi hơn, hòa nhập ngày càng tốt hơn trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ và đòi hỏi ngày càng cao, nhưng không hòa tan trong môi trường quốc tế. Làm sao để bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam được phát huy và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại ngày càng thấm sâu, thấm đẫm vào tâm hồn mỗi người, từ khúc hát dân ca, từ lời ru của mẹ, trở thành hành trang nâng đỡ mỗi con người trong suốt cuộc đời. Bởi "Văn hóa còn thì dân tộc còn", "văn hóa soi đường cho quốc dân đi".
Tài liệu, trang wed tham khảo:
- Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
- Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội
- https://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/dao-duc-cach-mang-trong-tinh-hinh-hien-nay-655117.html
- https://tuyengiao.hagiang.gov.vn/thong-tin-chuyen-de/ly-luan-chinh-tri-lich-su-dang/nhung-bai-hoc-trong-cong-tac-xay-dung-dang-ve-dao-duc-tu-chi-dan-cua-chu-tich-ho-chi-minh.html
- https://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/xay-dung-dang-ve-dao-duc-theo-nghi-quyet-dai-hoi-xiii-579429.html