pnvnonline@phunuvietnam.vn
Xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên giai đoạn mới - Nhìn từ vai trò giáo dục trong gia đình của người phụ nữ
Ảnh minh họa
Điều đó thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng tới việc xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu công tác xây dựng Đảng trong giai đoạn hiện nay.
Để góp phần cùng với các cấp, các ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả Quy định 144 của Bộ Chính trị, ngoài việc thực hiện các hướng dẫn, văn bản, chế tài… từng bước đưa Quy định vào thực tiễn cuộc sống, chúng tôi muốn bàn luận về một góc nhìn sâu xa để Quy định 144 của Đảng thực sự thấm vào từng lớp lớp thế hệ cán bộ, đảng viên, cùng chung mục tiêu, lý tưởng khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc…
Bài 1: Đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh - Những giá trị vẹn nguyên trong công tác xây dựng Đảng hiện nay
Xây dựng Đảng về đạo đức luôn là việc làm thường xuyên quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, trong đó, việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên được xem là khâu then chốt, một mục tiêu mà Đảng ta cần phấn đấu, làm cho Đảng luôn xứng đáng với mong mỏi của toàn dân, thực sự tiêu biểu cho "trí tuệ, danh dự và lương tâm của thời đại".
Văn kiện XIII của Đảng khẳng định: "Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các giá trị đạo đức cách mạng theo tinh thần Đảng ta là đạo đức, là văn minh cho phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc" (1).
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngày 9/5/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới. Đó là sự kế thừa, phát huy những giá trị, chuẩn mực đạo đức cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhắc đến trong giáo dục cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, vào cuối năm 1958, trong khi đất nước đang tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, phát triển kinh tế và văn hóa, tạo cơ sở cho việc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, với bút danh TRẦN LỰC, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG đăng Tạp chí Học tập, số 12 năm 1958 (2).
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng "không phải là đạo đức thủ cựu. Nó là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng của cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người; phản ánh lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trong sự nghiệp đấu tranh để giải phóng mình và giải phóng nhân loại, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản." (3)
Mục tiêu xây dựng Đảng về đạo đức là làm cho mỗi đảng viên ngày càng trưởng thành hơn, luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, thực sự là tấm gương sáng trước quần chúng, trước tập thể cơ quan, đơn vị mình, "cần, kiệm, liêm, chính chí công vô tư", luôn đặt lợi ích của tập thể, lợi ích của nhân dân lên trên, lên trước lợi ích của cá nhân, gia đình mình… góp phần xây dựng Đảng ta trở thành một Đảng chân chính, vĩ đại, thực sự văn hóa, văn minh.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng là hệ thống các quy tắc, chuẩn mực đạo đức của người cộng sản mà mỗi cán bộ, đảng viên phải phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện, tạo nên phẩm chất, nhân cách của người cộng sản. Đạo đức cách mạng được xây dựng trên quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tinh hoa đạo đức nhân loại. Trung với nước, với Đảng, hiếu với dân, bởi "Ngoài lợi ích của nhân dân, Đảng không có lợi ích nào khác". Người đảng viên trung với Đảng chính là "chấp hành triệt để đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, hăng hái thi đua yêu nước, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mọi tình huống".
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nỗ lực không mệt mỏi để xây dựng, củng cố và hoàn thiện nền đạo đức mới - đạo đức cách mạng, đồng thời Bác đã đấu tranh triệt để, kiên quyết, không khoan nhượng chống chủ nghĩa cá nhân. Bác đã lấy cuộc đời mình, nhân cách, đạo đức của mình để rèn luyện các giá trị đạo đức: "Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó. Đến lúc nhờ quốc dân đoàn kết, tranh được chính quyền, ủy thác cho tôi gánh việc Chính phủ, tôi lo lắng đêm ngày, nhẫn nhục cố gắng - cũng vì mục đích đó... Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ đeo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân".
Về các đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hành triệt để tất cả những gì Người quan niệm, thậm chí Người còn làm nhiều hơn những gì Người nói. Bác là tấm gương sáng về thực hành tiết kiệm trong ăn, mặc, ở, đi lại... Giữ mình liêm khiết, trong sạch, Bác luôn sống trung thực, chân thành với chính mình và với mọi người. Bác biết nâng con người lên, khuyến khích, động viên để cán bộ và mọi người hiểu rõ giá trị đích thực của cuộc sống, có khát vọng sống, thực hành cuộc sống có ý nghĩa.
Đạo đức của xã hội nói chung, đạo đức của Đảng nói riêng và của mỗi con người không tự nhiên có được mà phải trải qua quá trình rèn luyện, đấu tranh không ngừng mới hình thành, củng cố và hoàn thiện. Hồ Chí Minh khẳng định: "Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong". Bác Hồ kính yêu cũng chỉ ra rằng: "Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân". Vì vậy, đạo đức cách mạng cần trải qua quá trình rèn luyện, đấu tranh bền bỉ, liên tục. Đấu tranh giữa cái cũ - cái mới, giữa cái xấu - tốt, đúng - sai, giữa lợi ích cá nhân - với lợi ích tập thể, đấu tranh với thù trong, giặc ngoài, đấu tranh với giặc nội xâm và đấu tranh với chính bản thân mình để tìm ra chân lý, sáng suốt, "vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người"…
Theo Bác: "Đạo đức cách mạng là tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân."; "là ra sức phấn đấu để thực hiện mục tiêu của Đảng, hết sức trung thành phục vụ giai cấp công nhân và nông dân lao động, tuyệt đối không thể lừng chừng."; "Đạo đức cách mạng là vô luận trong hoàn cảnh nào, người đảng viên cũng phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết. Nếu khi lợi ích của Đảng và lợi ích của cá nhân mâu thuẫn với nhau, thì lợi ích cá nhân phải tuyệt đối phục tùng lợi ích của Đảng".
"Chủ nghĩa cá nhân là một trở ngại lớn cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cho nên thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân". Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là "giày xéo lên lợi ích cá nhân". Mỗi người đều có tính cách riêng, sở trường riêng, đời sống riêng của bản thân và của gia đình mình. Nếu những lợi ích cá nhân đó không trái với lợi ích của tập thể thì không phải là xấu. Nhưng lại phải thấy rằng chỉ ở trong chế độ xã hội chủ nghĩa thì mỗi người mới có điều kiện để cải thiện đời sống riêng của mình, phát huy tính cách riêng và sở trường riêng của mình.
Bác cho rằng: "Vì chưa rửa gột sạch chủ nghĩa cá nhân, cho nên có đảng viên còn "kể công" với Đảng. Có ít nhiều thành tích, thì họ muốn Đảng "cảm ơn" họ. Họ đòi ưu đãi, họ đòi danh dự và địa vị. Họ đòi hưởng thụ. Nếu không thỏa mãn yêu cầu của họ thì họ oán trách Đảng, cho rằng họ "không có tiền đồ", họ "bị hy sinh". Rồi dần dần họ xa rời Đảng, thậm chí phá hoại chính sách và kỷ luật của Đảng".
Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng là di sản vô cùng quý giá hơn kim cương, châu ngọc mà Bác để lại cho Đảng ta, cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta. Từng câu, từng chữ, từng lời dạy của Bác đều vô cùng quý giá, thiêng liêng, khích lệ mỗi cán bộ, đảng viên: "Có gì sung sướng vẻ vang hơn là trau dồi đạo đức cách mạng để góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và giải phóng loài người".
Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn về đạo đức nhiều nhất, tư tưởng của Bác tạo nên một hệ thống quan điểm về đạo đức. Bởi theo Bác, đạo đức là cái gốc của người cách mạng. Người chỉ rõ: "Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân"(4). Đạo đức là cái gốc của người cách mạng, bởi vì nó liên quan trực tiếp tới khả năng và quyết định hiệu quả "gánh vác" công việc của Đảng cầm quyền. Những chuẩn mực đạo đức mới, theo tư tưởng Hồ Chí Minh là những chuẩn mực đạo đức cách mạng giúp con người hướng tới "chân, thiện, mỹ"; tựu trung ở những phẩm chất: Trung với nước, hiếu với dân; yêu thương con người, cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng nhân đạo.
Cho đến nay, những giá trị về đạo đức cách mạng trong hệ thống tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên giá trị đối với mỗi cán bộ, đảng viên trong quá trình chúng ta xây dựng một nước Việt Nam văn minh, hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc. Theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng là thước đo chất người, trình độ người của con người; là gốc, nền tảng của người cách mạng. Theo Bác, muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì. Người cách mạng phải có đạo đức. Không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được Nhân dân. Bác Hồ dẫn Khổng Tử và Mạnh Tử: "Người mà không liêm không bằng súc vật. Ai cũng tham lợi thì nước sẽ nguy" (5).
Kế thừa và phát huy tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay, Đảng ta đã phát động nhiều đợt học tập và làm theo tư tưởng đạo đức của Bác. Đại hội XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu "Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa...".
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhắc nhở cán bộ, đảng viên: "Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho có ý nghĩa; để không phải khỏi xót xa ân hận vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, vô liêm sỉ; tiền bạc lắm để làm gì, chết có mang đi được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng cao quý nhất"; "… Để đến khi nhắm mắt, xuôi tay chúng ta có thể tự hào rằng ta đã sống có ích, đã mang tất cả đời ta, tất cả sức ta kính dâng cho sự nghiệp cao cả nhất của đời, vì vinh quang của Tổ quốc, của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân, của con người, phải để con cháu chúng ta mai sau mãi mãi biết ơn, kính trọng, học tập và noi theo"…
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã rất trăn trở về công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, về phẩm chất đạo đức của người cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay. Ngày 9/5/2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới. Thể hiện quyết tâm xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, là những tâm huyết, mong muốn xây dựng, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay của Đảng ta, đứng đầu là Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng.
Mỗi cán bộ, đảng viên đảng viên để rèn luyện được đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh và Quy định 144 của Bộ Chính trị cần phải trải qua quá trình rèn luyện, thử thách qua các môi trường, các nhiệm vụ được giao… đặc biệt cần được bồi dưỡng từ sớm trong môi trường văn hóa gia đình, từ người mẹ, người bà - người thầy đầu tiên, từ lời ru ngọt ngào, ấm áp tình yêu thương của mẹ, của bà và các thành viên trong gia đình để hình thành, bồi dưỡng nhân cách, tình yêu lao động, yêu thương con người, chia sẻ khó khăn với những số phận kém may mắn, dần bồi dưỡng ý chí, khát vọng, niềm tin, bản lĩnh trước khó khăn, thử thách để trong bất cứ hoàn cảnh nào, trước khó khăn thử thách, trước lợi ích của cá nhân vẫn có thể hy sinh vì lợi ích chung, vẫn giữ được phẩm chất đạo đức cách mạng, giữ vững được khí chất của người cán bộ của Đảng, của nhân dân.
-------
(1) Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG, T1. tr.184, HN, 2021.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.11, tr.600-tr.612.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 292, 291.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.5, tr.252 - 253).
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr234