Xe kinh doanh vận tải phải chuyển sang biển vàng: Rắc rối, tốn kém và lãng phí lớn

Hiếu Trần
09/07/2020 - 14:55
Xe kinh doanh vận tải phải chuyển sang biển vàng: Rắc rối, tốn kém và lãng phí lớn
Việc đổi từ  biển trắng sang biển vàng đối với xe kinh doanh vận tải gây rắc rối, làm tăng chi phí và tốn thời gian đối với chủ xe. Trong khi đó, cơ quan chức năng dự kiến có khoảng 1,6 triệu xe ô tô sẽ phải đổ biển thì lãng phí là vô cùng lớn.

Mới đây, Bộ Công an đã ban hành Thông tư 58/2020 quy định định về quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Trong đó, có quy định ô tô kinh doanh vận tải bao gồm xe taxi, xe công nghệ, xe khách, xe tải phải có biển số nền màu vàng, chữ và số màu đen (điểm đ, khoản 6, Điều 25). Như thế, các loại xe đang kinh doanh vận tải sẽ phải đổi từ biển trắng hiện nay sang biển vàng. 

Cơ quan Công an dự kiến, khi quy định này có hiệu lực sẽ có từ 1,5-1,6 triệu ô tô các loại phải thực hiện đổi biển số.

Bộ Công an cho rằng, quy định khi có hiệu lực sẽ thuận lợi hơn cho công tác quản lý. Tuy nhiên, chủ xe, các doanh nghiệp vận tải lại cho rằng, quy định này sẽ gây khó dễ cho chủ xe, cũng như sẽ làm tăng chi phí không cần thiết.

Đổi biển vàng đối với xe kinh doanh vận tải: Chủ xe gánh hết - Ảnh 1.

Với khoảng 1,6 triệu xe ô tô sẽ phải đổi biển, chi phí cả về thời gian và tiền bạc là vô cùng lớn

Anh Trần Thanh Tùng (quận Hoàng Mai, Hà Nội) là tài xế xe công nghệ. Anh cho biết, khi mua xe biển đăng ký màu trắng. Để có thể kinh doanh, anh phải đăng ký để được cấp phù hiệu và các giấy tờ khác. Ngoài ra,  xe cũng gắn biển hiệu với dòng chữ "Xe hợp đồng" theo quy định. Ngoài ra, xe phải lắp thiết bị giám sát hành trình. Như vậy, các xe kinh doanh vận tải hiện nay, để kiểm tra xe gia đình hay xe kinh doanh, cơ quan chức năng chỉ cần nhìn phù hiệu là xác định được.

Trước quy định mới buộc các xe kinh doanh vận tải phải đổi biển, anh Tùng rất băn khoăn. Theo quy định mới này, nếu muốn tiếp tục chạy xe công nghệ, anh phải đổi sang biển màu vàng. Theo anh Tùng, việc đổi biển lần đầu (từ màu trắng sang màu vàng) không khó lắm. Tuy nhiên, trường hợp sau khi đổi sang biển vàng một thời gian, anh không chạy xe công nghệ nữa thì lại phải đổi sang biển trắng. Hoặc khi bán xe, anh hoặc người mua cũng phải đổi từ biển trắng sang biển vàng. Với việc đổi biển như thế sẽ tốn kém chi phí tiền bạc và thời gian.

Còn theo ông Nguyễn Tấn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Hiền Phước (Hà Nội) việc đổi biển từ trắng sang vàng đối với xe kinh doanh vận tải sẽ làm doanh nghiệp tốn thêm nhiều chi phí.

Ông Hùng phân tích: Khi đổi biển, doanh nghiệp phải mang giấy tờ đến cơ quan công an để làm thủ tục. Tuy nhiên, nhiều nhà xe hiện đang thế chấp xe để vay ngân hàng. Vì thế, giấy tờ xe do ngân hàng giữ. Khi phải đổi biển, doanh nghiêp phải làm đơn, trình bày lý do. Từ lúc làm đơn cho đến khi Ngân hàng duyệt cũng phải mất vài ngày. Sau đó, doanh nghiệp mới mang giấy tờ xe đến cơ quan công an đăng ký, nếu thuận lợi thì 2-3 ngày sẽ được cấp biển mới. Như thế, tất cả các khâu thì doanh nghiệp cũng phải mất một tuần để đổi biển.

Hơn nữa, khi đổi biển thì doanh nghiệp cũng phải mất chi phí. Hiện Bộ Công an chưa ban hành chi phí đổi biển từ trắng sang vàng, nhưng doanh nghiệp ước tính cũng phải từ vài chục ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng/chiếc. Như doanh nghiệp của ông có vài chục chiếc xe vận tải hành khách thì chi phí đổi biển cũng là một khoản tiền lớn. Trong khi đó, hiện doanh nghiệp vận tải sau dịch COVID-19 đang gặp nhiều khó khăn, ông Hùng nói.   

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm