Xu hướng tiêu dùng năm 2024: Mua các mặt hàng thiết yếu, chi tiền cho các dịch vụ thiết thực

Trần Lê
04/01/2024 - 14:57
Xu hướng tiêu dùng năm 2024: Mua các mặt hàng thiết yếu, chi tiền cho các dịch vụ thiết thực

Người tiêu dùng có xu hướng ưu tiên các sản phẩm, dịch vụ thiết thực. Ảnh minh họa

Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới còn nhiều biến động, xu hướng tiêu dùng của người Việt đã có sự thay đổi thay đổi, hình thành nhiều thói quen chi tiêu mới.

Ưu tiên sản phẩm, dịch vụ thiết thực

Chị Hoàng Thu Trang, nhân viên văn phòng tại Hà Nội, hiện đang sống cùng mẹ và hai con nhỏ. Chị Trang cho biết, trước đây thu nhập của vợ chồng chị đủ để trang trải cho cả gia đình 5 người. Nhưng khi dịch Covid-19 đi qua, công việc của chồng chị ở công ty bị thu hẹp, đồng nghĩa với việc thu nhập cũng bị cắt giảm, nên vợ chồng chị đã phải thực hiện chính sách thắt chặt chi tiêu. "Bước sang năm 2024, tôi thấy công việc cũng như thu nhập của cả hai vợ chồng đều chưa có tín hiệu khả quan, nên vẫn tiếp tục cắt giảm những khoản chi không cần thiết để gồng gánh gia đình. Vợ chồng tôi dành ưu tiên cho việc học của các con và sức khỏe của mẹ", chị Trang chia sẻ.

Cũng trong tình trạnh "thắt lưng buộc bụng" từ 2 năm nay, chị Phạm Thị Nhung (Q. Long Biên, Hà Nội) cho biết: "Vợ chồng tôi đều làm kinh doanh. Vài năm trước, doanh thu rất tốt, gia đình tôi có đủ điều kiện để đi du lịch trong nước, ngoài nước. Tôi có thời gian để đi mua sắm, spa, làm đẹp. Chồng chơi các môn thể thao yêu thích. Nhưng hiện tại, ngành bán lẻ và tiêu dùng trong nước khó khăn do sức mua yếu và thị trường có nhiều yếu tố bất lợi, doanh thu từ công việc kinh doanh của hai vợ chồng sụt giảm. Chính vì vậy, gia đình đã cắt giảm những nhu cầu không thiết yếu như du lịch, làm đẹp, chơi thể thao".

Xu hướng tiêu dùng năm 2024: Mua các mặt hàng thiết yếu, chi tiền cho các dịch vụ thiết thực- Ảnh 1.

Người tiêu dùng có xu hướng ưu tiên các sản phẩm, dịch vụ thiết thực. Ảnh minh họa

Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động như hiện tại, nhiều người tiêu dùng tại Việt Nam đã thay đổi, hình thành nhiều thói quen chi tiêu mới, với những điều chỉnh đáng kể trong tiêu dùng, từ cắt giảm mức chi tiêu không cần thiết, hạn chế mua hàng hoặc thay đổi phương thức và lựa chọn xoay xở với ngân sách thu hẹp hơn so với trước đây. Từ đó tạo nên xu hướng giảm tiêu thụ các mặt hàng không thiết yếu, tập trung mua sắm các sản phẩm hoặc sử dụng các dịch vụ thiết thực, giúp ích trực tiếp cho đời sống hàng ngày.

Theo Báo cáo của PwC (1 trong 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới hiện nay) về thói quen tiêu dùng tại Việt Nam năm 2023, có đến 62% người dùng lựa chọn cắt giảm những khoản chi tiêu không thiết yếu, 54% người tiêu dùng dự kiến sẽ chi tiêu ít hơn cho các loại hàng xa xỉ, tiếp đó là du lịch (42%) và điện tử (38%). Chỉ có 18% người tiêu dùng Việt Nam dự định cắt giảm chi tiêu cho mặt hàng tạp hóa và thực phẩm, thấp hơn so với trung bình toàn cầu là 24%.

Xu hướng tiêu dùng năm 2024: Mua các mặt hàng thiết yếu, chi tiền cho các dịch vụ thiết thực- Ảnh 2.

Tổng hợp các xu hướng tiêu dùng hiện đại của VNEconomy

Trình duyệt Cốc Cốc (trình duyệt và công cụ tìm kiếm dành riêng cho người Việt trên cả 2 nền tảng di động và máy tính) và VnEconomy cũng vừa thực hiện nghiên cứu, tổng hợp dữ liệu của 30 triệu người dùng trình duyệt và công cụ tìm kiếm, kết hợp cùng khảo sát trực tuyến với 2.940 đáp viên trên toàn quốc để cho ra mắt Báo cáo "Xu hướng tiêu dùng hiện đại - Thấu hiểu để chinh phục thị trường". Báo cáo ghi nhận: Người tiêu dùng Việt Nam không những tập trung mua sắm các mặt hàng thiết yếu mà có xu hướng chuyển dịch thứ tự ưu tiên khi lựa chọn sản phẩm. Trong đó, ưu tiên sản phẩm tốt cho sức khỏe, tăng trải nghiệm tại nhà, cá nhân hóa nhu cầu và tối ưu hóa chi tiêu…

Người tiêu dùng Việt có xu thế ưu tiên những sản phẩm có tính ứng dụng cao

Theo báo cáo về xu hướng tiêu dùng hiện đại, người tiêu dùng ngày càng quan tâm nhiều hơn tới sức khỏe, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến thực phẩm - đồ uống, nông sản… Xu hướng ăn sạch (eat clean - lựa chọn các loại thực phẩm sạch, tươi ngon, không chứa chất bảo quản hay phụ gia hóa học, tiêu thụ nhiều thực phẩm nguyên chất hơn là thực phẩm đã được chế biến sẵn) đã trở nên quen thuộc hơn với người tiêu dùng Việt, tạo sức ảnh hưởng lớn và nhận được sự quan tâm rộng rãi trong cộng đồng với hơn 50% người được hỏi lựa chọn. Ngoài ra, tăng cường dinh dưỡng (43,7%) và bảo vệ môi trường (43,6%) cũng là những xu hướng hàng đầu được người tiêu dùng quan tâm.

Xu hướng tiêu dùng năm 2024: Mua các mặt hàng thiết yếu, chi tiền cho các dịch vụ thiết thực- Ảnh 3.

Nông sản, thực phẩm sạch được người tiêu dùng Việt quan tâm

Bên cạnh yếu tố giá cả và chất lượng sản phẩm, người tiêu dùng Việt có xu thế ưu tiên những sản phẩm có tính ứng dụng cao. Bởi, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, người tiêu dùng đánh giá lại mức độ quan trọng và có xu hướng ưu tiên những ngành hàng mang lại giá trị trong cuộc sống hàng ngày của họ. Đồng thời, sự tiện lợi chiếm ưu thế trong việc lựa chọn kênh mua sắm. Những trải nghiệm mua sắm mới nhờ sự phát triển của công nghệ được dự đoán sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Thói quen mua sắm mới này không chỉ diễn ra ở thành phố lớn mà đã trở thành xu hướng lựa chọn của người tiêu dùng ở các vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo… Sự thay đổi thói quen và hành vi mua sắm của người tiêu dùng là chìa khóa gợi mở cho doanh nghiệp quay về với các giá trị cốt lõi, nâng cao chất lượng sản phẩm và tập trung vào giá trị trải nghiệm để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng bền vững, thiết thực của khách hàng. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm