pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hàng hiệu fake lên ngôi khi người tiêu dùng cũng... tiếp tay
Ngày 29/12, Đội QLTT số 3 (Cục QLTT TP Hồ Chí Minh) cho biết vừa phối hợp với Đội 7, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TP Hồ Chí Minh kiểm tra kho hàng tại đường Tân Thới Hiệp 29 và điểm kinh doanh trên đường Đông Hưng Thuận 9 (quận 12) phát hiện số lượng lớn nước hoa giả thương hiệu các thương hiệu Chanel, Dior, Gucci...
Trước đó, ngày 25/12, Đội quản lý thị trường số 25, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội phối hợp với Đội cảnh sát kinh tế, Công an huyện Chương Mỹ đã bất ngờ kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh với hộ kinh doanh N.V.T. (sinh năm 1990, thường trú tại Phú Thọ).
Trên diện tích khoảng 1.400m2 vốn là trang trại nuôi gà trước đây đã được hộ kinh doanh này sử dụng làm cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Kiểm tra tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện một lượng lớn sản phẩm là mỹ phẩm dạng kem dưỡng, serum, mặt nạ dưỡng da, và thực phẩm chức năng phục vụ nhu cầu làm đẹp, được dán nhãn, tem là thương hiệu nước ngoài.
Trong số đó có 840 lọ Blackmores Evening Primrose Oil, xuất xứ Úc, 1.300 mặt nạ Yujin, xuất xứ Hàn Quốc, 16.362 chai dung dịch vệ sinh Femfresh có dấu hiệu bị làm giả.
Đại diện nhãn hiệu Blackmores bước đầu nhận định sản phẩm Blackmores Evening Primrose Oil tại cơ sở sản xuất mà lực lượng chức năng kiểm tra có dấu hiệu làm giả.
Ngoài ra, đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở đang sang chiết, đóng sản phẩm vào các hộp, chai, lọ bên ngoài thể hiện các nhãn hiệu như: Ronas, Ultra-V, Vitamin E, Gamma, Royal Retinol… có dấu hiệu giả mạo nguồn gốc, xuất xứ với khối lượng lên tới 40 tấn hàng hóa.
Trong đó một số sản phẩm cụ thể như: 6.288 hộp thành phẩm dán nhãn Vitamin E Cream trên nhãn thể hiện Made in Australia; 828 lọ Gamma Linolenicacid Evening Primrose Oil, thể hiện xuất xứ Canada; 450 hộp UltraV Premium Peeling, Made in Korea; 12.920 lọ thành phẩm Royal Retinol; 1.008 hộp thành phẩm J-Cain, trên nhãn thể hiện Made in Korea....
Nếu như không có sự ngăn chặn kịp thời của cơ quan chức năng, lượng hàng hóa trên chắc chắn sẽ theo những mạch ngầm chảy vào thị trường và đến tay người tiêu dùng.
Điều đó đồng nghĩa với việc người tiêu dùng sẽ mất nhiều tỷ đồng để mua số hàng giả này. Không chỉ thiệt hại về kinh tế, người tiêu dùng còn chịu thêm một hậu quả tồi tệ nữa là thiệt hại về sức khỏe. Khó có thể đánh giá hết những tác hại của những loại hàng giả này gây ra cho người sử dụng.
Tình trạng hàng giả đã xuất hiện từ lâu, tuy nhiên, trong những năm gần đây, khi hình thức mua hàng online nở rộ cũng là lúc hàng giả như cá gặp nước. Với hình thức mua bán tại các chợ truyền thống, cửa hàng, đại lý ủy quyền... người bán ở mức độ nào đó vẫn thận trọng hơn trong việc giữ uy tín của mình. Ngược lại với hình thức mua bán oline, giao dịch trên các nền tảng điện tử hay hoạt động livestream bán hàng, người bán người mua gặp nhau trên thế giới ảo, giao dịch qua trung gian là những người giao hàng. Vì vậy hàng giả được dịp "bung lụa".
Nhưng ở mức độ nào đó, người tiêu dùng đang mặc nhiên chấp nhận hàng giả hàng nhái tạo điều kiện cho tệ nạn này ngày một nở rộ. Hàng giả hàng nhái được rao bán công khai trên các nền tảng số.
Trên sàn Shopee, mục túi ví nữ, có những mẫu sản phẩm được giới thiệu túi cốp 325 size 20 chữ nhật da mềm có hộp giá 269.000 đồng, giảm 7% so với giá gốc 289.000 đồng. Đáng chú ý, hình ảnh quảng bá cho sản phẩm này là chiếc túi hộp in rõ ràng nhãn hiệu Louis Vuitton (LV) kèm cả hộp giấy cứng của thương hiệu nổi tiếng thế giới. Phía dưới là một số lời bình luận (comment) khen cửa hàng giao nhanh, giá rẻ, sản phẩm tốt… và kèm luôn hình ảnh nhận hàng cũng rõ ràng mang tên LV.
Thực tế, tất cả khách hàng đều biết một chiếc túi LV chính hãng có giá từ 40 triệu đồng trở lên. Trên trang web chính hãng Louis Vuitton tại VN, sản phẩm kiểu dáng túi hộp như hình ảnh rao bán trên Shopee nói trên có giá 71,5 triệu đồng.
Tương tự, hàng loạt túi, ví khác nhau được giới thiệu na ná như túi HM với hình dáng dễ nhận thấy của sản phẩm đắt đỏ Hermes có giá chỉ từ 143.000 - 200.000 đồng; túi "Đ" mini với hình ảnh sản phẩm nhái thương hiệu Dior được bán giá 335.000 đồng…
Cũng chung tình trạng này, hàng loạt gian hàng rao bán điện thoại di động iPhone trên sàn Lazada với giá rẻ không tưởng. Cụ thể, sản phẩm có hình ảnh quảng cáo giống iPhone 15 chỉ hơn 1 triệu đồng. Chiếc điện thoại này được giới thiệu là "chính hãng 2 SIM, RAM 12G/512G, Camera sau: Chính 50 MP & Phụ 32 MP, 48 MP Camera trước: 16 MP, Cấu hình mạnh đỉnh Cày PUBG/Liên Quân/Free Fire/Tiktok siêu mượt, chống rung, làm đẹp khuôn mặt, toàn cảnh, pin thật: 6800MAh…".
Không chỉ gây hại kép cho người tiêu dùng, hàng giả, hàng nhái còn là cơn ác mộng của các nhãn hàng lớn - những nhà sản xuất chân chính. Khi mạo danh những nhãn hiệu, hàng giả gây "tiếng xấu" hoặc ít nhất cũng làm bão hòa gây hỗn loạn thị trường và suy giảm niềm tin của khách hàng.
Với tâm lý muốn dùng hàng hiệu nhưng với giá rẻ, một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng đã chấp nhận những loại hàng giả, hàng nhái.
Cùng với việc các quy định trong xử phạt hành vi buôn bán hàng giả đã lỗi thời, mức xử phạt quá thấp so với lợi nhuận của hành vi này đem lại, hàng giả hàng nhái đang tiếp tục tràn lan trên thị trường…