pnvnonline@phunuvietnam.vn
Xử lý rơm rạ, rác thải thành phân vi sinh giúp hạn chế ô nhiễm môi trường và tăng năng suất cây trồng
Gia đình ông Lương Văn Thao, ở bản Tờ, xã Yên Khê cho biết, mỗi vụ ông trồng hơn 2 sào lúa. Đã thành thói quen, cứ sau khi thu hoạch lúa, nhà ông Thao lại đốt rơm rạ. Mặc dù ông Thao cũng biết số lượng rơm rạ thải ra lớn, nhưng vì gia đình ông không có nhu cầu sử dụng nên đem đốt, dù biết việc làm này gây ảnh hưởng đến môi trường.
Chỉ đến khi được tham gia tập huấn "Ứng dụng khoa học và công nghệ để xử lý rơm rạ thành phân vi sinh" tổ chức tại huyện Con Cuông, gia đình ông Thao và bà con nơi đây đã thay đổi cách xử lý rơm rạ dư thừa thành phân bón hữu cơ bằng chế phẩm sinh học. Đây là giải pháp vừa tiết kiệm chi phí, vừa góp phần bảo vệ môi trường, phát triển nền nông nghiệp bền vững.
Ông Lương Văn Thao cho biết: "Trước đây rơm rạ sau khi thu hoạch xong thường đem đốt. Giờ rác thải, rơm rạ đem ủ thành phân để bón cho cây rất hữu ích".
Giải pháp này được áp dụng rộng rãi với số lượng lớn rác thải hữu cơ sẽ góp phần cải tạo, nâng cao chất lượng đất, tăng năng suất cây trồng, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh, giảm chi phí sản xuất, hạn chế được việc vứt rác bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường.
Ông Vi Đình Quý, trú tại bản Nưa, xã Yên Khê cho biết: "Giờ phân hữu cơ từ rác thải bón cho cây trồng rất tốt, đặc biệt rau xanh trồng trong vườn nhà, ăn yên tâm. Loại phân này bón cho cây rất nhanh tốt. Không những tôi mà cả người dân trong bản cũng hưởng ứng cả".
Theo chị Vy Thị Hoa, trú tại bản Nưa, xã Yên Khê, bản Nưa có thuận lợi về phát triển du lịch cộng đồng. Nhận thấy ý nghĩa to lớn của việc bảo vệ môi trường góp phần xây dựng nông thôn mới, thu hút thêm khách du lịch nên người dân trong bản tích cực bảo vệ môi trường. Các hộ đều tích cực chỉnh trang nhà cửa, vệ sinh đường làng ngõ xóm, thu gom rác để đúng nơi quy định; trồng và chăm sóc cây xanh, đường hoa, góp phần tạo nên cảnh quan xanh, sạch, đẹp; đồng thời, giúp không khí thêm trong lành, cải thiện sức khỏe cho mọi người.
Theo anh Lô Văn Thuyết, Bí thư Đoàn xã Yên Khê, đoàn viên thanh niên trong xã đã tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức, giúp bà con nông dân dần thay đổi thói quen, tập quán sản xuất, giảm bớt tình trạng đốt rơm rạ, góp phần bảo vệ môi trường sống. Anh Thuyết cho biết: "Chúng tôi muốn nhân rộng mô hình này để người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Điều đáng mừng mặc dù mới xây dựng mô hình nhưng được người dân rất đồng tình hưởng ứng. Thời gian tới chúng tôi tiếp tục triển khai ở một số thôn bản để người dân học tập và làm theo".
Góp phần bảo vệ môi trường
Ngoài hiệu quả lớn về kinh tế, mô hình xử lý rác thành phân bón đã góp phần giải quyết gần như triệt để nạn ô nhiễm môi trường trên địa bàn xã. Sau khi thành công từ mô hình, thời gian tới Đội tuyên truyền bảo vệ môi trường của xã tiếp tục tuyên truyền nhân rộng mô hình này đến nhiều nơi khác trên địa bàn.
Bà La Thị Hà, Chủ tịch Hội LHPN huyện Con Cuông cho biết, sau một thời gian tổ chức thực hiện với phương châm "đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng công trình, bình từng phần việc", ý thức bảo vệ môi trường của người dân đã được nâng lên rõ rệt. Cơ bản các hộ gia đình trong xã đã xây dựng các công trình hợp vệ sinh và được sử dụng nguồn nước sạch; các gia đình đều nâng cao ý thức chỉnh trang nhà cửa, dọn dẹp, giữ gìn khuôn viên gia đình sạch sẽ, gọn gàng, có dụng cụ đựng rác thải của gia đình để phân loại, thu gom rác; 100% hộ gia đình có chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm bảo đảm vệ sinh, an toàn, không xả nước thải trực tiếp ra môi trường.
"Có thể nói, nguồn lực từ trong nhân dân rất dồi dào, cả về tiền của, công sức và trí tuệ nên chúng tôi đã phối hợp với các phòng ban tập trung huy động tối đa các nguồn lực để chương trình nông thôn mới đạt kết quả cao. Đặc biệt, người dân trong xã đã phát huy được vai trò chủ thể của mình, bởi họ nhận thấy xây dựng nông thôn mới, tập trung bảo vệ môi trường chính là quá trình góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của mỗi người dân", bà Hà chia sẻ.