Xử lý rơm, rạ sau thu hoạch, bảo vệ môi trường sống nông thôn mới

Hoàng Duy
14/11/2022 - 20:39
Xử lý rơm, rạ sau thu hoạch, bảo vệ môi trường sống nông thôn mới

Hướng dẫn hội viên làm men vi sinh rơm

Nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân nông thôn về tác hại của việc đốt rơm rạ đối với môi trường sống, Hội LHPN Hà Nội đã triển khai mô hình điểm “Phụ nữ tham gia xử lý rơm, rạ sau thu hoạch”.

Đây cũng là mô hình nằm trong phần việc thực hiện Đề án “Đẩy mạnh vai trò của Hội phụ nữ các cấp trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đến năm 2025” của thành phố Hà Nội.

Mô hình "Phụ nữ tham gia xử lý rơm, rạ sau thu hoạch" còn nhằm mục đích tận dụng nguồn rơm, rạ, phụ phẩm nông nghiệp, để xử lý thành phân bón hữu cơ, góp phần giảm thiểu chi phí trong sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường.

Xử lý rơm, rạ sau thu hoạch, bảo vệ môi trường sống nông thôn mới - Ảnh 1.

Mô hình "Phụ nữ tham gia xử lý rơm, rạ sau thu hoạch" góp phần bảo vệ môi trường

Bà Phạm Thị Thanh Hương – Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội cho biết, đối tượng của mô hình là các gia đình hội viên phụ nữ, các hộ nông dân có diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn các huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội. Ở giai đoạn 1, Hội triển khai thí điểm tại 9 xã của 5 huyện Mỹ Đức, Thanh Oai, Chương Mỹ, Thường Tín, Ba Vì. Giai đoạn 2 sẽ nhân rộng tại các huyện/thị xã Đông Anh, Phú Xuyên, Hoài Đức, Đan Phượng, Quốc Oai, Ứng Hòa, Thạch Thất, Sóc Sơn, Mê Linh, Thanh Trì, Phúc Thọ, Gia Lâm, Sơn Tây.

Xử lý rơm, rạ sau thu hoạch, bảo vệ môi trường sống nông thôn mới - Ảnh 2.

Công nghệ ủ này, ngoài rơm rạ, người dân có thể tận dụng nhiều phế phẩm nông nghiệp khác như thân của các loại cây ngô, đu đủ, bèo tây… để tạo thành phân bón hữu cơ, giàu dinh dưỡng, cải tạo đất, bảo vệ sức khỏe con người, mang lại hiệu quả kinh tế

Để triển khai mô hình một cách hiệu quả, Hội LHPN Thành phố giao Hội LHPN cấp huyện xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, trước tiên là tổ chức khảo sát thực trạng tại địa bàn được lựa chọn, định lượng các loại rơm rạ, phụ phẩm cây trồng nông nghiệp sau thu hoạch. Sau đó xây dựng kế hoạch triển khai, lộ trình thực hiện, mô hình; tham vấn ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia và các phòng, ban, xã,…

Xử lý rơm, rạ sau thu hoạch, bảo vệ môi trường sống nông thôn mới - Ảnh 3.

Chị Nguyễn Thị Liên - Chủ trang trại giun quế GHT, xá Phú Cường, huyện Sóc Sơn đang hướng dẫn hội viên phụ nữ xử lý rơm rạ sau thu hoạch tại xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai

Tại các địa bàn mô hình điểm, Hội tổ chức hội nghị tập huấn, tuyên truyền về tác hại của việc đốt rơm, rạ; những lợi ích của việc tận dụng nguồn rơm, rạ, phụ phẩm cây trồng có sẵn tại đồng ruộng để chế biến thành phân bón hữu cơ; các biện pháp xử lý, tái chế rơm, rạ, cây trồng sau vụ thu hoạch. Đặc biệt, Hội phối hợp với Hội Nông dân tổ chức cho các hộ làm nông nghiệp ký cam kết không đốt rơm rạ tại cánh đồng sau thu hoạch và xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ.

Xử lý rơm, rạ sau thu hoạch, bảo vệ môi trường sống nông thôn mới - Ảnh 4.

Rơm rạ là nguồn phế phẩm trong nông nghiệp, bao gồm sinh khối thân, lá lúa sau thu hoạch

Để mô hình được thực hiện thiết thực, rõ nét, đi vào thực chất, Hội LHPN các xã lựa chọn 1 chi hội có số hộ gia đình là cán bộ hội, hội viên có diện tích sản xuất nông nghiệp tự nguyện tham gia mô hình, số lượng từ 15 đến 20 hộ/chi hội để triển khai mô hình. Sau đó tổ chức tập huấn quy trình, kỹ thuật thu gom, kỹ thuật xử lý rơm rạ sau thu hoạch cho nhóm nòng cốt. Các hộ sản xuất nông nghiệp thuộc nhóm nòng cốt thực hiện xử lý rơm rạ sau thu hoạch trong thời gian từ 20-25 ngày tại ruộng hoặc tại gia đình.

"Sau khu thực hiện, các xã sẽ tổ chức nghiệm thu kết quả để đánh giá hiệu quả xử lý rơm rạ sau thu hoạch thành phân hữu cơ; khó khăn, vướng mắc và tham vấn ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia và các bên liên quan trong quá trình thực hiện. Hội xã sẽ kiểm tra, đánh giá tiến độ triển khai hoạt động đối với mô hình và báo cáo chi tiết với hội cấp trên về công tác xây dựng mô hình.

Hội LHPN cấp huyện sẽ tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm về kết quả chỉ đạo điểm về xử lý rơm rạ sau thu hoạch tái chế thành phân bón hữu cơ; hướng dẫn các nhóm nòng cốt phổ biến kinh nghiệm và trực tiếp hướng dẫn nhân rộng mô hình tại xã điểm; nhân diện thực hiện mô hình tại các xã khác của huyện, thị xã.

Nhờ thường xuyên trao đổi về quá trình thực hiện, kết quả, vướng mắc, khó khăn, kinh nghiệm xử lý hoặc giải pháp mới phù hợp thực tế trong quá trình thực hiện mà mô hình thí điểm có hiệu quả rõ nét, làm tiền đề để nhân rộng tới các địa bàn còn lại", bà Phạm Thị Thanh Hương cho biết.

Xử lý rơm, rạ sau thu hoạch, bảo vệ môi trường sống nông thôn mới - Ảnh 5.

Hội LHPN Hà Nội đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền và tập huấn, hướng dẫn cách thức triển khai mô hình và quy trình xử lý, tái chế rơm rạ sau thu hoạch cho trên 2.500 lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ tham dự

Hội LHPN Hà Nội cũng hỗ trợ kinh phí tổ chức các hoạt động truyền thông, tập huấn, thành lập và ra mắt mô hình điểm từ nguồn Đề án "Đẩy mạnh vai trò của Hội phụ nữ các cấp trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đến năm 2025". Khai thác các nguồn lực xã hội hóa từ các chương trình, tổ chức, cá nhân để thực hiện mô hình. Từ ngày 15/10 đến 22/10/2022 Hội LHPN Hà Nội đã tổ chức 18 buổi tuyên truyền và tập huấn, hướng dẫn cách thức triển khai mô hình và quy trình xử lý, tái chế rơm rạ sau thu hoạch, có trên 2.500 lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ tham dự. Hướng dẫn cán bộ, hội viên phụ nữ cách làm IMO, tạo men ủ rơm rạ sau thu hoạch để tạo thành phân bón hữu cơ trong nông nghiệp. Tổ chức cho hơn 2.500 hộ làm nông nghiệp ký cam kết không đốt rơm rạ sau thu hoạch.

Xử lý rơm, rạ sau thu hoạch, bảo vệ môi trường sống nông thôn mới - Ảnh 6.

Sau khi triển khai mô hình điểm, đến nay cả 9 xã thí điểm mô hình đã hướng dẫn 140 hộ gia đình có diện tích đất nông nghiệp thực hiện quy trình cách làm men rơm IMO và xử lý ủ rơm, rạ thành phân bón hữu cơ

Tính đến 1/11/2022 đã nghiệm thu các sản phẩm tại 2 xã của huyện Thanh Oai với 30 hộ, diện tích 20 sào rạ (7.200m2) và sản phẩm chế men rơm đạt tiêu chuẩn. 3 huyện Thanh Oai, Chương Mỹ, Ba Vì tiếp tục chỉ đạo hướng dẫn hội viên mở rộng địa bàn triển khai hoạt động.

Xuất phát từ nhận thức về vai trò, trách nhiệm của người phụ nữ và tổ chức Hội LHPN trong việc chủ động tham gia giải quyết những vấn đề về môi trường của thành phố, trong nhiều năm qua, Hội LHPN Hà Nội đã thực hiện có hiệu quả các hoạt động bảo vệ môi trường, thu hút được sự tham gia của đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia, góp phần xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tại địa phương.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm