Xử lý thế nào khi con khư khư giữ tiền lì xì?

22/02/2018 - 17:03
Hết Tết, nhìn con 5 tuổi giữ khư khư tiền lì xì mấy triệu đồng kiên quyết không đưa mẹ, chị Hoàng Huyền Ngân (Gia Lâm, Hà Nội) cảm thấy rất giận mà không biết làm thế nào.
l-x.jpg
Nhiều trẻ nằng nặc giữ tiền lì xì, không muốn gửi mẹ. Ảnh minh họa

Chia sẻ trên diễn đàn của các bà mẹ, chị Huyền Ngân tâm sự: Con nhà mình 5 tuổi, năm nay được lì xì mấy triệu đồng nhưng cất vào túi mà không đưa cho mẹ. Bà nội còn nói với cháu: Đừng cho đứa nào vay, cất đi không nó không trả đâu. Mình tưởng nói đùa thôi nhưng ngày nào bà cũng hỏi cháu tiền lì xì đã cất đi chưa và nhắc cháu đừng đưa cho mẹ. Con bé 5 tuổi nhưng rất khôn, nằng nặc không đưa tiền cho mẹ. Mình bảo con đưa mẹ ít tiền mua đồ thì con liền ra mách bà và mình bị bà mắng là không được động vào tiền của con. Con nhà mình nhận lì xì thì mình cũng phải lì xì lại con nhà người ta, vậy mà bà nội lại không cho phép mình cầm tiền của con khiến mình rất khó xử.

Không ở vào thế khó xử vì mẹ chồng như chị Huyền Ngân nhưng nhiều mẹ cũng bị các con “tố” khi “đòi giữ rồi tiêu hết tiền mừng tuổi của con”. Thế nên, nhiều đứa trẻ lúc còn nhỏ thì đưa mẹ giữ tiền nhưng khi vào tiểu học đã không còn tin vào “ngân hàng” của mẹ nữa. Bởi theo như lời những đứa trẻ thì “gửi tiền vào thì dễ nhưng rút ra thì khó vô cùng, thậm chí không có chuyện rút dù có những lý do chính đáng”. Thế nên, nhiều mẹ bất lực khi con khư khư giữ tiền lì xì của mình.

Chính bởi nhiều mẹ nghĩ tiền lì xì con có được là do mẹ “đầu tư” lì xì cho con nhà người khác nên mẹ có quyền "tịch thu" tiền lì xì của con. Với gia đình có hoàn cảnh khó khăn thì việc lấy lại tiền của con để chi tiêu cho con cũng là chuyện đương nhiên. Thế nhưng, khi chi tiêu dịp Tết, cha mẹ thường lên dự toán cả phần chi phí lì xì cho con nhà khác và coi đây là khoản tiền mất đi. Việc con được nhận tiền lì xì là khoản tiền của con. Thế nên, khi cần dùng đến tiền lì xì của con, mẹ nên hỏi ý kiến của con để con có cảm giác được tôn trọng và tin tưởng. Việc cha mẹ tịch thu tiền lì xì của con như một lẽ đương nhiên khiến trẻ khó tránh được cảm giác hụt hẫng.

tien-li-xi.jpg
Cha mẹ cần phải biết ứng xử với tiền lì xì của con để con luôn có niềm tin với cha mẹ trong việc quản lý tiền cho con. Ảnh chỉ manh tính minh họa

Chính vì vậy, cha mẹ cần phải biết ứng xử với tiền lì xì của con để con luôn có niềm tin với cha mẹ trong việc quản lý tiền cho con. Việc chị Khánh Hằng (Pháp Vân, Hà Nội) năm nào cũng gửi hết số tiền mừng tuổi của con trai vào ngân hàng không chỉ sau này thành một khoản cho con mà còn khiến ông bà nội tin tưởng.

“Năm mới hay sinh nhật hàng năm, ông bà nội đều mừng tuổi 200 USD cộng với tiền mừng tuổi của con cũng được khoảng chục triệu đồng. Mình lập cho con 1 tài khoản và gửi hết số tiền con được tặng vào đó. Đến năm 18 tuổi hoặc khi cần dùng vào một việc quan trọng cho con, con đã có một khoản kha khá. Việc để riêng khoản tiền cho con như vậy vừa tốt cho con mà cũng khiến ông bà nội an tâm”, chị Hằng cho biết.

Sợ tiền mất giá nên chị Hoàng Ngọc Anh (Đống Đa, Hà Nội) thường dành tiền lì xì của con để mua vàng. “Có hai con gái nên sau Tết tôi đều lấy tiền mừng tuổi của con mua cho mỗi đứa 1 chỉ vàng. Nếu cứ giữ tiền mặt của con thì nhiều lúc bí tiền vẫn phải lấy để tiêu. Thế nhưng, khi mua vàng cho con thì đến khi con trưởng thành, con cũng có khoản để dành kha khá từ chính tiền của con. Bao năm nay tôi đều làm thế nên con không bao giờ “kiện” mẹ vì tiêu hết tiền lì xì của con mà thường sẵn sàng gửi mẹ toàn bộ số tiền mừng tuổi”, chị Ngọc Anh chia sẻ.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm