Ý nghĩa và cách chuẩn bị mâm cơm cúng thôi nôi cho bé khoẻ mạnh, lớn nhanh

Minh Nhật
31/12/2022 - 10:58
Ý nghĩa và cách chuẩn bị mâm cơm cúng thôi nôi cho bé khoẻ mạnh, lớn nhanh
Lễ thôi nôi đánh dấu 1 mốc quan trọng của cuộc đời em bé, đây là ngày con chính thức "có tuổi". Trong đó, mâm cơm cúng thôi nôi cho con đang được rất nhiều gia đình chú trọng.

Cúng thôi nôi là một phong tục đặc biệt của Việt Nam để kỷ niệm năm đầu tiên bé chào đời. Sau 12 tháng từ ngày sinh, khi con vừa tròn 1 tuổi, gia đình sẽ tổ chức cúng thôi nôi vào ngày sinh nhật đầu tiên của bé. Tùy theo vị trí địa lý, phong tục vùng miền, mâm cúng sẽ có đôi điểm khác biệt.

Chị Bích Phương (SN1989, Hà Nội) đã có hơn 3 năm kinh nghiệm làm mâm cúng thôi nôi cho bé. Ban đầu, vì đam mê nấu ăn nên người phụ nữ này bỏ ngang công việc làm chuyên viên cung ứng cho 1 tập đoàn vàng bạc đá quý lớn ở Hà Nội để học nghề làm mâm cúng thôi nôi. Chị chỉ nghĩ khi nào trong nhà, trong họ có dịp thì sẽ xắn tay giúp mọi người. Nhưng dần dần nhờ sự khéo tay của mình, thương hiệu làm mâm lễ cúng đầy tháng và thôi nôi cho bé của chị nổi tiếng, được nhiều người biết tới.

Ý nghĩa và cách chuẩn bị mâm cơm cúng thôi nôi cho bé khoẻ mạnh, lớn nhanh - Ảnh 1.

Mâm cơm cúng thôi nôi có ý nghĩa quan trọng trong lễ thôi nôi của em bé.

Về ý nghĩa của mâm cúng thôi nôi, chị Bích Phương chia sẻ: "Theo nghĩa đen thôi nôi là tạm biết chiếc nôi, phản ánh sự thay đổi, lớn lên của bé. Đây cũng là lần sinh nhật đầu tiên, kỷ niệm một năm ngày bé chào đời suôn sẻ. Theo nghĩa bóng là sự cảm tạ sự phù hộ độ trì của tổ tiên và nhất là 12 bà mụ, 1 bà Chúa Thiên Thai và 3 Đức Ông để mẹ tròn con vuông trước đây.

Theo quan niệm dân gian, mỗi em bé được sinh ra có sự phù hộ độ trì của Tổ tiên, đặc biệt có sự đỡ đầu của vị Đại Tiên (Bà chúa Đầu thai) mà trực tiếp là 12 Bà Mụ (12 Tiên Nương ). Mỗi Bà Mụ sẽ có trách nhiệm nặn ra một bộ phận cho đứa trẻ như mắt, mũi, tay, chân, tóc,… sao cho xinh đẹp, hoàn mỹ. Ngoài ra, còn 3 Đức Ông (Thần Tài - Thổ Địa - Ông Táo) có công che chở giúp việc mang thai và sinh nở được diễn ra thuận lợi.

Vì thế lễ cúng thôi nôi cho bé không chỉ khẳng định sự hiện hữu của một con người hay một thành viên mới trong gia đình, xã hội mà còn thể hiện lòng biết ơn, cảm tạ của gia đình đối với những vị thần linh thầm phù hộ cho em bé".

Theo chị Phương, về cơ bản cúng thôi nôi của bé trai và bé gái giống nhau, chỉ khác nhau đôi chút về lễ vật.

Mâm lễ cúng thôi nôi thường gồm:

1. Bình hoa, trái cây:

– Hoa trái giúp mâm cúng trở nên hoa mỹ, đầy đủ hơn rất nhiều.

– Mang lại vẻ hài hòa trong tổng thể mâm cúng.

– Mang ý nghĩa cụ thể về sự kỳ vọng sau này của gia đình tới với bé.

2. Gà luộc cánh tiên:

Lễ vật này có sự khác nhau giữa các vùng miền. Ví dụ như người miền Tây thì lại thường hay sử dụng vịt luộc. Tuy nhiên ngày nay nhiều gia đình cúng chay nên cũng bỏ qua món mặn này.

3. Bộ xôi chè: 

Đây là lễ vật đầu tiên và không thể thiếu trong mâm cúng 12 Bà Mụ ngày đầy tháng - thôi nôi cho bé.

+ Xôi nếp: Sự dẻo dai, thơm ngon của từng hạt nếp trong đĩa xôi tượng trưng cho sự dẻo dai, khỏe mạnh của con yêu.

+ Món chè: Vị ngọt ngào của chè chính là cầu mong cho tương lai của bé hạnh phúc ngọt ngào.

"Mọi người thường thắc mắc không biết vì sao trong mâm cúng thôi nôi của các bé có khi thì thấy gia chủ sắp chè đậu nhưng có lúc lại là chè trôi nước. Thực ra, mỗi một lễ vật đều có ý nghĩa khác nhau:

Đối với bé trai sẽ là chè đậu trắng, đậu đỏ, đậu xanh với tượng trưng cho sự đỗ đạt trong học vấn, thành công trên con đường sự nghiệp sau này. Đối với bé gái thì sẽ chọn chè trôi nước với mong muốn những viên trôi nước sẽ tượng trưng cho sự trôi chảy, tròn đầy, suôn sẻ cho cuộc đời sau này của các con" - Chị Phương cho hay.

4. Bộ trầu cau đã têm, kết:

+ Trầu cau là lễ vật có đôi có cặp, thể hiện sự cầu viên mãn không chỉ trong cuộc sống hằng ngày mà còn cả công việc làm ăn nữa. Ben cạnh đó là lời cầu mong sự vẹn toàn sức khỏe mẹ và bé; cầu bình an; mong bé dễ chăm dễ nuôi và sự đầm ấm yêu thương từ cha và mẹ.

5. Nhang, nến thơm, rượu lễ:

+ Nhang đèn theo quan niệm dân gian thì hương khói là cách để truyền lời cầu khấn đến các vị thần.

+ Rượu lễ để tạ lễ. Đồng thời, là thức uống phổ biến trong những mâm cúng thường nhật.

6. Bộ quần áo mã, bộ hài xanh, tiền vàng:

+ Bộ quần áo và hài xanh cho 12 Bà Mụ và Bà Chúa.

+ Tiền vàng cho Đức Ông.

Ý nghĩa và cách chuẩn bị mâm cơm cúng thôi nôi cho bé khoẻ mạnh, lớn nhanh - Ảnh 3.

"Nguyên liệu làm những món ăn trong mâm cúng thôi nôi khá dễ, mọi người có thể mua ở siêu thị, hay các cửa hàng thực phẩm. Để món ăn được ngon, thơm và giữ được chất lượng nhất thì không nên làm sớm quá. Ví dụ như xôi thì nên căn giờ làm lễ rồi mới đóng xôi. Đối với món chè trôi cũng vậy. Tuy nhiên món thạch sẽ ngon hơn khi ăn mát. Vì vậy có thể làm sớm hơn 1 chút, sau đó để thật nguội mới bỏ tủ lạnh ( nêu vẫn nóng mà cho tủ lạnh luôn thì dễ bị chảy nước)" - Chị Phương chia sẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm