pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ý thức người dân là vấn đề then chốt trong phòng, chống dịch bệnh
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương kêu gọi người dân tích cực, chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Sáng 26/12, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2024 và Kế hoạch phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2025, hưởng ứng ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh (27/12) năm 2024. Hội nghị do Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Nông nghiệp phát triển nông thông, công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam và Lifebuoy phối hợp tổ chức.
Tại Việt Nam, trong năm 2024, tình hình các bệnh truyền nhiễm trên phạm vi cả nước cơ bản được kiểm soát. Các bệnh truyền nhiễm lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sốt rét giảm mạnh so với năm 2023. Không ghi nhận các trường hợp mắc các bệnh nguy hiểm nhóm A (Ebola, MERS-CoV, cúm A/H7N9) xâm nhập vào Việt Nam.
Năm 2024 xảy ra cơn bão Yagi lớn nhất từ trước đến nay đã gây ra nhiều hậu quả nặng nề, nhưng công tác phòng, chống dịch bệnh đã được chuẩn bị sẵn sàng, chủ động nên các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra sau thiên tai, bão lũ được kiểm soát tốt, không để xảy ra các ổ dịch lớn tại các địa bàn bị ảnh hưởng.
Mặc dù vậy, năm 2024, trên phạm vi toàn quốc, một số bệnh truyền nhiễm có số mắc tăng cao như sởi, ho gà, dại, một số bệnh như sốt xuất huyết, bạch hầu tăng cao cục bộ tại một số địa phương. Trong đó đáng chú ý nhất là tình hình dịch sởi vẫn đang còn nhiều diễn biến phức tạp.
Nhân ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh năm 2024, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã đưa ra thông điệp: "Cùng nhau thực hiện các cam kết trong phòng, chống đại dịch; cùng hành động mạnh mẽ hơn để ngăn ngừa và kiểm soát đại dịch trong tương lai".
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã nhấn mạnh, với cách thức và hình thái lây truyền đa đạng, tác nhân gây bệnh liên tục biến đổi, các bệnh truyền nhiễm nói chung luôn diễn biến khó lường, khó dự báo, nguy cơ xảy ra đại dịch luôn hiện hữu.
"Cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra tạm thời đã qua, nhưng bài học kinh nghiệm vẫn luôn còn đó. Nhân dịp hưởng ứng Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh năm 2024, Bộ Y tế kêu gọi toàn dân nâng cao ý thức phòng bệnh cá nhân, chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình, xã hội và đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục phối hợp cùng ngành Y tế, huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị, đoàn thể, cộng đồng xã hội và bạn bè quốc tế trong công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm để chủ động phòng bệnh từ sớm, từ xa, hạn chế dịch bệnh lây lan, bùng phát, đảm bảo an sinh xã hội và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội" - Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nói.
Để tiếp tục chủ động công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Bộ Y tế đề nghị toàn dân chung tay xây dựng một Việt Nam khỏe mạnh hơn, nâng cao ý thức và chủ động các biện pháp phòng bệnh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nước rửa tay diệt khuẩn, dinh dưỡng đầy đủ, thực hiện lối sống lành mạnh để phòng, tránh mắc các bệnh truyền nhiễm.
Bộ Y tế cũng đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo việc chủ động tổ chức triển khai sớm, hiệu quả kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2025.
"Để đảm bảo công tác phòng chống dịch, chúng ta cần sớm có kế hoạch để bố trí kinh phí phòng dịch sớm cho các đơn vị của Bộ Y tế bao gồm cả các vị trí nâng cao năng lực cho các địa phương. Rà soát đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vaccine, vật tư, thiết bị, sinh phẩm y tế, đảm bảo dự trữ quốc gia và dự trữ địa phương cho công tác phòng chống dịch theo quy định. Kiện toàn lực lượng phòng chống dịch, đảm bảo đủ nhân lực và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực" - TS Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nhấn mạnh.