1 người có thể mắc sốt xuất huyết tới 4 lần

24/07/2017 - 20:45
Số bệnh nhân nhập viện do SXH không ngừng gia tăng, đặc biệt là tại Hà Nội và TP.HCM. Căn bệnh này chưa có vaccine và thuốc đặc trị. SXH có tới 4 chủng nên 1 người có thể mắc SXH 4 lần trong đời.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH), ngày 24/7, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trong mùa mưa lũ, SXH.

Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) trong 7 tháng năm 2017, số ca mắc được ghi nhận là 58.888 ca SXH, có 17 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2016, số trường hợp nhập viện tăng 12,6%. Số ca mắc nhập viện tăng cao ở khu vực miền Bắc và miền Nam, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP.HCM.

Đặc biệt, tại miền Bắc, số ca mắc SXH đang tăng nhanh và diễn biến bất thường do khí hậu thay đổi, mưa nhiều, sản sinh ra ổ muỗi gây bệnh SXH. Số người bệnh ở các tỉnh miền Bắc tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Các chuyên gia truyền nhiễm cho biết, biến chứng hay gặp của SXH năm nay là tình trạng suy thận, tổn thương gan và xuất huyết não.

Mới đây nhất, một bệnh nhân 51 tuổi (phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội) đã tử vong do SXH. Theo đó, bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường, tăng huyết áp, rung nhĩ. Bệnh nhân mắc bệnh ngày 8/7 và được đưa vào BV Vinmec ngày 10/7 rồi chuyển sang BV Bệnh nhiệt đới TƯ 12/7. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán xuất huyết não, SXH Dengue nặng. Do bệnh nguy kịch, tiên lượng khó qua khỏi nên gia đình bệnh nhân xin ra viện chiều 13/7 và đếm 23h cùng ngày thì tử vong.
sot-xuat-huyet.jpg
Dịch sốt xuất huyết bùng phát khiến 2-3 bệnh nhân/giường

 

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, SXH là bệnh gây ra do muỗi vằn Aedes truyền bệnh. Bệnh có biểu hiện sốt cao đột ngột, đau nhức cơ thể, xuất huyết, chảy máu cam. Ở thể nặng, bệnh gây xuất huyết ồ ạt, biến chứng gan, thận, xuất huyết não và tử vong.
 
Đặc biệt, virus gây bệnh sốt xuất huyết có 4 chủng huyết thanh khác nhau. Nếu một người đã nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo được miễn dịch suốt đời với chủng virus đó. Do đó, mỗi người có thể sẽ mắc SXH 4 lần trong đời. Biện pháp phòng chống SXH chủ động, hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy.

Để phòng muỗi đốt, người dân cần:

- Xoa thuốc chống muỗi đốt lên những vùng da hở để bảo vệ cả ngày lẫn đêm.

-  Mặc quần áo dài che kín tay, chân khi làm việc ban ngày, nhất là ở nơi có nhiều muỗi.

-  Sử dụng thuốc diệt muỗi; dùng các dụng cụ bắt muỗi.
 
- Dùng màn để tránh muỗi đốt trẻ em, người già và những người khác khi ngủ ban ngày. Tác dụng của màn tốt hơn khi tẩm Permethrin (chất diệt côn trùng pyrethroid), rèm (bằng vải hoặc bằng tre) cũng có thể được tẩm chất diệt côn trùng và treo tại cửa sổ hoặc cửa ra vào để xua muỗi và diệt muỗi.

- Phá vỡ chu kỳ lây truyền muỗi. Muỗi nhiễm virus khi chúng hút máu người bị bệnh. Màn chống muỗi và dụng cụ diệt muỗi sẽ giúp ngăn ngừa có hiệu quả để tránh muỗi đốt người và giúp ngăn chặn lây lan của virus SXH.
 
 Muỗi truyền virus SXH sống và sinh sản ở những nơi có nước ứ đọng trong nhà và xung quanh nhà. Do vậy, cần:
  1. Đậy kín lu, vại, dụng cụ chứa nước sinh hoạt, bể chứa nước, không tạo nơi cho muỗi đẻ trứng.
  2. Hàng tuần nên cọ rửa với bàn chải để trứng muỗi rơi ra, thả cá để ăn lăng quăng, bọ gậy.
  3. Không để ứ đọng nước ở các dụng cụ chứa nước mưa, chum vại vỡ, nếu có thì phải úp xuống.
  4. Rác thải như non bia, túi ni lông, vỏ sữa chua, rác thải… phải đem đốt hoặc chôn lấp.
  5. Dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, sạch thoáng, không treo quần áo làm chỗ cho muỗi trú đậu, loại bỏ các vật dụng chứa nước đọng.
  6. Trong giai đoạn dịch bệnh SXH đang bùng phát, trong thôn, xóm, tổ dân phố phải tổng vệ sinh sạch sẽ đường làng, ngõ xóm; khơi thông cống rãnh, những chỗ ao tù nước đọng.
  7. Có thể dùng các biện pháp diệt muỗi như: đốt hương diệt muỗi, phun thuốc diệt muỗi.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm