1 người tử vong do bệnh bạch hầu, Bộ Y tế yêu cầu tăng cường phòng, chống, không để bệnh lây lan trên diện rộng

PV
08/07/2024 - 21:01
1 người tử vong do bệnh bạch hầu, Bộ Y tế yêu cầu tăng cường phòng, chống, không để bệnh lây lan trên diện rộng

Bạch hầu là bệnh nhiễm trùng cấp tính, làm xuất hiện giả mạc dày, dai, trắng ngà, bám chặt và lan nhanh bao phủ toàn bộ vòm họng, mũi, tuyến hạnh nhân, thanh quản

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, tỉnh Nghệ An (huyện Kỳ Sơn) vừa ghi nhận 1 bệnh nhân tử vong do bệnh bạch hầu và trường hợp mắc bệnh tại tỉnh Bắc Giang (huyện Hiệp Hòa) có tiếp xúc gần với trường hợp tử vong này.

Với trường hợp tử vong và mắc bệnh bạch hầu vừa ghi nhận tại Nghệ An và Bắc Giang, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, đề nghị ngành y tế của 2 tỉnh này chỉ đạo các đơn vị, địa phương khẩn trương thực hiện một số nội dung nhằm chủ động tăng cường phòng, chống bệnh bạch hầu, không để bệnh lây lan kéo dài, trên diện rộng.

Cụ thể, tăng cường rà soát các trường hợp tiếp xúc gần với trường hợp mắc bệnh bạch hầu; giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh tại ổ dịch và tại cộng đồng, lấy mẫu xét nghiệm xác định kịp thời trường hợp mắc bệnh, triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, tổ chức điều tra và điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đồng thời, đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, phân luồng khám, phân tuyến điều trị bệnh nhân; thiết lập khu vực riêng khám, cách ly điều trị, cấp cứu bệnh nhân, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế việc chuyển bệnh nhân đến bệnh viện tuyến trên khi không cần thiết.

Bên cạnh đó, rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vaccine phòng bệnh bạch hầu ở tất cả các xã, phường và tổ chức tiêm bổ sung, tiêm vét, nhất là tại các địa bàn có lưu hành bệnh bạch hầu và có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về bệnh bạch hầu, các biện pháp phòng chống, để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị y tế trong quá trình điều trị.

Tổ chức theo dõi chặt chẽ sức khỏe của trẻ em, học sinh, sinh viên tại các cơ sở đào tạo; thường xuyên vệ sinh, thông thoáng lớp học, thông báo kịp thời cho các cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để được cách ly, xử lý kịp thời, không để bùng phát ổ dịch.

Rà soát, đảm bảo công tác hậu cần về vaccine, thuốc kháng sinh điều trị dự phòng, huyết thanh kháng độc tố, hóa chất… để triển khai các nhiệm vụ chống dịch...

Tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế dự phòng, cán bộ làm công tác điều trị các nội dung hướng dẫn giám sát, phòng chống dịch bệnh, chẩn đoán, điều trị, cấp cứu, chăm sóc bệnh nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn và tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo tại các điểm nóng, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch, hỗ trợ các địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh.


Bệnh bạch hầu là bệnh gì?

Bạch hầu là bệnh nhiễm trùng cấp tính, làm xuất hiện giả mạc dày, dai, trắng ngà, bám chặt và lan nhanh bao phủ toàn bộ vòm họng, mũi, tuyến hạnh nhân, thanh quản.

Vi khuẩn bạch hầu rất dễ lây lan. Virus lây theo đường hô hấp khi nói chuyện, hắt hơi, ho… Ngoài ra, vi khuẩn bạch hầu có thể lây nhiễm gián tiếp khi tiếp xúc với các vật dụng có dính chất bài tiết hoặc giọt bắn có chứa vi khuẩn bạch hầu.

Thời gian ủ bệnh trong khoảng 2 - 5 ngày hoặc hơn, kể từ khi người bệnh nhiễm vi khuẩn bạch hầu.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bạch hầu là bệnh có tỷ lệ tử vong cao (khoảng 20%), trong đó tỷ lệ cao tử vong ở trẻ nhỏ, trẻ thanh thiếu niên.

Ở nước ta, nhờ thực hiện tốt việc triển khai tiêm vaccine bệnh bạch hầu trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng tiêm cho trẻ em nên tỷ lệ mắc bệnh giảm đáng kể. Tuy nhiên, bệnh vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát và lây lan ở những địa phương có tỷ lệ tiêm vaccine bạch hầu thấp.

Những đối tượng có nguy cơ cao dễ mắc bệnh bạch hầu gồm: trẻ em dưới 5 tuổi, người lớn trên 40 tuổi, người bị rối loạn miễn dịch, sống chung môi trường đông đúc, chật hẹp, không đủ tiêu chuẩn vệ sinh, không tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch...

Đối tượng dễ mắc bệnh

- Người tiếp xúc với bệnh nhân bị nhiễm bạch hầu, đi đến các vùng dịch tễ của bệnh bạch hầu nhưng chưa tiêm phòng vaccine.

- Với trẻ sơ sinh tuy có miễn dịch thụ động từ người mẹ nhưng miễn dịch này sẽ mất đi khi bé 6 tháng - 1 tuổi nên vẫn có khả năng mắc bệnh nếu không được tiêm vaccine.

- Trẻ dưới 15 tuổi vẫn có khả năng mắc bệnh nếu chưa có miễn dịch.

Sau khi mắc bệnh sẽ có miễn dịch suốt đời tuy nhiên với đối tượng bị suy giảm miễn dịch tỷ lệ tái nhiễm bệnh vẫn có thể xảy ra khoảng 2% - 5%.

Biểu hiện của bệnh

Sau từ 2 - 5 ngày mắc bệnh, bệnh nhân sẽ xuất hiện các triệu chứng ban đầu như khó thở, sốt, đau họng, cổ có hạch bạch huyết, chảy nước mũi, cơ thể khó chịu,... Còn có một số trường hợp cá biệt là người bệnh không có các dấu hiệu cụ thể nào nên rất dễ lây lan tới cộng đồng.

Ca bệnh lâm sàng: Bé sẽ triệu chứng viêm họng, mũi, thanh quản, nuốt đau, họng... Khi khám sẽ thấy có giả mạc. Giả mạc bạch hầu có màu trắng ngà hay màu xám bám chặt vào tổ chức viêm, nếu bóc ra sẽ bị chảy máu. Bệnh bạch hầu là thể bệnh nặng ở trẻ em. Triệu chứng lâm sàng là giả mạc và toàn thân là nhiễm độc thần kinh, tê liệt thần kinh sọ não, thần kinh cảm giác, thần kinh vận động ngoại biên. Người mắc bệnh bạch hầu thường bị nhiễm trùng, nhiễm độc nặng. Tỷ lệ tử vong khoảng 5% – 10%.

Cách phòng bệnh bạch hầu

Bạn có thể phòng tránh được bằng cách tiêm phòng vaccine. Hiện nay tại Việt Nam chưa có vaccine đơn phòng bệnh bạch hầu mà chỉ có vaccine phối hợp với thành phần kháng bệnh như:

Ở Chương trình Tiêm chủng quốc gia (TCMR):

- Vaccine 5 trong 1 phòng bệnh bạch hầu - ho gà - Hib - uốn ván - viêm gan B : tiêm khi bé 2, 3, 4 tháng tuổi.

- Vaccine phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván: tiêm khi bé 16-18 tháng tuổi.

- Vaccine bạch hầu - uốn ván cho nhóm người có nguy cơ cao, chỉ được dùng trong chiến dịch khi có dịch bệnh.

Về vaccine dịch vụ:

- Vaccine 6 trong 1 phòng bệnh bạch hầu - uốn ván - ho gà - bại liệt - Hib - viêm gan B hay vaccine 5 trong 1 phòng bệnh trên nhưng không có viêm gan : tiêm khi bé 2, 3, 4 tháng tuổi và khi bé 16-18 tháng tuổi.

- Vaccine 4 trong 1 phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván - bại liệt: khi bé 4-6 tuổi.

- Vaccine phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván: đối với bé trên 4 tuổi và người lớn, thường được khuyên nên tiêm nhắc mũi vaccine này mỗi 10 năm 1 lần.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm