10 quyền lợi cơ bản người lao động cần biết

02/10/2019 - 15:48
Không chỉ những người trẻ vừa bước chân vào thị trường lao động mà ngay cả những người đi làm đã lâu có khi cũng không nắm được những quyền lợi cơ bản nhất của mình. Lợi dụng điều này, nhiều chủ doanh nghiệp đã o ép, cố tình vi phạm, ảnh hưởng đến người lao động, nhất là có những điều khoản mang tính đặc thù cho nữ giới mà người lao động không hay biết.

Trong chương II, Hiến pháp 2013, có quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cụ thể:

Điều 35  

1. Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc.

2. Người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi.   

3. Nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động tối thiểu. 

Ảnh minh họa

 

Dựa vào các căn cứ cơ bản nhưng có hiệu lực pháp lý tối cao của Hiến pháp, nhà nước đã có những quy định riêng cụ thể về quyền và lợi ích của con người, chính vì vậy người lao động (NLĐ) cần biết 10 lưu ý sau đây để bảo vệ bản thân khi tham gia quá trình lao động:

1. Các loại Hợp đồng mà NLĐ có thể ký: Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng; Hợp đồng xác định thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng; Hợp đồng không xác định thời hạn. Theo quy định tại Khoản 1, Điều 22 Bộ luật Lao động 2012 (BLLĐ).

2. Thời gian và mức lương thử việc:

- NLĐ và doanh nghiệp có thể tự thỏa thuận về việc làm thử, chỉ thử việc 01 lần với 01 công việc, thời gian thử việc không quá 60 ngày với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật Cao đẳng trở lên và không quá 30 ngày với công việc cần trình độ trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ. Theo quy định tại Điều 26, 27 BLLĐ.

- Tiền lương thử việc hai bên có thể thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương chính thức. Ví dụ, lương chính thức là 10 triệu thì lương thử việc ít nhất là 8,5 triệu. Điều 28 BLLĐ.

- Bên cạnh đó, sau khi kết thúc thử việc là 3 ngày, người sử dụng lao động phải báo cho NLĐ về kết quả thử việc. Nếu đạt yêu cầu thì phải thực hiện ký kết hợp đồng ngay, nếu vi phạm có thể phạt từ 2 đến 5 triệu đồng, đồng thời phải trả 100% tiền lương cho NLĐ.

3. NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động:

- Trong một số trường hợp theo quy định tại Khoản 1, 2, Điều 37 BLLĐ khi làm việc theo hợp đồng mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng; làm việc theo hợp đồng xác định thời hạn, khi đó NLĐ phải báo trước cho doanh nghiệp theo thời gian quy định.

- Trường hợp NLĐ làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn được đơn phương chấm dứt hợp đồng, nhưng phải báo trước ít nhất 45 ngày, quy định tại khoản 3 Điều 37 BLLĐ.

 

Người lao động có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng

 

4. Lương chính thức không được thấp hơn lương tối thiểu vùng theo quy định tại Điều 3 NĐ 157/2018/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng năm 2019:

- Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I: 4.180.000 đ/tháng

- Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II: 3.710.000 đ/tháng

- Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III: 3.250.000 đ/tháng

- Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV: 2.920.000 đ/tháng

- Doanh nghiệp khi trả lương cho NLĐ thấp hơn theo quy định thì có thể bị phạt tiền hoặc có thể bị đình chỉ hoạt động trong thời gian ngắn. 

5. Cách tính tiền lương làm thêm giờ, tăng ca quy định tại Điều 97 BLLĐ

- NLĐ làm thêm giờ trong ngày thường sẽ được tăng 150% lương, ngày nghỉ hàng tuần 200% lương, ngày lễ và ngày nghỉ có hưởng lương ít nhất 300% Cộng với tiền lương của ngày đó.

- NLĐ làm thêm vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường.

- Ngoài ra NLĐ còn được trả thêm 20% cho chi phí làm thêm vào ban đêm tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương làm theo công việc vào ban ngày.

- Giờ làm thêm là thời gian làm thêm ngoài giờ làm việc bình thường theo quy định pháp luật, nội quy, thỏa ước lao động. Thời gian làm việc bình thường không quá 8 tiếng/ngày và 48 tiếng/tuần, giờ làm việc ban đêm được tính từ: 22h đến 6h sáng hôm sau. Điều 104, 105, 106 BLLĐ.

6. Nghỉ hàng năm tại Điều 111 BLLĐ: NLĐ có 12 tháng làm việc cho doanh nghiệp thì được nghỉ hàng năm, hưởng nguyên lương theo quy định như sau:

- 12 ngày làm việc với công việc bình thường

- 14 ngày với công việc nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại hoặc làm việc ở những nơi có môi trường điều kiện sinh sống khắc nghiệt

- 16 ngày với công việc đặc biệt nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại hoặc làm việc ở những nơi có môi trường điều kiện sinh sống khắc nghiệt.

- Nghỉ hàng năm có thể theo thỏa thuận giữa NLĐ và doanh nghiệp để được nghỉ hàng năm nhiều lần hoặc cộng gộp tối đa 3 năm cho một lần.

7. Nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương quy định tại Điều 116 BLLĐ:

- NLĐ nghỉ việc riêng và vẫn được hưởng nguyên lương trong trường hợp: NLĐ kết hôn: 03 ngày; Con kết hôn: 01 ngày; Bố, mẹ để, bố chồng, mẹ chồng chết, chồng hoặc vợ, con chết: 03 ngày.

- NLĐ nghỉ không hưởng lương 1 ngày: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; bố hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.

8. Doanh nghiệp không sử dụng lao động nữ làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác trong trường hợp sau: 

- Lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hay là từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

- Lao động nữ được giảm 1 tiếng làm việc, được chuyển làm công việc nhẹ hơn từ tháng thứ 7.

- Lao động nữ trong thời gian hành kinh: được nghỉ 30 phút/ngày tối thiểu 03 ngày/ tháng.

- Lao động nữ được nghỉ 60 phút/ ngày khi nuôi con dưới 12 tháng tuổi để cho con bú, vắt sữa, trữ sữa, nghỉ ngơi vẫn được hưởng nguyên lương. Theo Điều 155 BLLĐ.

9. Các hình thức kỷ luật với NLĐ: Khiển trách, kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng, cách chức, sa thải. Không được áp dụng hình thức phạt tiền khi xử lý kỷ luật lao động. Điều 125 BLLĐ

- Không áp dụng hình phạt kỷ luật trong thời gian: nghỉ ốm đau, điều dưỡng, khi được doanh nghiệp cho nghỉ, đang bị tạm giữ, tạm giam, đang chờ xác minh để áp dụng hình phạt sa thải, lao động nữ có thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng. K4 Điều 123 BLLĐ

- Không được áp dụng nhiều hình thức kỷ luật cho một hành vi của NLĐ, nếu vi phạm nhiều hành vi thì áp dụng hình phạt kỷ luật cao nhất tương ứng với vi phạm nặng nhất.

không được áp dụng nhiều hình thức kỷ luật cho một hành vi của NLĐ

 

10. Trốn đóng bảo hiểm cho NLĐ sẽ bị phạt tù lên đến 7 năm  theo quy định tại Điều 216 BLHS 2015:

Người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, phạm tội thì bị phạt tiền từ 50 triệu đến 1 tỷ đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm tùy vào mức độ vi phạm, 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm