pnvnonline@phunuvietnam.vn
100 cán bộ Hội tìm giải pháp xây dựng địa chỉ tin cậy vùng dân tộc thiểu số
Bà Lò Thu Thủy, Trưởng ban Dân tộc Tôn giáo, TƯ Hội LHPN Việt Nam, phát biểu tại Hội thảo
Theo bà Lò Thu Thủy, Trưởng ban Dân tộc Tôn giáo, TƯ Hội LHPN Việt Nam: Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" là 1 trong số 10 Dự án thành phần thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã vùng dân tộc thiểu số & miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025. Một trong các hoạt động nhằm thúc đẩy việc thực hiện bình đẳng giới và giải quyết một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ là việc củng cố và nhân rộng mô hình địa chỉ tin cậy hỗ trợ bảo vệ phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình. Để chuẩn bị triển khai hoạt động này trong Dự án 8, TƯ Hội LHPNVN đã phối hợp với Viện Light và CARE Quốc tế tại Việt Nam xây dựng "Tài liệu hướng dẫn thành lập và vận hành địa chỉ tin cậy tại cộng đồng".
Đây là tài liệu được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu được thực hiện bởi Viện Light tại một số tỉnh miền núi phía Bắc... Để tài liệu phù hợp với đối tượng, điều kiện và tình hình thực tế của các vùng miền núi, DTTS khác nhau trong cả nước, Hội thảo tham vấn được diễn ra với sự tham dự của 100 đại biểu là cán bộ Hội cấp tỉnh/huyện/xã đến từ 10 tỉnh/thành đại diện cho vùng miền.
Các đại biểu đã được nghe giới thiệu về Dự án 8 và nhiệm vụ xây dựng địa chỉ tin cậy; về kết quả khảo sát các mô hình địa chỉ tin cậy tại Điện Biên, Thái Nguyên, Yên Bái và Hà Nội; về mô hình được đề xuất và nội dung hướng dẫn thành lập và vận hành mô hình...
Phần thảo luận, tham vấn cho Tài liệu, các đại biểu có những góp ý quan trọng: Về vai trò của địa chỉ tin cậy, đại diện đến từ Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk đề xuất cần nhấn mạnh vai trò của UBND; bổ sung vai trò của già làng, trưởng bản - những người có uy tín trong cộng đồng đồng bào DTTS ở vùng sâu vùng xa. Về quy trình vận hành, đại biểu đến từ Thanh Hóa góp ý về những quy định trong công tác chuyển gửi và quy trình hỗ trợ nạn nhân trở về gia đình an toàn; Đại biểu tỉnh Lạng Sơn góp ý cần làm rõ những hướng dẫn về lựa chọn địa điểm địa chỉ tin cậy; Đại biểu tỉnh Trà Vinh đề xuất bổ sung về quyền lợi cho gia đình tham gia địa chỉ tin cậy; Hội LHPN tỉnh Hà Giang chia sẻ những khó khăn khi triển khai (nạn nhân có tâm lý e ngại với địa chỉ; chưa tuyên truyền được đúng nhiệm vụ chức năng của mô hình, chưa thu hút người cần địa chỉ; thiếu sự hỗ trợ đầu; thiếu tài liệu hướng dẫn đồng bộ từ tỉnh tới cơ sở... qua đó đề xuất các nội dung phù hợp liên quan;
Đại diện Hội LHPN tỉnh An Giang góp ý về việc điều chỉnh cách sử dụng từ ngữ trong Tài liệu để phù hợp với vùng miền...
Các ý kiến tham vấn trong hội thảo sẽ giúp hoàn thiện "Tài liệu hướng dẫn thành lập và vận hành địa chỉ tin cậy tại cộng đồng" nhằm tìm ra giải pháp, củng cố và nhân rộng mô hình địa chỉ tin cậy hỗ trợ, bảo vệ phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình vùng DTTS và miền núi; qua đó góp phần triển khai có hiệu quả Dự án 8 trong Chương trình MTQG...