1,1 tỷ người trên thế giới không có giấy tờ tùy thân

30/10/2017 - 07:07
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), hơn 1,1 tỷ người trên thế giới hiện không thể chứng minh danh tính bằng giấy tờ chính thức. Điều này khiến họ không thể tiếp cận được các loại dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bảo trợ xã hội và giáo dục.
60% trẻ em được khai sinh

Ở Indonesia, dù đã có luật Bảo vệ trẻ em từ năm 2002 và có chiến lược cụ thể về việc đăng ký khai sinh (ĐKKS) cho trẻ em sơ sinh từ tháng 12/2008 nhưng vẫn còn nhiều người dân không quan tâm đến quyền lợi này.

nhan-hang.jpg
Các quan chức dự cuộc họp của Ngân hàng thế giới tại Washington ngày 13-10
- Ảnh: Reuters


Đứa con bé nhất của chị Satri Rama, sống trong khu phố nghèo ở thủ đô Jakarta (Indonesia), không ĐKKS nhưng điều đó không là mối bận tâm của người mẹ 39 tuổi quần quật làm lụng suốt ngày mà chỉ kiếm được 2 USD để nuôi 5 đứa con thơ dại. 

“Chúng tôi không cần giấy khai sinh, chúng tôi chỉ cần có cái ăn, cái mặc”, chị Rama nói. Nếu ĐKKS trong vòng 60 ngày đầu cho trẻ sơ sinh thì được miễn phí. Sau thời hạn đó người đăng ký phải mất 30 USD để làm thủ tục.

Vì vậy, có đến 100 triệu người dân nghèo Indonesia như chị Rama không dám nghĩ đến việc làm khai sinh cho con. Mặt khác, ở đất nước này có đến 6.000 hòn đảo lớn nhỏ, có đảo ở cách biệt ngoài biển khơi nên rất khó tiếp cận với thế giới hiện đại. Vì vậy, trẻ em các khu vực này càng không biết đến ĐKKS.

a3.jpg
Trẻ em cần được đăng ký khai sinh

Không chỉ riêng ở Indonesia, trong 1,1 tỷ người "vô danh", hơn 1/3 là trẻ em không được khai sinh từ lúc chào đời. Các quốc gia tại Nam Á và châu Phi hạ Sahara là những nơi có tỷ lệ ĐKKS cho trẻ em thấp nhất thế giới.

Theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), chỉ có khoảng 60% trong số những đứa trẻ được sinh ra trên thế giới được khai sinh. Tỷ lệ này có sự chênh lệch đáng kể theo khu vực,với tỷ lệ ĐKKS thấp nhất ở Nam Á và vùng Nam sa mạc Sahara châu Phi.

Ở Pakistan, 3 trong số 4 trẻ sơ sinh không được ĐKKS với chính quyền. Điều này còn tồi tệ hơn khi có 4 trên 5 trẻ ở Yemen không được ĐKKS. Đặc biệt ở Somalia, Liberia và Ethiopia, 97% trẻ em không được ĐKKS.

Phí phạt, nhận thức về luật pháp và quy trì làm thủ tục kém, rào cản văn hóa và nỗi sợ hãi về phân biệt đối xử... là những nguyên nhân khiến các gia đình không đi khai sinh cho con. Những đứa trẻ không được khai sinh hay không có giấy tờ nhận dạng thường không được tiếp cận với giáo dục, chăm sóc y tế và sự bảo đảm của xã hội.

a2.jpg

Và nếu đứa trẻ bị tách khỏi gia đình trong các thảm họa tự nhiên, các cuộc xung đột hay bị bắt cóc, việc giúp các em trở về với cha mẹ là một việc làm rất khó khăn nếu không có các tài liệu chứng minh chính thức. 

Đến lúc trưởng thành, các em sẽ không có quyền công dân, không có quyền bầu cử, ứng cử, không thể đăng ký kết hôn, mở tài khoản ngân hàng, làm hộ chiếu…
 
Các chiến dịch hỗ trợ đăng ký khai sinh

WB đã triển khai chương trình mang tên Sáng kiến xác định danh tính vì mục tiêu phát triển (ID4D) tại hơn 10 nước nhằm giúp thống kê và xác nhận những người dân chưa có giấy tờ căn cước bằng cách sử dụng công nghệ kỹ thuật số.

tr-em.jpg
Hàng triệu trẻ em Syria không có danh tính do bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. Ảnh: THE INDEPENDENT

Còn UNICEF cho biết sẽ sử dụng những biện pháp tiếp cận mới mẻ để giúp đỡ chính phủ và các cộng đồng củng cố hệ thống đăng ký khai sinh và công dân của mình. Hiện UNICEF đang làm việc với Chính phủ Uganda để xây dựng hệ thống di động đơn giản hóa việc ĐKKS trong vài phút, thay vì vài tháng như trước kia... 

Cơ chế này cho phép trẻ sơ sinh được ĐKKS trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương để xác định sự tồn tại của trẻ em trong xã hội. Chương trình này cũng được ứng dụng tại nhiều nước, trong đó có Kosovo, Nigeria...

Người dân nhiệt liệt hưởng ứng trước những tiện ích do dịch vụ di động này mang lại. Từ đó, số trẻ em sơ sinh dễ dàng được ĐKKS hơn.

58226885_peru.jpg
Gia đình bộ tộc ở rừng sâu Amazon


Nhiều năm qua, Tổ chức về Quyền trẻ em quốc tế (PLAN) đã mở chiến dịch “Đăng ký khai sinh toàn cầu” nhằm cải thiện ý thức của người dân trên thế giới về vấn đề này. 

PLAN cho triển khai các hoạt động truyền thông về ĐKKS trẻ em và một số vấn đề có liên quan đến quyền của trẻ em với nhiều hình thức như phát thanh, truyền hình, báo chí, tờ rơi... cùng những nội dung cần thiết về ĐKKS trẻ em.

Bên cạnh đó, PLAN tài trợ cho các nước xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp có kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm trong việc thực hiện các chiến dịch hỗ trợ thủ tục pháp lý và ĐKKS miễn phí cho trẻ em. PLAN khuyến khích các nước mở rộng khung thời gian ĐKKS cho trẻ em, đặc biệt đối với các khu vực nông thôn, miền núi.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm