Mary Wollstonecraft (Anh)
Mary Wollstonecraft (1759-1797) là một nhà văn ở thế kỷ 18, được xem là một trong những người sáng lập triết học bình quyền phụ nữ.
Cuốn “A Vindication of the Rights of Woman” (tạm dịch: Bào chữa cho các quyền lợi của Phụ nữ), xuất bản năm 1792 là một tác phẩm cổ điển nêu lên ý tưởng về thuyết nữ quyền.
Trong tác phẩm này, bà lý luận rằng, sự thấp kém của phụ nữ không do bẩm sinh mà là hậu quả của một quá trình giáo dục lệch lạc do nam giới áp đặt lên phụ nữ. Do đó, bà gợi ý cả nam và nữ nên cùng được hưởng một nền giáo dục dựa trên lý trí và bà hình dung ra một trật tự xã hội được thiết lập dựa trên lý trí và thoát khỏi mọi định kiến.
Susan B. Anthony (Mỹ)
Susan B. Anthony (1820-1906) là người tiên phong của phong trào đấu tranh vì nữ quyền, từng bị phạt vì tội đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử năm 1872. Chính vì thế, bà lên tiếng bảo vệ những người phụ nữ trước nạn bạo hành gia đình, đồng thời bà luôn cổ vũ đòi quyền bình đẳng cho người phụ nữ và những người da đen.
Anthony nghĩ rằng, sẽ không có một nước Mỹ tiến bộ chừng nào người phụ nữ chưa được trao quyền đầy đủ như nam giới, đặc biệt là quyền đi bỏ phiếu bầu cử. Và cuối cùng, chính hiến pháp số 19 đã được thông qua ngày 20 tháng 08 năm 1920, công bố quyền bầu cử không được từ chối bất kỳ ai chỉ vì giới tính. Trích dẫn có đoạn: “Toàn dân là chúng ta, chứ không phải là những công dân da trắng, cũng không phải những công dân nam giới. Chúng ta là toàn dân, là người gây dựng nên đất nước này, bảo vệ đất nước này, phụ nữ cũng bình đẳng như nam giới”.
Katherine Sheppard (New Zealand)
Katherine Sheppard (1847 - 1934) là nhà hoạt động xã hội đã đưa New Zealand trở thành quốc gia đầu tiên trong lịch sử nhân loại công nhận quyền bầu cử của phụ nữ. Khởi điểm, bà vốn là một thành viên năng nổ trong Hiệp hội Phụ nữ của nhà thờ. Vào năm 1885, Kate Sheppard trở thành đồng sáng lập của Liên đoàn Phụ nữ Công giáo New Zealand, một tổ chức chính trị hoạt động vì quyền lợi của phụ nữ và trẻ em.
Trong vai trò của một lãnh đạo Liên đoàn, Kate Sheppard đã đấu tranh không mệt mỏi cho quyền bầu cử của phụ nữ, dù gặp rất sự chống đối từ nhiều phía. Cuối cùng, sau 3 lần đệ trình nguyện thư lên Quốc hội, luật về quyền bầu cử cho phụ nữ mới được thông qua. Bà đã dành nhiều công sức để viết dự thảo luật và một cuốn sách về quyền bầu cử của phụ nữ.
Sau thành công đó, Kate Sheppard đi vào lịch sử như một nhà đấu tranh tiên phong cho quyền lợi chính trị của phụ nữ, và bà đã trở thành động lực cho các cuộc đấu tranh vì nữ quyền trên khắp thế giới, đặc biệt là tại các quốc gia sử dụng Anh ngữ như Anh và Mỹ.
Emmeline Pankhurst (Anh)
Emmeline Pankhurst (1858-1928) là nhà hoạt động xã hội người Anh, bà đã thành lập tổ chức Liên hiệp Xã hội và Chính trị nữ giới (WSPU), chuyên tổ chức các cuộc biểu tình đòi quyền bầu cử cho phụ nữ.
Năm 1999, tạp chí Time bình chọn bà Pankhurst là một trong số 100 nhân vật quan trọng nhất của thế kỷ 20. Đáng buồn là bà Pankhurst qua đời khoảng ba tuần trước khi Chính phủ Anh thông qua luật trao quyền bầu cử bình đẳng cho phụ nữ, trước khi nhìn thấy thành quả của mình trở thành hiện thực.
Margaret Sanger (Mỹ)
Margaret Sanger (1879-1966) dành cả cuộc đời mình để cống hiến cho luật sinh đẻ có kế hoạch, mở bệnh viện sinh đẻ kế hoạch đầu tiên ở Mỹ và lập ra hội National Birth Control League (Hiệp hội sinh đẻ có kế hoạch quốc gia).
Việc làm nỗ lực của cô thuyết phục lãnh đạo Tòa án tối cao Mỹ thực hiện chế độ cho phép các bác sĩ cung cấp biện pháp tránh thai cho người dân, đã gây tầm ảnh hưởng lớn đến xã hội hiện đại. Margaret Sanger kêu gọi gia đình nghèo đói thoát nghèo bằng cách giải phóng cho người phụ nữ không phải có thai có ngoài ý muốn và trao cho người phụ nữ những lựa chọn để họ tận hưởng cuộc sống tốt đẹp hơn.
Alice Paul (Mỹ)
Alice Paul (1885-1977) là người ủng hộ mở rộng quyền bầu cử cho người phụ nữ và tiên phong đấu tranh nữ quyền. Những hoạt động của bà ảnh hưởng sâu sắc đến nước Mỹ và thế giới. Bà là một trong hai người sáng lập ra tổ chức The National Women’s Party (Tổ chức đấu tranh cho nữ quyền trong suốt thế kỷ 20 ở Mỹ).
Một ngày trước khi diễn ra lễ nhậm chức của Tổng thống Woodrow Wilson vào năm 1913, Alice Paul đã tổ chức một cuộc diễu hành với sự tham gia của đông đảo phụ nữ ở tất cả mọi tầng lớp trên đại lộ Pennsylvania của Washington D.C để thu hút chính phủ Mỹ và giới truyền thông. Bà là tác giả nguyên bản của tu chính án Equal Rights Amendment ra đời vào năm 1920 để đảm bảo sự bình đẳng cho phụ nữ.
Simone de Beauvoir (Pháp)
Simone de Beauvoir (1908-1986) là một nhà văn và nhà triết học người Pháp. Bà viết các tiểu thuyết, chuyên đề về triết học, chính trị và các vấn đề xã hội, các bài luận, tiểu sự, tự truyện. Tác phẩm “The second sex” viết năm 1949, một tác phẩm phân tích về sự áp bức phụ nữ và đề tài bình đẳng giới. Bà được trao giải Jerusalem năm 1975. Năm 1978, bà được trao giải Quốc gia Áo cho Văn học châu Âu.
Bà còn nổi tiếng là một nhà hoạt động vì nữ quyền. Tầm ảnh hưởng của bà trong phong trào phụ nữ lớn đến mức chính Tổng thống Pháp François Mitterrand cũng phải ca ngợi bà là “một trong những nhà văn hóa bậc thầy, nhà tiên phong mở hướng cho thời đại.
Cuộc đời bà, các tác phẩm bà viết và cuộc đấu tranh của bà đã nâng cao giác ngộ của tất cả những người đàn ông và đàn bà nước Pháp cũng như toàn thế giới”. Người ta vẫn coi bà là nhà hoạt động chính trị xã hội đã làm thay đổi đời sống chính trị và trí tuệ của giới phụ nữ phương Tây thế kỷ XX.
Maya Angelou (Mỹ)
Maya Angelou (1928-2014) nhà thơ người Mỹ, là người tiên phong trong công cuộc chống phân biệt chủng tộc, giới tính, vì công bằng xã hội và trở thành biểu tượng đại diện cho nữ quyền, cho tổ chức nhân quyền. Bà được mọi người biết nhiều nhất với loạt bài tự truyện. Trong đó “Tôi biết vì sao chim trong lồng vẫn hót” là cuốn tự truyện nổi tiếng nhất của bà sản xuất năm 1969 đã làm thổn thức mọi trái tim của người đọc.
Cuốn tự truyện là câu chuyện kể về thời ấu thơ cho đến năm bà 13 tuổi, quãng thời gian bà phải vật lộn với những vấn nạn như phân biệt chủng tộc, chấn thương, cưỡng bức và bị ruồng bỏ. Những cống hiến cả đời trong suốt hơn năm mươi năm cho nghệ thuật đã nhận được hàng chục giải thưởng và danh dự.
Germaine Greer (Úc)
Germaine Greer (1939) là nhà phê bình, nhà báo người Australia, cô được coi là một trong những nhà hoạt động có tiếng nói lớn của chủ nghĩa nữ quyền ở thế kỷ 20. Nổi tiếng với cuốn tiểu thuyết “Người nữ thái giám” (The Female Eunuch), được xuất bản năm 1970 và là cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất thời bấy giờ. Ý tưởng và quan điểm táo bạo về việc giải phóng phụ nữ, về bình đẳng giới đều được đưa ra trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng này.
Wangari Maathai (Kenya)
Wangari Maathai (1940-2011), nhà hoạt động môi trường người Kenya là người châu Phi đầu tiên đoạt giải Nobel hòa bình năm 2004. Bà thành lập phong trào “Vành đai xanh” năm 1977 để hỗ trợ phụ nữ nông thôn gặp khó khăn trong cuộc sống và bảo vệ môi trường. Phong trào này sau đó lan tỏa trên phạm vi toàn cầu, để chống lại hiện tượng biến đổi khí hậu trên thế giới.
Oprah Winfrey (Mỹ)
Oprah Winfrey (1954) là người dẫn chương trình đối thoại trên truyền hình, đồng thời là nhà hoạt động chính trị, ủng hộ quyền bình đẳng giới, từng đoạt giải Emmy dành cho người Mỹ gốc Phi. Bà tin rằng, giáo dục là chìa khóa tự do và có một tương lai tốt đẹp hơn, vì vậy bà đã làm dự án xóa mù chữ có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới.
Quỹ từ thiện của Oprah Winfrey (Oprah Winfrey Leadership Academy Foundation) giúp đỡ phụ nữ, trẻ em và các gia đình khó khăn trên thế giới. Năm 2006, bà được tạp chí Forbes bình chọn là một trong 100 người phụ nữ quyền lực nhất thế giới.
Khi nói về Oprah Winfrey, tổng biên tập tạp chí Seventeen, ông Atoosa Rubenstein, nói: “Oprah là mẫu người khi đã thành công thì sẽ chia sẻ nó với những người cần nó nhất quanh mình. Đó là lý do vì sao cô ấy là một người hùng trong mắt tôi và tất cả mọi người, một hình mẫu vĩ đại”.
Angelina Jolie (Mỹ)
Angelina Jolie (1975) minh tinh màn bạc hạng A của Hollywood, còn được biết đến là đặc phái viên của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) từ năm 2001. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Phi diễn ra tại Nam Phi (AU) hồi tháng 6/2015, Jolie có bài phát biểu đanh thép lên án tội ác hiếp dâm – một thứ vũ khí của chiến tranh, đồng thời kêu gọi các đại biểu châu Phi có hành động cấp thiết hỗ trợ và bảo vệ quyền phụ nữ.
Trong những năm qua, Angelina Jolie đi đến nhiều vùng chiến sự và nói chuyện với các nạn nhân chiến tranh, trong đó có những phụ nữ sống sót sau khi bị hãm hiếp. Nữ minh tinh cũng bày tỏ sự khâm phục đối với những nạn nhân của châu Phi bởi khả năng phục hồi, sức mạnh và ý chí phi thường sau bao tổn thương mà họ phải trải qua. Đầu năm 2015, Jolie và Ngoại trưởng Anh William Hague thành lập Trung tâm học thuật về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh của Vương quốc Anh nhằm mục đích bảo vệ nữ quyền, truy tố cưỡng dâm chiến tranh và nâng cao học vấn của phụ nữ.
Liya Kebede (Ethiopia)
Liya Kebede (1978) người mẫu, diễn viên kiêm nhà thiết kế thời trang cho thương hiệu Lemlem của Liya, cũng được tạo ra nhằm hỗ trợ việc làm cho các thợ thủ công Ethiopia – những nghệ nhân của ngành dệt truyền thống vốn đang dần bị mai một tại quốc gia châu Phi này. Liya Kebede điều hành một quỹ mang tên mình dành riêng cho quê hương Ethiopia.
Quỹ của cô hướng đến việc giáo dục, thuyết phục các bà mẹ đến sinh tại phòng khám ở địa phương, tuyển dụng và đào tạo nhân viên y tế, đặc biệt là xây dựng, trang bị những trung tâm hộ sinh mới, với mong muốn giảm thiểu tỉ lệ tử vong của mẹ và bé trong khi sinh tại Ethopia và khắp nơi trên thế giới.
Emma Watson (Anh)
Emma Watson đã có bài phát biểu ấn tượng về bình đẳng giới trong chiến dịch “HeForShe” diễn ra vào ngày 21/09/2014: “Càng nói về nữ quyền, tôi càng cảm thấy điều này thường xuyên bị đánh đồng với sự căm ghét nam giới. Điều đó chắc chắn cần phải dừng lại. Nữ quyền được định nghĩa là sự bình đẳng về quyền và cơ hội giữa nam giới và nữ giới. Đó là lý thuyết về sự bình đẳng trong các quyền về chính trị, kinh tế, bình đẳng xã hội giữa các giới.”
Nữ diễn viên Emma Watson (1990) là Đại sứ thiện chí LHQ về phụ nữ, cô kêu gọi và đề cao vai trò quan trọng của nam giới trong sứ mệnh thúc đẩy nữ quyền, chiến dịch nhằm mục đích kêu gọi phái mạnh toàn cầu đứng lên đấu tranh vì quyền bình đẳng giới đã gây tiếng vang lớn.
Đầu năm nay, Emma thông báo, cô sẽ lập một câu lạc bộ sách về nữ quyền trên Twitter có tên gọi là “Our Shared Shelf” (tạm dịch: Kệ sách chia sẻ). Lời kêu gọi của Emma nhận được sự quan tâm không chỉ từ công chúng mà còn ngay trong giới nghệ sĩ, người nổi tiếng như ca sĩ Taylor Swift, nhà văn J. K. Rowling… Cựu cầu thủ bóng đá Mỹ Abby Wambach, diễn viên Sophia Bush và ca sĩ Kate Voegele đều tuyên bố sẽ tham gia vào câu lạc bộ này.
Malala Yousafzai (Pakistan)
Malala Yousafzai (1997) sinh ra và lớn lên ở huyện Swat, tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, Pakistan, là con của một gia đình người Pastun theo đạo Sunni. Ở Pakistan, cô là biểu tượng của sự đấu tranh của đất nước này chống lại bạo lực của nhóm Hồi giáo cực đoan Taliban. Năm 11 tuổi, cô gái nhỏ đã trở thành nhân vật chính trong một bộ phim tài liệu khi cô đọc một bài diễn văn đanh thép lên án việc quân đội Taliban đóng cửa trường học dành cho nữ sinh ở thung lũng Swat. Năm 2014, khi 17 tuổi là người trẻ nhất được nhận giải Nobel Hoà bình trong lịch sử hơn 100 năm của giải thưởng danh giá này nhờ những đấu tranh không mệt mỏi cho giáo dục dành cho các em bé gái.