Đa dạng và nhiều đổi mới
16 bộ phim truyện điện ảnh được tuyển chọn vào hạng mục Phim truyện dự thi tại LHP Việt Nam lần thứ 21 đã phản ánh khá rõ nét diện mạo có nhiều đổi mới của điện ảnh Việt những năm gần đây.
Sự góp mặt của cả các phim Nhà nước và phim tư nhân, phim của các hãng lớn và các nhà làm phim độc lập đã cho thấy sự đa dạng, cởi mở và bình đẳng trong xu thế xã hội hóa điện ảnh hiện nay. Giờ đây, điện ảnh thực sự là sân chơi rộng mở cho tất cả mọi thành phần xã hội đều có thể tham gia sản xuất phim.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng chứng kiến một thế hệ đạo diễn trẻ nhiều tiềm năng đang dần khẳng định mình qua các bộ phim với những tên tuổi nổi bật như Victor Vũ, Nguyễn Quang Dũng, Lý Hải, Vũ Ngọc Phượng, Đinh Tuấn Vũ, Đặng Thái Huyền…
Đề tài và thể loại của những phim dự thi lần này cũng rất phong phú, từ phim hài, tình cảm gia đình, tâm lý xã hội, phim kinh dị, giả tưởng đến phim hành động, phim remake; từ đề tài tình yêu, thể thao, kinh tế đến đề tài chiến tranh và hậu chiến. Phong cách thể hiện trong các phim cũng có nhiều tìm tòi, sáng tạo mới, thể hiện những góc nhìn độc đáo, khác lạ. Các nhà làm phim rất cố gắng trong việc ứng dụng các kỹ thuật hiện đại, tiên tiến trong các khâu quay phim và hậu kỳ để đưa đến cho khán giả những trải nghiệm thú vị, thỏa mãn nhu cầu nghe - nhìn với chất lượng ngày càng cao.
Có thể thấy rất rõ là hình ảnh trong các bộ phim Việt ngày một đẹp hơn, chuyên nghiệp hơn, âm thanh và dựng phim cũng có nhiều tiến bộ, không thua kém nhiều nước trong khu vực.
Nhiều phim giải trí đạt doanh thu cao
Phần lớn các bộ phim tranh giải tại LHP lần này đều đã có sự tiệm cận đến thị hiếu của đông đảo khán giả, hướng đến tính giải trí một cách lành mạnh. Trong 5 bộ phim đạt doanh thu cao nhất của điện ảnh Việt Nam tính đến thời điểm này thì có đến 3 phim dự thi lần này là Hai Phượng (doanh thu 200 tỉ đồng); Cua lại vợ bầu (hơn 190 tỉ đồng); Lật mặt: Nhà có khách (117,5 tỉ đồng). Ngoài ra còn nhiều bộ phim ăn khách khác như Tháng năm rực rỡ, 100 ngày bên em, Thạch Thảo… Những bộ phim đó đã phần nào khẳng định chỗ đứng trong lòng công chúng thời gian qua mà doanh thu là một phần thước đo cho sự thành công.
Song, bên cạnh doanh thu cũng còn nhiều yếu tố khác để đánh giá chất lượng của một bộ phim. Trong đó, các giải thưởng trong nước và quốc tế đã giành được là bảo chứng cho giá trị nghệ thuật, tiêu biểu là các phim Song Lang, Hai Phượng và Thưa mẹ con đi. Cả 3 bộ phim này đều đã tham dự khá nhiều LHP quốc tế và thu được một số kết quả đáng khích lệ. Hai Phượng có thể coi là bộ phim thành công cả về doanh thu lẫn chất lượng được giới chuyên môn công nhận. Bộ phim này đang đứng đầu về lợi nhuận thu được từ phòng vé trong nước lẫn bản quyền trên Netfix và là bộ phim Việt hiếm hoi được phát hành tại Mỹ.
Sự trở lại của đề tài chiến tranh và hậu chiến
Giữa số đông các phim giải trí nhiều màu sắc, trong số các phim truyện dự thi năm nay xuất hiện hai bộ phim về đề tài tưởng đã quá quen thuộc nhưng giờ lại hiếm hoi trong điện ảnh Việt Nam - đề tài chiến tranh và hậu chiến - đó là Truyền thuyết về Quán Tiên (đạo diễn Đinh Tuấn Vũ) và Nơi ta không thuộc về (đạo diễn Đặng Thái Huyền). Cả hai đạo diễn đều còn khá trẻ và đang độ sung sức nhất, từng làm khá nhiều phim thành công trước đó.
Truyền thuyết về Quán Tiên là tác phẩm vừa mới “ra lò” của đạo diễn Đinh Tuấn Vũ, kể câu chuyện về số phận của 3 nữ thanh niên xung phong với nhiệm vụ mở và duy trì một quán nghỉ chân cho bộ đội trong hang núi giữa rừng Trường Sơn hoang vu, họ phải đối mặt với nhiều khó khăn mà điều đáng sợ nhất là nỗi cô đơn trong mỗi người. Đinh Tuấn Vũ cho biết, anh luôn cố gắng tìm tòi cách kể chuyện của riêng mình, quan trọng nhất vẫn là việc làm thế nào để giữ được bản sắc cá nhân của mỗi đạo diễn cũng như của văn hóa, con người Việt Nam trong mỗi bộ phim. Theo đánh giá của đạo diễn Đinh Tuấn Vũ, 16 phim tham dự kỳ này lần này là những phim tốt nhất của điện ảnh Việt Nam trong 2 năm qua, trong đó có những phim ăn khách. Các phim này đã phản ánh khá bao quát tình hình hiện nay của điện ảnh nước nhà.
Đặng Thái Huyền sau thành công của bộ phim chiến tranh trước đó là Người trở về, lần này tiếp tục với đề tài hậu chiến trong Nơi ta không thuộc về - một bộ phim với cách kể khá hiện đại và hấp dẫn nhưng vẫn thể hiện thái độ trân trọng quá khứ và những con người đã hi sinh xương máu trong chiến tranh. Với sự góp mặt của nữ diễn viên tài năng Kim Tuyến, bộ phim được đánh giá là một trong những ứng cử viên "nặng ký "cho giải thưởng tại kỳ LHP này.
Điểm qua 16 bộ phim truyện được chọn dự thi trong LHP Việt Nam lần thứ 21 - năm 2019, có thể thấy nhiều tín hiệu khả quan từ cả các phim mang tính giải trí đạt doanh thu cao và những phim thuộc dòng truyền thống với nhiều đổi mới. Dù giải thưởng cao nhất có thuộc về bộ phim nào thì đây vẫn là những niềm hy vọng cho sự khởi sắc của điện ảnh nước ta trong thời kỳ hội nhập hiện nay.
Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21 diễn ra từ ngày 23-27/11 tại TP. Vũng Tàu, có sự tham gia của hơn 1.000 khách mời là các nghệ sĩ, nhà sản xuất, phát hành, phổ biến phim, các tổ chức điện ảnh, công ty điện ảnh và truyền thông có phim dự thi và phim được trình chiếu trong Liên hoan phim; các đại biểu quốc tế và đại diện ngoại giao đoàn. Ban tổ chức Liên hoan phim sẽ trao các giải thưởng: Bông Sen Vàng, Bông Sen Bạc cho các bộ phim xuất sắc; giải thưởng dành cho cá nhân gồm: Đạo diễn xuất sắc, Tác giả kịch bản xuất sắc, Nữ diễn viên chính xuất sắc, Nam diễn viên chính xuất sắc… |