pnvnonline@phunuvietnam.vn
2 "ác mẫu" bạo hành bé trai 17 tháng tuổi đến tử vong đối diện mức án nào?
Nguyễn Thị An (trái) và Nguyễn Thị Lành tại cơ quan công an.
Bé trai 17 tháng tuổi ở xã Vạn Điểm (huyện Thường Tín, Hà Nội) bị 2 nữ trông trẻ bạo hành dẫn đến tử vong khiến dư luận vô cùng phẫn nộ.
Trao đổi dưới góc độ pháp lý, luật sư Giang Hồng Thanh (Văn phòng luật sư Giang Thanh) cho biết, theo thông tin từ Cơ quan điều tra được đăng tải trên báo chí, 2 bảo mẫu đã có hành vi tác động nhiều lần vào các vùng trọng yếu trên cơ thể bé trai 17 tháng tuổi như ném cháu bé đập đầu xuống nền nhà, dùng chân đạp vào bụng, ngực, đá và dẫm lên đầu cháu bé.
Hậu quả là cháu bé đã tử vong và theo kết luận giám định pháp y ban đầu, nguyên nhân chết là do chấn thương sọ não, chảy máu não, phù não. Hành vi của 2 bảo mẫu có dấu hiệu của tội "Giết người" được quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự.
Các bảo mẫu nếu không bị mất năng lực hành vi dân sự thì buộc phải biết hành động dã man, tàn nhẫn của mình đối với một đứa trẻ 17 tháng tuổi có thể sẽ khiến đứa trẻ đó mất đi mạng sống. Do vậy, dù họ có đưa ra bất cứ lý do gì để biện minh cho hành động của mình thì vẫn không thể phủ nhận được rằng cái chết của cháu bé có mối quan hệ nhân quả với những gì họ đã làm.
Nếu bị quy buộc phạm tội "Giết người", các bảo mẫu sẽ bị áp dụng tình tiết giết người dưới 16 tuổi theo điểm b Khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự. Mức hình phạt đối với họ là từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Ngoài ra về trách nhiệm dân sự, họ phải bồi thường toàn bộ chi phí chữa trị, mai táng cho cháu bé và bồi thường tổn thất về tinh thần cho gia đình cháu bé. Trong thời gian qua, đã có nhiều vụ án tương tự xảy ra. Chắc hẳn 2 bảo mẫu trong vụ án này cũng biết những vụ án đó và có thể trước đây họ còn bức xúc, phẫn nộ về những hành vi bạo hành trẻ em. Vậy nhưng không hiểu vì lý do gì, họ suy nghĩ gì khi đánh đập bé trai 17 tháng tuổi khiến bé tử vong.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, trẻ em là đối tượng đặc biệt không những được Công ước quốc tế quyền trẻ em mà pháp luật mỗi quốc gia bảo vệ.
Mọi hành vi tước đoạt quyền sống, là quyền cao quý nhất của con người nói chung và trẻ em nói riêng đều bị xử lý nghiêm minh nhất theo quy định của pháp luật.
"Xét hành vi của các đối tượng thể hiện sự côn đồ, hung hãn, vô cớ đánh đập dã man, tàn ác cháu bé tử vong đã cấu thành tội Giết người. Tội danh và hình phạt được quy định tại điểm b, n Khoản 1, Điều 123, Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật", luật sư Thơm nói.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm nhận định, trong vụ án này, các đối tượng cùng thống nhất ý chí bạo hành cháu nên có vai trò ngang nhau, cùng phải chịu trách nhiệm đồng phạm về tội "Giết người" với nhiều tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự với hình phạt cao nhất tử hình.
* Trước đó, như PNVN đã phản ánh, chiều 1/3, công an địa phương nhận tin báo về vụ việc. Quá trình làm việc, lực lượng chức năng được cung cấp thông tin: ngày 23/2, cô giáo báo với gia đình là cháu bé tự ngã, dẫn đến thương tích. Bước đầu, gia đình bé Đ. không trình báo vụ việc và không hợp tác để khám nghiệm tử thi.
Sau đó, Công an huyện Thường Tín đã triệu tập 2 cô giáo của Đ. là Nguyễn Thị An (30 tuổi) và Nguyễn Thị Lành (31 tuổi) để lấy lời khai.
Tại trụ sở công an, ban đầu 2 đối tượng khai bé trai tự ngã, không bị tác động bên ngoài. Tuy nhiên, đối chiếu với bằng chứng, tài liệu, kết hợp với quá trình đấu tranh với An và Lành, cơ quan điều tra nhận thấy nhiều điểm bất thường.
Cả 2 sau đó thay đổi lời khai, theo đó Lành đi lùi, va vào bé trai làm cháu bé ngã ra nền nhà và An thì bế trượt cháu bé làm nạn nhân ngã đập đầu xuống nền nhà. Đối với lời khai này, cơ quan điều tra vẫn nhận thấy nhiều điểm không phù hợp với dấu vết thương tích trên người nạn nhân nên tiếp tục đấu tranh.
Sau khoảng 1 ngày, An và Lành đã khai nhận hành vi đánh đập, bạo hành bé trai P.T.Đ., dẫn đến thương tích và khiến nạn nhân tử vong. Cụ thể, lời khai của các đối tượng thể hiện: sáng 23/2, Đ. được mẹ đưa đến lớp của An và Lành. Đến khoảng 9h, 2 đối tượng đưa các cháu vào buồng ngủ thì Đ. khóc, chạy ra ngoài.
Thấy vậy, Lành bực tức, dùng 2 tay bế Đ. lên rồi ném xuống làm đầu bé trai đập xuống nền nhà. Sau đó, đối tượng dùng tay tát nạn nhân. Trong khi đó, An dùng chân đạp vào bụng, ngực, đá và dẫm vào đầu cháu bé. Đến khoảng 16h30 cùng ngày, bố mẹ bé trai đến đón con và được 2 đối tượng báo là Đ. tự ngã.
Trong các ngày 24, 25, 26/2, bé trai tiếp tục được đưa đến lớp của An. Vào sáng 26/2, An dùng chân đạp vào bụng Đ. khi thấy bé trai khóc. Cú đạp khiến nạn nhân bất tỉnh. Sau đó, An và Lành gọi gia đình cháu bé và cùng đưa nạn nhân đi cấp cứu.
Dù được chữa trị tích cực nhưng đến chiều 1/3, Bệnh viện Nhi Trung ương trả cháu bé về gia đình vì tiên lượng xấu. Đến tối hôm sau, nạn nhân tử vong. Sau khi thu thập được lời khai của đối tượng, các cơ quan chức năng huyện Thường Tín đã thuyết phục gia đình cho tiến hành khám nghiệm tử thi bé trai, đồng thời tổ chức khám nghiệm hiện trường.
Kết quả khám nghiệm xác định cháu Đ. tử vong vì chấn thương sọ não, chảy máu não, phù não. Ngày 2/3, Công an huyện Thường Tín ra quyết định giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Thị An và Nguyễn Thị Lành để điều tra về hành vi giết người.
Điều 123. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 02 người trở lên;
b) Giết người dưới 16 tuổi;
c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.