2 bệnh mùa hè là 'sát thủ' hàng đầu với trẻ

27/06/2018 - 14:46
Mùa hè, thời tiết nóng bức, là điều kiện để nhiều bệnh nguy hiểm có điều kiện phát triển. Dưới đây là 2 bệnh trẻ thường gặp trong mùa hè dễ khiến trẻ tử vong, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Viêm màng não: Không tử vong cũng di chứng nặng

 

Theo TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi TƯ, mùa hè là giai đoạn cao điểm của viêm não, trong đó có viêm não Nhật Bản (VNNB). Đây được xem là một trong những bệnh nguy hiểm và gây tỉ lệ tử vong cao ở trẻ mắc (từ 15 đến 25%) hoặc gây ra những di chứng thần kinh như động kinh, giảm học lực, giảm thính lực... Những di chứng này khiến cho người bệnh giảm khả năng giao tiếp, mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

anh-benh-mua-he1.jpg
Viêm màng não và tiêu chảy là 2 bệnh 'sát thủ' hàng đầu với trẻ

 

Theo TS Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Nhi TƯ, VNNB hay còn gọi là viêm não B là một bệnh nhiễm khuẩn thần kinh. Bệnh có tỷ lệ tử vong cao, thường xảy ra trong 7 ngày đầu khi bệnh nhân có hôn mê sâu, co giật và những triệu chứng tổn thương não. Những bệnh nhân qua khỏi có thể để lại những di chứng nặng nề, hay gặp nhất là rối loạn tâm thần, rối loạn vận động.

 

Mọi lứa tuổi đều có thể mắc VNNB, song chủ yếu là trẻ em dưới 15 tuổi, đặc biệt nhóm nguy cơ cao nhất là trẻ từ 2 đến 6 (chiếm 75% tổng số trẻ mắc).

 

Theo TS Lâm, VNNB trải qua 3 giai đoạn: Ủ bệnh, toàn phát và lui bệnh. Thời kỳ ủ bệnh kéo dài từ 5 đến 14 ngày, trung bình là 1 tuần. Bệnh thường khởi phát rất đột ngột với sốt cao 39oC-40oC hoặc hơn. Bệnh nhân đau đầu, đau bụng, buồn nôn và nôn. Ngay trong 1 -2 ngày đầu của bệnh đã xuất hiện cứng gáy, tăng trương lực cơ, rối loạn sự vận động nhãn cầu. Về tâm thần kinh có thể xuất hiện lú lẫn hoặc mất ý thức. Ở một số trẻ nhỏ tuổi, ngoài sốt cao có thể thấy đi lỏng, đau bụng, nôn.

 

Thời kỳ toàn phát, từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh. Thời kỳ này virus xâm nhập vào tế bào não tủy, tấn công các tế bào thần kinh. Các triệu chứng bệnh không giảm mà còn tăng lên, bệnh nhân hôn mê sâu dần, rối loạn các chức năng sống. Những bệnh nhân vượt qua được thời kỳ này thì tiên lượng tốt hơn.

 

Thời kỳ lui bệnh. Thông thường bước sang tuần thứ 2 của bệnh, bệnh nhân đỡ dần, nhiệt độ giảm từ sốt cao xuống sốt nhẹ và vào khoảng ngày thứ 10 trở đi, nhiệt độ trở về bình thường nếu không có bội nhiễm vi khuẩn khác. Bệnh nhân từ hôn mê dần dần tỉnh và không còn những cơn co cứng, hết nôn và đau đầu.

 

Do đó, khi trẻ có biểu hiện như thời kỳ ủ bệnh trên, cần đưa bé đến viện ngay. Việc nhập viện muộn hay sớm đóng vai trò rất lớn trong hạn chế tỉ lệ tử vong và tỉ lệ di chứng khi trẻ mắc bệnh.

anh-benh-mua-he.jpg
Tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu phòng viêm não Nhật Bản

 

Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm cả nước có khoảng 3.000 trẻ mắc bệnh viêm não, trong đó VNNB chiếm từ 30% đến 40%. Chim và lợn là khởi đầu các ổ chứa virus VNNB. Muỗi hút máu của lợn, sau đó đốt người sẽ truyền virus sang người. Đến nay, đây là con đường duy nhất lây nhiễm VNNB được ghi nhận.

 

Tránh tiêu chảy khi bệnh “vào mùa”

 

Cũng theo TS Nguyễn Văn Lâm, mùa hè khí hậu nóng, ẩm là thời kỳ cao điểm các bệnh về đường tiêu hóa ở trẻ nhỏ. Đặc biệt là trong và sau các kỳ nghỉ lễ dài, khi gia đình có phần lơ là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cho các bé. Tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm là nguyên nhân khiến cho nhiều trẻ phải nhập viện.

 

Các yếu tố nguy cơ khiến trẻ bị tiêu chảy có thể kể đến là: Yếu tố vệ sinh (trẻ bú bình có nguy cơ tiêu chảy cao gấp nhiều lần so với trẻ bú mẹ hoàn toàn hoặc không bú bình), ăn bổ sung không đúng cách (cho trẻ ăn thức ăn nấu để lâu ở nhiệt độ phòng, thức ăn bị ô nhiễm trước và sau khi chế biến), nước uống không sạch, dụng cụ-tay người chế biến thức ăn bị nhiễm bệnh, xử lý chất thải không đúng cách, không rửa tay trước khi cho trẻ ăn.

 

Nguyên nhân chính gây tử vong khi trẻ bị tiêu chảy là mất nước và điện giải, tiếp theo là suy dinh dưỡng. Suy dinh dưỡng và tiêu chảy tạo thành một vòng xoắn bệnh lý: Tiêu chảy dẫn đến suy dinh dưỡng và khi trẻ bị suy dinh dưỡng lại có nguy cơ bị tiêu chảy cao, gây ảnh hưởng lớn đến sự tăng trưởng của trẻ và là gánh nặng về kinh tế đối với gia đình và xã hội. Chính vì vậy, các phụ huynh không được chủ quan khi thấy những biểu hiện mất nước ở trẻ như: Môi khô, lưỡi khô, da khô, tiểu ít, kích thích, quấy khóc.

Để phòng tiêu chảy ở trẻ nhỏ, gia đình cần chú ý đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh tay, xử lý chất thải đúng quý định. Ngoài ra, các gia đình cần sử dụng kháng sinh dự phòng khi du lịch vào vùng có nguy cơ cao. Khi có dấu hiệu tiêu chảy cấp phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời.

                                                                                  TS Nguyễn Thị Việt Hà, Trưởng khoa Tiêu hóa, BV Nhi TƯ

Việt Nam đã đưa vaccine ngừa viêm não Nhật Bản vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng, tiêm hoàn toàn miễn phí cho trẻ nhỏ.

Để phòng bệnh, trẻ cần tiêm vaccine đủ 3 mũi. Mũi 1 lúc 1 tuổi, mũi 2 cách mũi 1 từ 7-14 ngày. Mũi 3 cách mũi 2 một năm. Nếu chỉ tiêm 1 mũi thì không có hiệu lực bảo vệ. Tiêm đủ 2 mũi hiệu lực bảo vệ đạt trên 80%; tiêm đủ 3 mũi thì đạt 90-95% trong khoảng 3 năm. Do đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

Ngoài ra, cần ăn uống hợp vệ sinh, nâng cao thể trạng, ngủ màn, kể cả ban ngày để tránh muỗi đốt; vệ sinh môi trường, tích cực diệt muỗi, bọ gậy/lăng quăng.

                                                                                          TS Trần Minh Điển,Phó Giám đốc BV Nhi TƯ

 

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm