Cuộc hôn nhân trước đây của Hiệp rạn nứt từ khi câu chuyện mà Hiệp nói chẳng gây hứng thú gì với vợ anh, bởi đó là chuyện của tương lai của nhiều đứa trẻ xa lạ mà anh gặp, là chuyện biến giấc mộng của anh và những cộng sự vì môi trường người Việt. Những thuật ngữ chuyên ngành không chỉ đầy xa lạ khiến vợ anh khó bắt nhịp mà còn đầy sắc màu xa vời huyễn hoặc. Những đứa trẻ mà anh nhắc tới rất xa lạ với vợ anh, trong khi cô đang rất chờ đợi đứa trẻ của họ. Giấc mộng của anh chả có gì sai và xấu, thậm chí còn rất đẹp với xã hội, chỉ là nó không hiện hữu, hiện thực với nhu cầu của vợ con, của gia đình anh.
Đàn bà có mơ mộng thì vẫn ghét đàn ông mộng mơ. Còn đàn ông lại thường kỳ vọng người đàn bà của mình phải thấu hiểu với giấc mộng lớn của anh ta, dù giấc mộng ấy là gì, vì điều gì. Giấc mộng của đàn ông có thể thoát khỏi gia đình còn đàn bà lại suốt ngày quẩn quanh với cơm áo gạo tiền, khi đàn bà có người chồng mơ giấc mơ vì thiên hạ thì cô ấy càng nặng gánh những chuyện vụn vặt nhưng trực tiếp liên quan tới sinh tồn của chồng, con, mỗi người trong gia đình. Thế là Hiệp thường trách vợ mình thực tế và nhạt quá. Còn vợ Hiệp lại thấy anh không chịu đặt chân ở mặt đất, cụ thể hơn là ở gia đình.
Một ngày vợ Hiệp đầy hoang mang hoài nghi lao thẳng tới cơ quan chồng để hỏi xem cô Hà là cô nào, sao cô ta lại nhắn cho anh những cái tin với đầy “yêu ngữ”, “thân thiện ngữ”, “riêng tư ngữ”. Lúc đó các đồng nghiệp mới giật mình nghi vấn mối tình đồng nghiệp đã chuyển hóa thành tình nam nữ. Còn Hiệp khẳng định chưa hề có chuyện gì với cô đồng nghiệp kia, ngoài việc họ rất hiểu nhau, dễ tâm sự với nhau, cô ấy luôn cổ vũ anh và sẵn sàng cùng anh trong mọi chuyến công tác xa, anh cảm thấy cô ấy như tri kỷ, cô ấy rất đồng cảm.
Chuyện diễn ra khiến mối quan hệ của vợ chồng Hiệp căng thẳng nghiêm trọng. Đỉnh điểm là Hiệp nằm viện ở nơi công tác và cô đồng nghiệp chăm sóc mà vợ anh không lên. Sau đó, ở nhà, vợ Hiệp gãy tay lại phải nhờ vả người bạn của anh đỡ đần. Đến lúc này Hiệp lại ghen lại với vợ và bạn. Anh cho rằng vợ “trả miếng” khi tỏ ra quá thân thiết với bạn thân của chồng.
Bạn của Hiệp là một nhân viên làm công ăn lương bình thường. Nhưng anh có thể ngồi hàng giờ nghe vợ Hiệp kể lể mà không nói gì về bản thân mình. Anh không phải người đàn ông hào hòa ngoài xã hội nhưng anh hiểu rõ ví rỗng của vợ bạn.
Nhưng không ai trong số bốn người họ dám nhận mình đã yêu ai đó. Chuyện của bốn người chỉ được giải quyết khi chính mẹ Hiệp quyết định nói chuyện với con dâu và con trai rằng: con dâu nếu sẵn sàng sinh con và con trai sẵn sàng ngừng lại một số việc thiên hạ để lo gia đình thì tiếp tục ở với nhau, không thì thôi. Tất nhiên đã không ai dám khẳng định ngay sẽ làm theo mẹ nói, họ đều đã chọn lựa hướng ra ngoài gia đình.
Thế nhưng kể cả lúc ký vào đơn ly hôn, họ vẫn không thừa nhận đã có tình cảm với người khác bởi ai cũng sợ mình là người có lỗi mà không biết rằng họ đã hết duyên, và cuộc sống đưa đẩy khiến họ không còn tương thích với nhau nữa.
Không có cuộc ly hôn nào không gây sóng gió, chỉ là ít hay nhiều, ngắn hay dài. Với Hiệp và vợ cũng thế, họ vẫn có trách cứ với nhau. Mất hơn một năm họ mới nhìn nhận thực sự cuộc sống của mình và ngồi lại cùng nhau xóa bỏ chuyện cũ.
Và bây giờ bốn người đã ngồi cùng nhau trong một bàn tiệc. Họ đã tự nhìn nhận rằng Hiệp hợp với cô đồng nghiệp vì họ song hành cùng nhau, còn vợ cũ và bạn thân của anh sẽ phù hợp hơn, đồng điệu hơn vì họ có chung một mục đích sống, họ có thể tâm sự, dựa dẫm vào nhau. Có người từng hỏi Hiệp “Hai vợ chồng cùng hướng ngoại thì ai chịu chăm sóc gia đình”, Hiệp cười “Cùng hướng ngoại nhưng hướng từ một điểm, luôn đứng bên nhau thì sẽ không sợ cách chia”.