pnvnonline@phunuvietnam.vn
2 khung giờ để thải cặn bã khỏi cơ thể, 5 cách để đường ruột trơn tru
Như một quy luật trong cuộc sống, hàng ngày con người có nhu cầu ăn uống, tiêu hóa, sau đó thải các cặn bã qua con đường tiểu tiện và đại tiện. Một số thói quen xấu như không uống đủ nước, ăn quá nhiều chất béo, ăn ít rau xanh… dẫn đến rối loạn tiêu hóa, tăng nguy cơ bị táo bón, gây khó đại tiện.
Nếu bạn đại tiện không thường xuyên, các chất thải sẽ tích tụ lâu ngày trong ruột. Đường ruột vốn là bộ phận cung cấp dinh dưỡng để sản xuất năng lượng, phát triển và sửa chữa tế bào, vì thế khi ruột gặp vấn đề thì các bộ phận khác của cơ thể cũng không thể khỏe mạnh. Do đó, chúng ta cần theo dõi thói quen đi đại tiện mỗi ngày để đảm bảo chất thải được bài tiết kịp thời.
Đặc biệt, bất kể là nam hay nữ, thường có thói quen đi đại tiện vào một trong 2 thời điểm này trong ngày, chứng tỏ sức khỏe tốt, sống thọ trăm tuổi cũng không khó.
1. Sau khi thức dậy vào buổi sáng
Đi đại tiện vào buổi sáng là tốt nhất cho sức khỏe (Ảnh minh họa)
Thời điểm thích hợp đi đại tiện nhất trong ngày là buổi sáng sau khi thức dậy. Khi con người ngủ, ruột non và ruột kết vẫn "thức" để xử lý tất cả thức ăn còn sót lại trong ngày. Khoảng 30 phút sau khi thức dậy, cảm giác muốn đi vệ sinh sẽ bắt đầu, đây là hành động đào thải hết các chất cặn bã ra bên ngoài, từ đó bảo vệ sức khỏe cho đường ruột của chúng ta. Trung bình một người sẽ đại tiện sau khi ăn khoảng 24 tiếng. Vì vậy nếu một người ăn uống đầy đủ thì thời gian đại tiện của họ sẽ khá đều đặn.
Các chuyên gia cho biết, một số thói quen buổi sáng như tập thể dục, uống nước ấm sau khi ngủ dậy có tác dụng kích thích nhu động ruột, thúc đẩy quá trình tiêu hóa. Sau khi “đi nặng”, bụng nhẹ nhõm hơn, bạn ăn sáng với cái bụng đói, nhờ thế giúp dạ dày hấp thụ các chất dinh dưỡng trong thức ăn tốt hơn.
2. Trước khi đi ngủ vào buổi tối
Đại tiện buổi sáng là một cách đi vệ sinh lành mạnh, tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên nếu bạn không có thói quen này thì có thể thay thế bằng một khung thời gian khác trong ngày. Trước giờ đi ngủ cũng được coi là một thời điểm tốt để đi đại tiện.
Chúng ta ăn 3 bữa vào ban ngày, cả ngày vận động cần nhiều năng lượng, quá trình tiêu hóa thức ăn diễn ra nhanh chóng, nên cũng sẽ có thói quen đi đại tiện vào buổi tối trước khi đi ngủ. Đi đại tiện thời điểm này giúp cơ thể bạn thư giãn và đi vào giấc ngủ nhanh hơn.
Đặc biệt là ban ngày bạn ăn rất nhiều thực phẩm, mỡ thừa sẽ tích tụ trong ruột. Nếu những thứ này không được đào thải kịp thời có thể khiến dạ dày và ruột bị quá tải do chưa tiêu hóa hết đã bước vào giấc ngủ, đồng thời gây tích mỡ bụng nhanh. Vì vậy, đại tiện ngay trước khi ngủ là một thói quen có lợi cho sức khỏe, vừa bảo toàn sức khỏe đường ruột lại giảm nguy cơ tăng cân, béo phì.
Làm thế nào để bảo vệ sức khỏe đường ruột?
1. Ăn nhiều chất xơ
Các loại chất xơ giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt (Ảnh minh họa)
Ăn nhiều chất xơ trong các thực phẩm như: yến mạch, hạt, đậu, rau cải các loại, cám lúa mì, ngũ cốc... rất có lợi cho sức khỏe.
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh, những người có chế độ ăn giàu chất xơ có hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, nhu động ruột được thúc đẩy và giảm nguy cơ mắc bệnh như: táo bón, viêm loét đại tràng, viêm ruột thừa, trĩ... Đây là cách bảo vệ hệ tiêu hóa đơn giản, ai cũng thực hiện được.
2. Uống đủ nước
Các chuyên gia khuyên chúng ta nên uống 1,5-2 lít nước mỗi ngày để đảm bảo các hoạt động sống trong cơ thể, trong đó có hoạt động tiêu hóa. Thiếu nước cũng là nguyên nhân dẫn đến táo bón và nhiều chứng rối loạn tiêu hóa khác.
Ngoài nước lọc sạch, bạn cũng nên cung cấp cho cơ thể chất lỏng từ các loại trà thảo mộc, nước ép hoa quả, đồ uống thể thao, thức uống không chứa cafein. Một cách khác để cơ thể bạn hấp thu nước tốt hơn là các loại trái cây, rau quả mọng nước như: cần tây, dâu, bưởi, cà chua, bí xanh, dưa chuột, đào...
3. Bổ sung đủ chất béo lành mạnh
Chất béo lành mạnh có trong cá hoặc các loại hạt cũng giảm các bệnh đường ruột. (Ảnh minh họa)
Không giống như chất béo xấu, trong bữa ăn bổ sung chất béo lành mạnh sẽ giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, bạn cũng cảm thấy dễ chịu hơn. Trong đó, điển hình là acid béo omega-3 có nhiều trong quả óc chó, hạt lanh, hạt chia, các loại cá béo... đã được chứng minh giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về ruột.
4. Ăn chậm, nhai kỹ, không ăn quá no
Khi bạn nhai kỹ, nhai lâu, nước bọt tiết ra giúp tiêu hóa một phần thức ăn cùng với việc nghiền nát thức ăn tốt hơn, giúp giảm tải cho dạ dày. Ăn chậm, nhai kỹ thức ăn còn giúp ngăn ngừa các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như khó tiêu, ợ hơi, đầy bụng... Nhiều nghiên cứu còn chỉ ra, những người có thói quen này thường ít bị căng thẳng tinh thần và ít mắc các bệnh tiêu hóa hơn.
5. Tăng cường hoạt động thể chất
Thực tế hoạt động thể chất không chỉ tăng cường sức khỏe mà còn giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Đi dạo nhẹ nhàng sau khi ăn giúp thức ăn được di chuyển trong hệ tiêu hóa dễ dàng hơn, tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng cũng hiệu quả hơn.