2 kiểu ăn bánh chưng sau Tết tưởng tiết kiệm nhưng rất có hại cho sức khỏe

Châu Anh (Tổng hợp)
07/02/2025 - 11:16
2 kiểu ăn bánh chưng sau Tết tưởng tiết kiệm nhưng rất có hại cho sức khỏe
Sau Tết, không chỉ thịt gà, giò chả, thịt kho tàu,... mà bánh chưng, bánh tét cũng là thực phẩm mà các gia đình còn thừa lại rất nhiều. Nếu không ăn và bảo quản bánh chưng đúng cách sẽ rất dễ gây ngộ độc, có hại cho sức khỏe.

Bánh chưng được làm từ gạo nếp, đỗ xanh, thịt mỡ - là một phần không thể thiếu của các gia đình Việt trong ngày Tết Nguyên Đán. Tuy nhiên, nếu ăn bánh chưng còn thừa sau Tết theo cách này, sẽ dẫn tới nhiều nguy cơ sức khỏe, bao gồm cả ngộ độc, tăng mỡ máu,...

2 kiểu ăn bánh chưng sau Tết tưởng tiết kiệm nhưng cực kỳ có hại cho sức khỏe- Ảnh 1.

Bánh chưng được làm từ gạo nếp, đỗ xanh, thịt mỡ - là một phần không thể thiếu của các gia đình Việt trong ngày Tết Nguyên Đán (Ảnh:ST)

1. Ăn bánh chưng bị mốc

Bánh chưng có độ ẩm cao và giàu dinh dưỡng nếu không được bảo quản đúng cách sẽ rất dễ bị mốc, lên men, có mùi chua khó chịu. Hoặc cũng có thể do quá trình gói bánh ngâm gạo quá lâu, bánh luộc xong để nguội mới rửa, không ráo nước dẫn tới dễ chua và mốc hơn,...

Vì "tiếc rẻ" mà nhiều gia đình lựa chọn cắt bỏ phần bánh chưng bị mốc hỏng và tiếp tục ăn phần còn lại. Điều này đặc biệt nguy hiểm. Ăn bánh chưng bị mốc dù chỉ mốc một góc thì đều có thể làm tăng nguy cơ ngộ độc mãn tính do nấm mốc sinh sôi trong bánh chưng, kể cả là phần chưa hỏng.

2 kiểu ăn bánh chưng sau Tết tưởng tiết kiệm nhưng cực kỳ có hại cho sức khỏe- Ảnh 2.

Không nên ăn bánh chưng bị mốc (Ảnh: ST)

Các chủng nấm thường thấy trong bánh chưng là glucoza, mantoza tạo thành acid gluconic, acid fumatic khiến bánh chưng dễ bị chua hơn. Một số nấm mốc thuộc họ Aspergillus như Aspergillus flavus và Aspergllus parasiticus và Penicillium có thể tiết ra độc tố aflatoxin gây ngộ độc thực phẩm cấp tính.

Các triệu chứng ngộ độc thực phẩm thường gặp bao gồm: Đau bụng, buồn nôn và nôn mửa, tiêu chảy, đau đầu, sốt, mệt mỏi nghiêm trọng, chán ăn. Tùy vào mức độ nghiêm trọng mà các biểu hiện ngộ độc có thể khác nhau. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, nếu bệnh nhân ngộ độc có các dấu hiệu kể trên kèm theo đi ngoài phân có máu; sốt cao; người bệnh nôn quá nhiều; có dấu hiệu mất nước như mắt trũng, tiểu ít, họng khô, chóng mặt; tiêu chảy kéo dài không cầm hay co giật,... thì cần tới ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị phù hợp.

Aflatoxin còn được WHO xếp loại vào chất gây ung thư nhóm I, nguy hiểm gấp 68 lần asen và 10 lần so với kali xyanua. Tiêu thụ aflatoxin quá mức và lâu dài có thể dẫn tới tổn thương gan, thận, thậm chí ung thư hệ tiêu hóa như ung thư gan, ung thư đại trực tràng.

Nguy cơ ngộ độc hay có hại khi ăn bánh chưng bị mốc cũng đúng ngay cả khi loại bỏ phần bánh chưng mốc, rán bánh chưng lên hoặc rửa lại bánh chưng bằng nước rồi mới ăn. Nói cách khác, bánh chưng chỉ an toàn để ăn khi còn nguyên vẹn, không bị mốc, không có mùi chua, không bị nhớt nhão hay bốc mùi lạ,...

Lời khuyên bảo quản bánh chưng: Ở nhiệt độ phòng, bánh chưng thường có hạn sử dụng khoảng 5 ngày. Nếu thời tiết nồm, độ ẩm cao và ẩm ướt thì thời gian bảo quản bánh ở môi trường bên ngoài càng ít đi.

Nếu bảo quản bánh chưng trong ngăn mát tủ lạnh sẽ để được từ 15 - 20 ngày, khi ăn nên luộc lại do bánh chưng bị "lại gạo", cứng. Trong điều kiện nhiệt độ bảo quản từ 5 - 10 độ C, bánh chưng có thời hạn sử dụng dài hơn. Ăn bánh chưng tới đâu thì cắt tới đó, phần còn lại cần được gói kĩ trong túi nilon.

2 kiểu ăn bánh chưng sau Tết tưởng tiết kiệm nhưng cực kỳ có hại cho sức khỏe- Ảnh 3.

Ở nhiệt độ phòng, bánh chưng thường có hạn sử dụng khoảng 5 ngày (Ảnh: ST)

Ngày nay, nhiều người lựa chọn biện pháp hút chân không bánh chưng, phương pháp này được đánh giá là giúp tăng thời gian lưu trữ bánh, hạn chế bánh chưng bị mốc chua. Tuy nhiên điều kiện cần đảm bảo là việc sơ chế cũng như gói bánh, thành phẩm trước khi hút chân không bánh chưng phải sạch sẽ.

2. Ăn bánh chưng quá nhiều

Một cái bánh chưng bao nhiêu calo? Trung bình một chiếc bánh chưng nặng khoảng 750 gam sẽ có khoảng từ 2200 - 2500 calo, tùy thuộc vào lượng nhân gồm gạo nếp, đỗ xanh, thịt mỡ là bao nhiêu. Ngoài ra, trong 100 gam bánh chưng còn bao gồm các thành phần dinh dưỡng như: 4,3 gam chất đạm; 4,2 gam chất béo; 31,6 gam chất bột đường; 0,6 gam chất xơ; 26 gam canxi; 0,94 gam sắt; 1,4 gam kẽm… Thông thường, mọi người sẽ cắt bánh chưng làm 8 miếng đều nhau, mỗi một miếng sẽ chứa khoảng 309 kcal. Trong đó có 56,7 gam carbohydrate; 11,8 gam protein và 4 gam chất béo.

Do thừa quá nhiều nên các gia đình có tâm lý "ăn tống ăn tháo" không để lâu bánh chưng bị hỏng. Ăn bánh chưng quá nhiều, nhất là bánh chưng rán có thể dẫn tới nhiều rủi ro sức khỏe bao gồm tăng cân, béo phì,... đặc biệt là với người đang mắc bệnh tim mạch, bệnh tiểu đường, bệnh tăng huyết áp, bệnh mỡ máu - ăn nhiều bánh chưng dễ khiến các tình trạng bệnh tăng nặng nghiêm trọng hơn. Ăn nhiều bánh chưng còn dễ dẫn tới khó tiêu, đầy bụng do lượng calo lớn.

2 kiểu ăn bánh chưng sau Tết tưởng tiết kiệm nhưng cực kỳ có hại cho sức khỏe- Ảnh 4.

Bánh chưng rán có hàm lượng calo cao (Ảnh: ST)

Do vậy, để ăn bánh chưng không tăng cân, tốt nhất chỉ nên ăn với lượng vừa phải kết hợp cùng các thực phẩm dinh dưỡng khác như rau xanh, rau củ muối chống ngán và hạn chế ăn bánh chưng chiên rán nhiều lần. Không nên ăn bánh chưng vào buổi tối dễ dẫn tới năng lượng bị dư thừa, tích tụ sinh ra mỡ nội tạng, làm tăng nguy cơ tăng cân và béo phì.

Nhìn chung, không chỉ riêng bánh chưng, với nhiều thực phẩm thừa sau Tết, các gia đình cần xem xét phương pháp bảo quản hợp lý như trong ngăn mát hoặc ngăn đông tủ lạnh. Với các thực phẩm có mùi lạ, mốc xanh trắng/mốc đen,... thì nên bỏ đi không nên tiếc rẻ mà giữ lại ăn hay ăn với lượng lớn dễ dẫn tới nhiều nguy cơ sức khỏe.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm