3 thực phẩm còn tồn đọng sau Tết tuyệt đối không nên ăn

Vân Anh (Tổng hợp)
06/02/2025 - 18:00
3 thực phẩm còn tồn đọng sau Tết tuyệt đối không nên ăn
Bạn không nên ăn những thực phẩm này khi còn tồn đọng sau Tết vì có thể làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Sau dịp lễ Tết Nguyên Đán, hầu như các gia đình đều còn tồn đọng rất nhiều thực phẩm từ thịt, giò chả, bánh chưng, bánh kẹo,... Tuy nhiên, có nhiều loại thực phẩm không nên để lâu ngày vì có thể đã bị nhiễm khuẩn, ăn những loại thực phẩm này có thể làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm và ảnh hưởng đến sức khoẻ.

3 thực phẩm còn tồn đọng không nên ăn

Nếu có 3 loại thực phẩm này trong nhà, bạn nên vứt bỏ để bảo vệ sức khoẻ:

1. Thịt chín để quá 3-4 ngày

Vào ngày Tết, các loại thịt như thịt gà, thịt lợn, thịt trâu,... là món ăn không thể thiếu trong các mâm cỗ. Nhưng vì lượng thịt và thức ăn lớn, nên hầu như các loại thịt này dù đã được chế biến thành các món ăn nhưng không thể ăn hết trong ngày hoặc thậm chí đến vài ngày sau.

Để tránh lãng phí thức ăn, mọi người sẽ thường bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh và tiếp tục sử dụng đến khi hết. Tuy nhiên, nếu để thịt trong tủ mát quá lâu, vi khuẩn có thể phát triển và đạt đến mức không an toàn, có thể gây rối loạn tiêu hoá, nghiêm trọng hơn có thể bị ngộ độc thực phẩm.

3 thực phẩm còn tồn đọng sau Tết không nên ăn để tránh gây hại cho sức khoẻ- Ảnh 1.

Thịt chín không nên bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh quá 4 ngày (Ảnh: ST)

Có thể bảo quản thịt thừa trong tủ lạnh bao lâu?

Sau khi nấu, thịt, gia cầm và hải sản có thể được bảo quản an toàn trong tủ lạnh từ 3 đến 4 ngày. Thịt bò, thịt bê, thịt cừu và thịt lợn quay, bít tết và sườn có thể được giữ trong 3 đến 5 ngày. Nếu bạn nhận thấy mình không thể ăn hết thịt thừa đã chế biến trong khoảng thời gian này, bạn lên chia thịt và bỏ nên tủ đá một phần.

Phần thịt khi đã bỏ ra ngoài nên được chế biến và ăn hết trong bữa. Bạn không nên tiếp tục bảo quản và ăn phần thịt này nữa. Khi thịt được bỏ ra môi trường bên ngoài nhiều lần, vi khuẩn phát triển mạnh hơn và từ đó không còn an toàn.

Cách bảo quản thịt chín trong tủ lạnh

Bạn nên chia nhỏ các phần thịt và cho vào hộp nhựa hoặc thuỷ tinh để bảo quản. Để tránh xa khu thực phẩm sống hoặc rau củ chưa rửa sạch để tránh nhiễm khuẩn chéo.

2. Bánh chưng bị mốc

Bánh chưng có thể để được 2-3 ngày ở nhiệt độ phòng (20 độ C). Nếu thời tiết lạnh hơn dưới 20 độ C, bánh chưng có thể để được khoảng 1 tuần. Sau thời gian này, bánh chưng bị cứng hoặc để lâu ngày hơn và bảo quản không đúng cách có thể bị mốc.

Bánh chưng mốc thường chứa các loại nấm như glucoza, mantoza,... Nấm mốc sản sinh ra các độc tố có thể gây ra các vấn đề sức khỏe như dị ứng, rối loạn tiêu hóa, và đặc biệt là aflatoxin, một loại độc tố có thể gây ung thư. Do đó, bạn nên vứt bỏ ngay bánh chưng hoặc bất kể loại thực phẩm nào bị mốc.

3 thực phẩm còn tồn đọng sau Tết không nên ăn để tránh gây hại cho sức khoẻ- Ảnh 2.

Ăn bánh chưng mốc có thể gây rối loạn tiêu hoá (Ảnh: ST)

Bánh chưng mốc một phần, cắt bỏ ăn được không?

Bánh chưng dù bị mốc một phần thì khả năng nấm mốc cũng có thể đã xâm nhập vào phần chưa hỏng. Điều này vẫn có thể gây ngộ độc thực phẩm hoặc dị ứng. Do đó, nếu thấy bánh chưng có mùi vị lạ như chua hay cay, bánh nhớt, có phần bị mốc thì bạn nên vứt bỏ ngay.

Cách bảo quản bánh chưng lâu ngày

Để bảo quản bánh chưng lâu ngày, bạn nên bọc bánh chưng kín trong túi nilon và hút chân không. Sau đó, để ở ngăn mát tủ lạnh (để được trong khoảng 1 tuần) hoặc để lên ngăn đá (để được khoảng 1-2 tháng).

3. Rau củ héo và mọc mầm

Việc tích trữ rau củ trong dịp lễ Tết là thói quen của nhiều người. Tuy nhiên, sau dịp Tết, nếu thấy rau củ bị héo và mọc mầm, bạn không nên tiết kiệm và tận dụng loại thực phẩm này.

Thứ nhất, rau củ héo thường bị mất nước và nhiều chất dinh dưỡng, do đó ăn rau củ này thường sẽ không có nhiều lợi ích đối với sức khoẻ. Hơn nữa, khi rau củ bị héo và để ở môi trường không an toàn, vi khuẩn có thể xâm nhập và bắt đầu gây thối rữa rau củ.

Thứ hai, một số loại rau củ mọc mầm có thể gây hại cho sức khoẻ. Chẳng hạn như khoai tây mọc mầm có chứa hàm lượng glycoalkaloid cao. Nếu ăn quá nhiều thì có thể gây nôn mửa, tiêu chảy và đau bụng, nghiêm trọng hơn có thể gây huyết áp thấp, mạch nhanh, sốt, đau đầu, lú lẫn.

Dấu hiệu ngộ độc thực phẩm

Nếu ăn phải thực phẩm quá hạn, nhiễm khuẩn, bạn có thể bị ngộ độc thực phẩm với các triệu chứng:

- Tiêu chảy

- Đau bụng

- Buồn nôn hoặc nôn

- Sốt

Nếu thấy các triệu chứng như tiêu chảy hơn 3 ngày hoặc ra máu, sốt cao, nôn thường xuyên đến mức không thể giữ nước và các dấu hiệu mất nước thì bạn nên đến bệnh viện ngay để được chăm sóc y tế kịp thời.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm