pnvnonline@phunuvietnam.vn
2 kiểu bảo quản thịt, cá trong tủ lạnh dễ sinh chất gây ung thư
Vào mùa hè, không khí nóng bức khó chịu khiến thời gian bảo quản thực phẩm cũng ngắn lại. Lúc này, tủ lạnh càng phát huy vai trò của mình trong việc giữ thực phẩm luôn tươi ngon. Mặc dù vậy, nhiều chị em vẫn phạm phải sai lầm, nhất là trong bảo quản thịt, cá trong tủ lạnh khiến đồ ăn mất chất, thậm chí dễ nhiễm khuẩn, sản sinh chất gây ung thư.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), vào mùa hè, nhiều bà nội trợ thường mắc phải 2 sai lầm dưới đây khiến đồ ăn mất chất, nhanh hỏng, thậm chí dễ gây ung thư.
2 kiểu bảo quản thịt, cá trong tủ lạnh rất phổ biến vào mùa hè dễ sinh chất gây ung thư
1. Để thịt, cá sống ở ngăn mát tủ lạnh quá lâu
Tủ lạnh là nơi bảo quản thực phẩm lý tưởng, giúp thịt, cá luôn tươi sống. Thế nhưng, bảo quản thịt, cá ở ngăn mát tủ lạnh kéo dài lại không phải ý tưởng hay.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, vào mùa hè oi bức, nhất là những ngày thời tiết nắng nóng đỉnh điểm như hiện nay, bạn cất thịt, cá trong ngăn mát tủ lạnh kéo dài thì không đảm bảo chất lượng.
Nhiều người cho rằng, nhiệt độ ở ngăn mát tủ lạnh đủ để bảo quản thịt, cá sống trong vòng vài ngày. Tuy nhiên, vào mùa hè, thời tiết vốn nóng hơn những mùa khác, bảo quản thịt, cá sống chưa dùng luôn bằng cách này rất khó kiểm định chất lượng. Nguy cơ bạn ăn phải thịt, cá mất chất, thậm chí nhiễm khuẩn là điều khó tránh.
Chuyên gia cũng khuyến cáo, thời gian bảo quản thịt, cá trong ngăn mát tủ lạnh không được kéo dài quá 1 ngày, chỉ nên để từ 8-24 giờ. Quá thời gian này, cộng với thời tiết mùa hè, những món thịt, cá tươi sống của bạn vừa mất chất vừa dễ sinh sôi vi khuẩn gây bệnh dù để trong tủ lạnh.
2. Rã đông thịt, cá nhiều lần
Nhiều chị em thường có thói quen mang thịt, cá ra rã đông để chế biến món ăn nhưng nhận thấy ăn không hết, thế là lại gói vào trữ đông tiếp. Vào những bữa sau, chị em tiếp tục rã đông để nấu ăn và có khi lại tiếp tục đem cấp đông lượng thịt, cá thừa... Vòng tròn này cứ quay đều cho đến khi thịt, cá được đem ra nấu hết.
Chúng ta làm vậy vì tâm lý tiếc của nhưng thói quen này thực sự không tốt cho sức khỏe. Việc rã đông thực phẩm nhiều lần sẽ làm đồ ăn mất chất dinh dưỡng. Đặc biệt, trong quá trình rã đông sẽ làm thức ăn biến tính, sản sinh vi khuẩn. Mỗi lần như vậy, vi khuẩn lại sinh sôi, phát triển, món thịt, cá của bạn sẽ mất chất, thậm chí sản sinh chất gây ung thư.
Do đó, chuyên gia khuyên nên chia nhỏ những phần thịt, cá trước khi đem vào tủ cấp đông. Đến bữa ăn, bạn lấy ra đủ lượng thịt, cá gia đình cần sẽ vừa đảm bảo dinh dưỡng vừa tránh nguy cơ nạp chất độc, chất gây ung thư vào cơ thể.
Bảo quản thịt trong tủ lạnh đúng cách cần ghi nhớ những điều quan trọng!
- Dù cất thịt sống vào ngăn mát hay ngăn đá trong tủ lạnh đều phải bọc thịt thật kỹ để giữ được độ tươi ngon và bảo vệ thịt không bị lây nhiễm vi khuẩn gây bệnh.
- Khi để thịt trong ngăn mát, cần giữ nhiệt độ trong tủ khoảng 2 độ C.
- Đối với ngăn đông, nhiệt độ phải xấp xỉ mức -25 độ C.
- Đối với thịt đã nấu chín nếu muốn dự trữ thì nên cho vào các hộp đựng nhỏ và đậy kín nắp.
- Không đặt những hộp đựng thịt chín gần với những phần thịt sống để ngăn ngừa sự lây nhiễm vi khuẩn.
- Kể cả thịt chín hay sống, để ngăn mát hay đá thì chỉ nên giữ trong thời gian nhất định. Tốt nhất chỉ nên ăn trong vòng 1 tuần để đảm bảo thịt tươi ngon, dinh dưỡng và tránh mắc bệnh.
- Nếu cho thịt vào ngăn đá cần bọc kín thịt nhiều lớp để ngăn cho chúng không bị đông cứng quá mức, mất nước và thay đổi màu sắc, mùi vị. Khi bọc thịt, cần chú ý bọc thật chặt để tránh không khí lọt vào bên trong, để thịt không có nhiều lớp đá bám vào.