2 trẻ tử vong do nhiễm liên cầu khuẩn nguy hiểm

02/03/2017 - 17:48
2 học sinh tử vong và 18 em khác ở Nghệ An phải nhập viện cấp cứu vì bệnh viêm cầu thận cấp là do nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A. Đây là tác nhân gây bệnh nguy hiểm, vì có thể dẫn tới tử vong.
Ngày 2/3, Sở Y tế Nghệ An cho biết, kết quả xét nghiệm các mẫu máu của các học sinh bị viêm cầu thận cấp (VCTC) ở xã Hạnh Dịch (huyện Quế Phong, Nghệ An) là do nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A.

Theo đó, Đoàn công tác của Viện Vệ sinh Dịch tễ TƯ đã lấy 8 mẫu máu của những người nghi nhiễm VCTC để xét nghiệm. Kết quả cho thấy, đã có 6 mẫu dương tính với kháng thể kháng liên cầu khuẩn nhóm A.

Trước đó, đoàn công tác của Sở Y tế Nghệ An cũng đã lấy mẫu máu 10 bệnh nhân ở xã Hạnh Dịch để xét nghiệm và cho kết quả 5/10 mẫu máu dương tính với xét nghiệm ASLO (xét nghiệm huyết thanh định lượng kháng thể kháng liên cầu khuẩn). Vì vậy, Sở Y tế Nghệ An nghi ngờ các bệnh nhân bị VCTC do nhiễm liên cầu khuẩn.
a2-kham-benh-hanh-dich-que-phong-1488435775.jpg
Các bác sĩ khám cho trẻ em tại huyện Quế Phong
Hiện cơ quan chức năng cũng đang xét nghiệm các mẫu nước trên địa bàn xã Hạnh Dịch để xác định có độc tố hay không. Dự kiến, trong vài ngày tới sẽ có kết quả xét nghiệm trên.  

Trước đó, như PNVN đã thông tin, trên địa bàn xã Hạnh Dịch, cơ quan chức năng đã phát hiện 20 học sinh nghi bị VCTC. Trong đó, 2 em đã tử vong và 18 em khác vẫn đang trong quá trình theo dõi sức khỏe. Hầu hết bệnh nhân có triệu chứng phù, tiểu tiện ít, nước tiểu sẫm màu. Phía hội đồng chuyên môn của Sở Y tế Nghệ An nghi các bệnh nhân bị VCTC do liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A.

Theo các bác sĩ, VCTC là hội chứng tổn thương viêm các cầu thận của cả 2 thận. Bệnh thường gặp ở trẻ em nhưng chủ yếu là trẻ từ 5 đến 15 tuổi. Bệnh có thể do nhiễm khuẩn hoặc không nhưng thường gặp nhất là VCTC sau nhiễm liên cầu khuẩn, ngoài ra có thể do nhiễm tụ cầu, phế cầu.

Bệnh thường khởi phát đột ngột, triệu chứng rầm rộ và điển hình. Bệnh nhân có biểu hiện sốt, viêm họng, viêm da hoặc mệt mỏi chán ăn, phù mềm, tiểu ít, tiểu ra máu, tăng huyết áp. Một số trường hợp nặng có thể xuất hiện phù toàn thân gây tràn dịch màng phổi, màng bụng, phù phổi cấp, phù não dẫn đến tử vong.

Nếu phát hiện và điều trị sớm VCTC thì tỉ lệ chữa khỏi lên đến trên 90%. Tuy nhiên, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời thì có thể gây ra biến chứng, thậm chí tử vong.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm