Những ca được chẩn đoán ho gà chưa tiêm vaccine phòng bệnh hoặc chưa đến tuổi tiêm vaccine. Trên thực tế, bệnh ho gà vẫn xuất hiện rải rác trong năm, tuy nhiên thời điểm này số ca nhập viện được chẩn đoán mắc ho gà gia tăng vào một thời điểm. Điều đáng nói, đa số những ca mắc ho gà phải nhập viện đều trong tình trạng nặng có biến chứng viêm phổi, thậm chí nhiều trẻ phải hỗ trợ thở máy.
Có những trường hợp dưới 2 tháng tuổi có biểu hiện ho nhưng gia đình không nghĩ tới ho gà mà nghĩ con bị sốt, viêm họng. Chỉ khi con không ho bình thường mà xuất hiện từng cơn rũ rượi, tiếng thở rít mới cho trẻ đi khám. Khi vào viện trẻ có biểu hiện tím tái, thỉnh thoảng có cơn ngừng thở người. Qua thăm khám và chụp X quang phổi, các bác sĩ nhận thấy trẻ có bội nhiễm viêm phế quản, xét nghiệm máu thấy bạch cầu tăng cao, xét nghiệm dịch mũi họng cho kết quả dương tính với vi khuẩn ho gà.
Một ca mắc ho gà nặng được các bác sĩ BV Nhi TƯ cứu sống |
Cũng theo PGS.TS Trần Minh Điển, ho gà là một bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính do vi khuẩn ho gà (Bordetella pertusis) gây ra, có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong và có thể gây thành dịch, nhất là thời tiết hiện nay rất thuận lợi cho bệnh ho gà xuất hiện. Bệnh ho gà có thể gây biến chứng nghiêm trọng cho trẻ sơ sinh, trẻ em và có thể có cả người lớn khi chưa có miễn dịch chống lại bệnh. Các triệu chứng của bệnh ho gà thường xuất hiện trong vòng 5-7 ngày sau khi phơi nhiễm, nhưng đôi khi thời kỳ ủ bệnh kéo dài 3 tuần. Bệnh thường khởi phát bởi triệu chứng giống như cảm lạnh, có những cơn ho nhẹ, sau đó trẻ bắt đầu ho nhiều hơn và chảy nước mũi và có thể có sốt nhẹ. Sau 1-2 tuần, bắt đầu ho nhiều hơn.
Cần lưu ý là ở trẻ sơ sinh, lại chưa đến tuổi tiêm phòng, ho rất ít xuất hiện hoặc thậm chí không ho nhưng có thể có hiện tượng ngừng thở tạm thời trong một thời gian ngắn. Vì vậy, đây là hiện tượng hết sức nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh khi ho gà, do đó, nếu nghi ngờ hoặc biết trẻ sơ sinh bị ho gà cần phải cho trẻ nhập viện càng sớm càng tốt, nếu không sẽ xảy ra biến chứng nguy hiểm.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, suốt thời gian dài ghi nhận số ca mắc ho gà không nhiều. Đó là do có sự “can thiệp” của vaccine. Hiện nay, tiêm vaccine là cách phòng bệnh ho gà hiệu quả nhất. Trẻ em cần được tiêm đầy đủ 3 mũi vaccine 5 trong 1 phòng bệnh ho gà theo đúng độ tuổi. Ngoài ra, để phòng các bệnh hô hấp cho trẻ, nên tránh cho trẻ tiếp xúc với những đối tượng nghi ngờ mắc bệnh. Khi chăm sóc, tiếp xúc gần với trẻ người lớn cần thường xuyên rửa tay xà phòng, vệ sinh răng miệng, mũi họng để phòng nguy cơ lây truyền bệnh hô hấp cho trẻ.