20 năm đồng hành cùng doanh nhân nữ Việt Nam

Ngự Bình
18/05/2021 - 08:36
20 năm đồng hành cùng doanh nhân nữ Việt Nam

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh - Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam

Suốt 2 thập kỷ qua, Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam luôn hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi của các doanh nhân nữ; doanh nghiệp, tổ chức của doanh nghiệp do nữ làm chủ; hỗ trợ xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa và thực hiện bình đẳng giới trong doanh nghiệp. Đặc biệt, vai trò của Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam hỗ trợ các doanh nghiệp nữ bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong đại dịch Covid-19.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh - Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam - đã chia sẻ với PNVN về sự phát triển không ngừng của đội ngũ doanh nhân nữ.

PV: Xin bà cho biết vai trò của Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam đối với sự phát triển của các doanh nghiệp và doanh nhân nữ trong 2 thập niên qua kể từ khi Hội đồng được thành lập?

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh: Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam được thành lập ngày 8/5/2001 thuộc Ban Chấp hành Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI). Hội đồng có chức năng Đại diện nhằm hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của các doanh nhân nữ; doanh nghiệp, tổ chức của doanh nghiệp do nữ làm chủ. Hội đồng hỗ trợ xúc tiến các hoạt động thương mại, đầu tư, chuyển giao công nghệ trong nước và quốc tế cho các doanh nhân nữ; hỗ trợ xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa và thực hiện bình đẳng giới trong doanh nghiệp.

 Doanh nhân nữ - Việt Nam

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh - Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam

Hội đồng đã trải qua 20 năm hình thành, phát triển và đồng hành cùng cộng đồng doanh nhân nữ Việt Nam với sự dẫn dắt của 3 Chủ tịch: Bà Hoàng Thị Dương Hà, Bà Trần Thị Thủy, Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh. Hội đồng đã không ngừng lớn mạnh, khẳng định được vị thế và uy tín ở trong nước, khu vực và quốc tế. Là tổ chức ra đời sớm nhất, Hội đồng đại diện cho cộng đồng doanh nhân nữ Việt Nam với sứ mệnh "Kết nối các doanh nhân nữ Việt". Hội đồng đã nỗ lực, đưa ra nhiều sáng kiến, tổ chức, triển khai các hoạt động thiết thực hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp thông qua các lĩnh vực: Vận động chính sách; Xúc tiến thương mại và đầu tư; Đào tạo nâng cao năng lực hội viên; Kết nối kinh doanh; Hỗ trợ xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu doanh nhân…

Nhiều hoạt động đã để lại những dấu ấn quan trọng tại Việt Nam, khu vực và quốc tế, trở thành "thương hiệu" của Hội đồng như tôn vinh Danh hiệu "Nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu" - Cúp Bông Hồng Vàng. Hội đồng đã tổ chức Đoàn doanh nhân nữ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu; Diễn đàn Doanh nhân nữ Việt Nam; Diễn đàn/Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nhân nữ ASEAN; Diễn đàn Doanh nhân nữ APEC. Ngoài ra, Hội đồng đã sáng lập, điều phối và cố vấn cho hoạt động của Nhóm công tác hỗ trợ phụ nữ làm kinh tế (GED) giai đoạn 2012 - 2014, Mạng Doanh nhân nữ ASEAN (AWEN) từ năm 2014 đến nay…

Với sự cống hiến và thành tích đã đạt được, Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam đã thực sự trở thành ngôi nhà chung của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân nữ Việt Nam. Hội đồng được cộng đồng doanh nhân nữ tin yêu, khẳng định được thương hiệu và vị thế của mình trong nước và quốc tế.

PV: Bà từng chia sẻ rằng "đầu tư cho phụ nữ là chìa khóa cho sự thịnh vượng của mỗi quốc gia". Bà có thể nói rõ hơn về điều này?

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh: Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (SDG5) vừa là mục tiêu, vừa là một phần giải pháp để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững khác của Liên hợp quốc. Bình đẳng giới là một động lực góp phần vào sự thịnh vượng của mỗi quốc gia. Thực tế cho thấy, những quốc gia có tỷ lệ bình đẳng giới cao hơn sẽ có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh hơn và năng lực cạnh tranh cao hơn. Nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng sẽ không thể phát triển bền vững nếu thiếu đi sự tham gia tích cực, đầy trách nhiệm và sáng tạo của phụ nữ. Thúc đẩy cơ hội việc làm, cống hiến và thăng tiến của phụ nữ và nam giới trong cộng đồng, nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng sẽ khai thác được tiềm năng, thế mạnh của mỗi giới. Đó chính là sự bổ sung hoàn hảo, là một trong những động lực quan trọng để đạt được sự thịnh vượng và phát triển bền vững của mỗi quốc gia và mỗi doanh nghiệp.

Nhiều báo cáo của các tổ chức quốc tế cũng đã nhận định vai trò quan trọng của phụ nữ trong các nền kinh tế. Theo báo cáo "Sức mua - Buying power" của công ty nghiên cứu Catalyst công bố năm 2020, phụ nữ kiểm soát hơn 31,8 nghìn tỷ USD trong chi tiêu toàn cầu. Nghiên cứu năm 2019 của McKinsey chỉ ra rằng trong 1/4 các công ty đứng đầu về đa dạng giới trong đội ngũ điều hành, có khoảng 25% trong số đó có khả năng đạt lợi nhuận bình quân cao hơn so với các công ty ở nhóm 1/4 cuối.

20 năm đồng hành cùng doanh nhân nữ Việt Nam - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh (áo dài xanh) cùng các doanh nhân nữ tại "Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nhân nữ ASEAN: Thay đổi vì một cộng đồng Doanh nhân nữ mạnh mẽ và thích ứng hơn” diễn ra tại Hà Nội ngày 9/11/2020

Có thể thấy rằng, phụ nữ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế và xã hội của đất nước, đầu tư cho phụ nữ là đầu tư cho hiện tại và tương lai một cách có trách nhiệm với quá khứ. "Đầu tư cho phụ nữ" là đầu tư thông minh. Một quốc gia phát triển kinh tế theo định hướng bền vững và nhân văn chắc chắn sẽ thịnh vượng.

PV: Theo nhìn nhận của bà, nữ doanh nhân Việt Nam đã được tạo điều kiện để có thể phát huy khả năng và không bị phân biệt đối xử?

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh: Việt Nam đã tham gia các cam kết quốc tế về bình đẳng giới. Việt Nam đã ban hành Luật Bình đẳng giới năm 2006; Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 và giai đoạn 2021-2030… nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, lao động, giáo dục, y tế cũng như thúc đẩy bình đẳng giới trong gia đình, các dòng họ và cộng đồng.

Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở do Tổng cục Thống kê tiến hành năm 2019, Phụ nữ chiếm 50,2% dân số, 49% lực lượng lao động (tương đương với nam giới). Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2020, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ là 68,7%. Tỷ lệ này cao hơn hẳn so với phần lớn các quốc gia trên thế giới (trung bình là 38,8%). Kết quả điều tra doanh nghiệp dân doanh của VCCI những năm gần đây, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có xu hướng gia tăng theo thời gian. Tỷ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ tăng từ 4% năm 2009, đến tháng 9/2019 tỷ lệ này chiếm 24% tổng số doanh nghiệp cả nước. 

Sự phát triển không ngừng về cả số lượng và chất lượng của đội ngũ doanh nhân nữ Việt Nam đã minh chứng cho đường lối chỉ đạo đúng đắn của Đảng, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự đồng hành hỗ trợ của VCCI và hệ thống các Hiệp hội. Nữ doanh nhân là người dân tộc thiểu số tăng, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số được phát huy. Đã có nữ doanh nhân Việt Nam được bình chọn trong TOP 100 tỷ phú thế giới, TOP 50 phụ nữ quyền lực châu Á. Nhiều chị đạt danh hiệu Nữ doanh nhân ASEAN tiêu biểu, Nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu - Cúp Bông Hồng Vàng…


Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm