'200 người tử vong do vaccine ngừa ung thư cổ tử cung' gây hoang mang

14/07/2016 - 11:47
Một thống kê tại Mỹ về việc xuất hiện hơn 35.000 phản ứng phụ, trong đó 200 trường hợp tử vong sau khi tiêm vaccine ngừa virus HPV khiến dư luận hoang mang. Các cơ quan chức năng tại Việt Nam đang thu thập thông tin để sớm có khuyến cáo cho người sử dụng.
Trên nhiều trang mạng quốc tế đưa ra thông tin, một thống kê gần đây tại Mỹ cho thấy, khi tiêm vaccine ngừa virus HPV (Human Papilloma Virus - virus gây u nhú ở người, trong đó có ung thư cổ tử cung), đã xuất hiện hơn 35.000 phản ứng phụ, trong đó 200 trường hợp tử vong đã được báo cáo cho chính phủ vào giữa tháng 3/2015.

Tính đến tháng 3/2013, Mỹ phải chi gần 6 triệu USD bồi thường cho 49 nạn nhân của vaccine HPV. Tuy nhiên, báo cáo mới nhất của Hiệp hội sản phụ khoa Mỹ khẳng định, đã có hơn 80 triệu liều HPV được tiêm và chưa ghi nhận tác dụng phụ, chỉ có tác dụng nhẹ như sưng hay đỏ chỗ tiêm và tự hết. Chưa ghi nhận có ca tử vong nào do tiêm vaccine HPV tại nước này.

Thông tin trên nhiều nhiều người dân, đặc biệt là phụ nữ ở nước ta quan tâm, lo lắng.

Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), tại Việt Nam, mới ghi nhận một trường hợp phản ứng nặng sau tiêm vaccine Cervarix, nhưng không liên quan đến tiêm chủng. Đó là nữ bệnh nhân 18 tuổi ở TP.HCM, xảy ra vào tháng 6/2103. Sau tiêm vaccine Cervarix mũi thứ hai, bệnh nhân có dấu hiệu mệt mỏi, bỏ ăn và tử vong sau đó. Vaccine Cervarix được chỉ định dùng cho nữ giới từ 10 tuổi trở lên đến 25 tuổi để phòng ngừa ung thư cổ tử cung (ung thư tế bào vảy và ung thư biểu mô tuyến).
1467970185-vx.jpg
Thông tin vaccine phòng ngừa ung thư cổ tử cung gây phản ứng, khiến nhều người lo lắng
Theo thống kê của ngành y tế, mỗi năm Việt Nam sử dụng hơn 40.000 liều vaccine phòng ngừa ung thư cổ tử cung theo hình thức tiêm chủng dịch vụ. Giai đoạn 2008 - 2011, Viện Vệ sinh Dịch tễ TƯ triển khai tiêm vaccine ngừa ung thư cổ tử cung Gardasil cho khoảng 9.500 bé gái 11 tuổi tại 4 huyện ở Cần Thơ và Thanh Hóa. Trong đó chỉ ghi nhận khoảng 1% có phản ứng nhẹ sau tiêm, chủ yếu là nhức đầu, chóng mặt sau đó tự khỏi và không ghi nhận trường hợp nào phản ứng nặng sau tiêm.
 
Đại diện Bộ Y tế cho biết, vaccine ung thư cổ tử cung tại Việt Nam đang tiêm ở dưới dạng dịch vụ, chưa có đánh giá hiệu quả tổng thể. Tuy nhiên, trước những thông tin trên các trang mạng, hiện Bộ Y tế chưa thể đánh giá cụ thể, vì cần phải có trao đổi với các tổ chức trên thế giới.
 
TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cho biết, bản thân ông chưa nhận được thông tin chính thống về vaccine ung thư cổ tử cung có nhiều tác dụng không được như mong muốn từ nhà sản xuất, cung ứng, Tổ chức Y tế Thế giới hay Bộ Y tế. Tuy nhiên, ít có khả năng xảy ra bởi vaccine nói chung và vaccine ung thư cổ tử cung nói riêng trước khi đưa ra sử dụng đã phải tiến hành nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng trong một thời gian dài. Vaccine ung thư cổ tử cung đã đưa vào sử dụng hàng chục năm nay.

Bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản TP.HCM cũng cho rằng, theo đánh giá của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) sau 10 năm sử dụng, vaccine HPV là an toàn.

Nghi ngờ khả năng loại bỏ hoàn toàn ung thư cổ tử cung
 
Quay lại thời điểm cách đây 8 năm, khi vaccine ngừa ung thư cổ tử cung của Merck & Co. (Mỹ) được Bộ Y tế Việt Nam cấp phép, một số thông tin đã được đưa ra. Đó là Gardasil được cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho lưu hành từ tháng 6/2006, giúp phòng ngừa 4 tuýp HPV là 16, 18, 6, 11. Hai tuýp đầu gây ung thư cổ tử cung, hai tuýp sau gây bệnh mồng gà. Dù nhà sản xuất công bố hiệu quả vaccine tốt đẹp đến mấy, dưới mắt các chuyên gia, Gardasil chỉ làm giảm chứ không loại bỏ hoàn toàn được nguy cơ ung thư cổ tử cung vì hai tuýp 16, 18 chỉ gây bệnh cho khoảng 70% trường hợp ung thư cổ tử cung”.

Theo cảnh báo, HPV có khoảng 120 tuýp khác nhau, trong đó có 30 – 40 tuýp liên quan đến tổn thương đường sinh dục. Nhiễm HPV tuýp 16, 18 là một trong những nguyên nhân thường gặp gây ung thư và các tổn thương tiền ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo.

Nhiễm HPV tuýp 6, 11 dễ gây mụn cóc sinh dục. Vaccine phòng ngừa ung thư cổ tử cung chủ yếu phòng ngừa nhiễm HPV dễ gây ung thư cổ tử cung (tuýp 16, 18), có loại vaccine phòng ngừa cả mụn cóc sinh dục (tuýp 6, 11). HPV chủ yếu lây truyền qua đường tình dục, do vậy, để việc phòng ngừa có hiệu quả cao nên tiêm ngừa trên những người chưa quan hệ tình dục. Tiêm ngừa HPV thường quy được khuyến cáo cho bé gái 11-12 tuổi, tuy nhiên có thể tiêm từ 9 - 18 tuổi chưa quan hệ tình dục.

Bộ Y tế đã cấp phép cho 2 loại vaccine ung thư cổ tử cung tại Việt Nam: Vaccine ngừa HPV Cervarix của GlaxoSmithKline và Gardasil của Merck. Từ khi tiến hành tiêm vaccine ung thư cổ tử cung, Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội chưa ghi nhận trường hợp nào phản ứng mạnh. Đến nay, vaccine này vẫn được sử dụng tiêm dưới hình thức dịch vụ tại trung tâm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm