Sốc vì ung thư cổ tử cung

04/08/2015 - 17:11
“Các xét nghiệm cho ra kết quả dương tính với ung thư cổ tử cung khiến tôi vô cùng hoang mang. Nhưng phải lựa chọn giữa thai nhi 6 tuần tuổi và mạng sống của mình mới thực sự là quyết định khó khăn nhất”,

Chị Ngô Thị Mộng (29 tuổi), quê Vĩnh Long, tâm sự trong nước mắt 

Tại khoa Xạ 2, Bệnh viện Ung Bướu TPHCM, chị Mộng nhìn về phía chiếc tủ ở góc giường, nơi có bức hình cô con gái trong bộ đồng phục lớp 4 đang nở nụ cười tươi. Chị bắt đầu câu chuyện bằng cách kể về con: “Những ngày này bé đã được nghỉ hè, ở nhà với ông bà nội nhưng thỉnh thoảng bé mới theo ba vào thăm mẹ vì tôi sợ không khí trong bệnh viện không tốt cho bé. Năm nào bé cũng được học sinh giỏi, năm nào cũng đòi ba mẹ đưa đi sở thú chơi mỗi khi đến hè, nhưng năm nay thì không ai đưa bé đi cả”.

Từ Vĩnh Long lên TPHCM làm công nhân may tại Bình Chánh và quyết định kết hôn khi vừa bước sang tuổi 19, chị Mộng nhanh chóng sinh một bé gái đầu lòng xinh xắn. Để không bị “vỡ kế hoạch” và có nhiều thời gian cũng như điều kiện tốt nhất chăm sóc con, chị Mộng quyết định đi đặt vòng tránh thai khi con gái vừa tròn 1 tháng.

Chị kể: “Vợ chồng tôi đều là công nhân có thâm niên lâu năm nên thu nhập cũng không đến nỗi nào. Cộng hết các khoản và chịu khó tăng ca thì cũng được khoảng 10 triệu đồng/tháng. Không phải thuê nhà, cơm nước có mẹ chồng lo nên 2 vợ chồng cũng để dư được chút đỉnh, dự phòng cho kế hoạch sinh bé thứ 2. Tôi định sẽ đi tháo vòng khi bé lớn vào lớp 1, nhưng chưa kịp thì điều không tin được đã xảy ra. Tôi có bầu sau 5 năm đặt vòng, đi khám bác sĩ nói đã “dính” bầu ngoài tử cung và cách duy nhất là phải “giải quyết”. Xót xa lắm nhưng cũng đành chấp nhận”.

Cuộc sống cứ thế trôi đi, nỗi ám ảnh cũng nguôi ngoai dần nhưng: “Từ khi đặt vòng lần 2, tôi hay bị rối loạn kinh. Nghĩ chắc cũng chẳng có gì nghiêm trọng. Tới khi thấy trễ gần 1 tháng, đi kiểm tra, tôi mới phát hiện có bầu được gần 6 tuần, nhưng nghiêm trọng hơn lần trước vì xuất hiện khối u. Gia đình đưa tôi nhập Bệnh viện Hùng Vương, qua các xét nghiệm cho thấy tôi bị ung thư cổ tử cung và buộc phải lựa chọn hoặc là tính mạng của mình hoặc là thai nhi. Bác sĩ tư vấn, rồi gia đình động viên, cuối cùng tôi không còn sự lựa chọn nào khác…”, chị Mộng đưa tay quệt ngang giọt nước mắt đang lăn dài.

 “Không có triệu chứng gì”

Kể về triệu chứng khác thường diễn ra trong những ngày trước khi nhập viện, chị Mộng quả quyết: “Ngoài việc kinh không đều thì tôi không thấy triệu chứng gì cả. Tới khi đi khám và siêu âm thì đã xuất hiện khối u nằm che cả thai. Vô Bệnh viện Hùng Vương khoảng 1,5 tháng để làm xét nghiệm và phẫu thuật bỏ thai nhi, sau đó tôi được bác sĩ chỉ định nhập Bệnh viện Ung Bướu để điều trị ung thư cổ tử cung. Sinh ra ở quê, tới khi lấy chồng, sinh con thì cuộc sống cũng còn vất vả nên tôi không có điều kiện để tìm hiểu về những bệnh như thế này. Nói ra thì người ta chê mình thiếu hiểu biết chứ kỳ thực từ xưa tới giờ, tôi chưa từng nghe nói về loại bệnh này, cho tới khi bác sĩ đưa ra kết quả thì mới biết đến bệnh ung thư cổ tử cung”.

Chia sẻ về điều này, bác sĩ Lưu Văn Minh, Trưởng khoa Xạ 2, Bệnh viện Ung Bướu TPHCM, cho biết: “Trước đây người ta chỉ biết tới một số nguy cơ dẫn đến Ung thư cổ tử cung nhưng hiện nay y học đã xác định được nguyên nhân chủ yếu gây nên bệnh này là do virus HPV (Human Papilloma Virus), một loại virus sinh bệnh u nhú ở người. Týp thường gặp là 16, 18, 31, 33, 45, chiếm tới 90% nguyên nhân gây ra ung thư cổ tử cung. So với trước đây thì số lượng phụ nữ bị ung thư cổ tử cung có giảm do tần soát phát hiện sớm. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mỗi năm, Việt Nam có khoảng 8.000 trường hợp mới, trong đó, tại Bệnh viện Ung Bướu TPHCM chúng tôi tiếp nhận và điều trị khoảng 2.000 trường hợp/năm. Bệnh phát triển rất nhanh, song ở giai đoạn 1 (tiền ung thư), bệnh không có triệu chứng gì”.

Cũng theo bác sĩ Minh, khi bệnh đã phát triển đến giai đoạn xâm lấn thì triệu chứng thường gặp là: Xuất huyết âm đạo bất thường như: Rong kinh, rong huyết, xuất huyết âm đạo khi giao hợp…; Huyết trắng âm đạo bất thường; Đau nặng vùng bụng dưới. Bệnh ở giai đoạn 1 và 2 còn có thể phẫu thuật được và cho kết quả khoảng trên 90%, tuy nhiên nếu ở giai đoạn 3 và 4 thì kết quả rất xấu, tỉ lệ tử vong khoảng trên dưới 50%.


Bác sĩ Lưu Văn Minh, Trưởng khoa Xạ 2, Bệnh viện Ung Bướu TPHCM

Để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung, đối với phụ nữ khi đã quan hệ tình dục, chị em nên khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần. Nên tiêm ngừa vaccine chống ung thư cổ tử cung trong độ tuổi quy đinh (9-26 tuổi) và nếu có các dấu hiệu bất thường thì phải đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán, xét nghiệm.

Hiện nay, đối với bệnh nhân ở giai đoạn xâm lấn 1 - 2 thì phương pháp điều trị tốt nhất là xạ trị trong tiền phẫu (trước mổ) để dọn đường cho phẫu thuật cắt tử cung. Còn đối với giai đoạn trễ hơn (3 - 4) thì chỉ có cách xạ trị toàn phần, có thể kết hợp hóa trị. Đối với giai đoạn tiền xâm lấn, phụ nữ vẫn có thể mang thai bình thường như những phụ nữ khác, còn đối với các giai đoạn nặng hơn thì chị em không còn khả năng mang thai. Chi phí điều trị khoảng trên dưới 10 triệu đồng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm