pnvnonline@phunuvietnam.vn
20.000 hộ gia đình xây dựng nhà vệ sinh có chỗ rửa tay với xà phòng
Bà Tôn Ngọc Hạnh - Ủy viên Dự khuyết TW Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam phát biểu tại Hội nghị
Trải qua hơn 4 năm thực hiện, hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá kết quả đạt được, chia sẻ kinh nghiệm và tham luận về những giải pháp duy trì tính bền vững của dự án. Hội nghị cũng biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong quá trình thực hiện. Đồng thời, Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ và Trung ương Hội LHPN Việt Nam tri ân tới các đối tác đã đồng hành hoàn thành dự án.
Từ năm 2018 đến 2022, với nguồn viện trợ từ Bộ Ngoại giao và Thương mại chính phủ Úc (DFAT) thông qua dự án "Quỹ Nước sạch cho Phụ nữ", Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ, các đối tác trung ương và địa phương thực hiện Dự án WOBA tại 5 tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Bến Tre. Mục tiêu chính của dự án gồm cải thiện sức khoẻ cộng đồng và bình đẳng giới, hòa nhập xã hội thông qua hỗ trợ dựa trên kết quả cho các hộ nghèo, cận nghèo và hộ yếu thế được tiếp cận nhà tiêu hợp vệ sinh, dịch vụ nước sạch tại vùng nông thôn Việt Nam, đồng thời tăng cường việc trao quyền cho phụ nữ trong quá trình thực hiện dự án. Dự án gồm 2 hợp phần: Vệ sinh và nước sạch.
"Tiếp cận với dịch vụ về nước sạch và vệ sinh môi trường, điều kiện chăm sóc y tế phù hợp và nền giáo dục tốt cho các cộng đồng, nhất là các cộng đồng ở vùng nông thôn, bao gồm những người yếu thế đó những yếu tố cơ bản của cuộc sống thông thường, đó cũng chính là giá trị cốt lõi, là sứ mệnh của dự án WOBA. Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ rất vinh dự khi được chung tay cùng các đối tác để thực hiện thành công sứ mệnh này trong thời gian qua", ông Nguyễn Hiệp, Trưởng Đại diện kiêm Phó Giám đốc Quốc gia của Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ chia sẻ.
"Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã cùng với 5 tỉnh thực hiện tốt những cam kết với nhà tài trợ trong thời gian vừa qua. Thời gian tới Hội LHPN Việt Nam và các tỉnh sẽ nỗ lực hơn nữa cùng với hệ thống chính trị theo đuổi và thực hiện mục tiêu mọi phụ nữ và người dân Việt Nam trên khắp các vùng miền được tiếp cận với nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh, góp phần thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc: Đến năm 2030 "đạt được sự tiếp cận điều kiện vệ sinh phù hợp và bình đẳng cho tất cả mọi người, xóa bỏ tình trạng đi vệ sinh lộ thiên, đặc biệt quan tâm tới nhu cầu của phụ nữ, trẻ em gái và những người trong hoàn cảnh yếu thế" - Bà Tôn Ngọc Hạnh, Ủy viên dự khuyết TW Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam thông tin.
Dự án đã đạt được những kết quả về Nước sạch và Vệ sinh sau:
- 20.000 hộ gia đình xây dựng nhà vệ sinh có chỗ rửa tay với xà phòng, trong đó có 15.000 hộ gia đình nghèo/ cận nghèo; 3.000 hộ gia đình có đối tượng dễ bị tổn thương (GESI) và 2.000 hộ gia đình không nghèo.
- 6.943 đấu nối mới được lắp đặt cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ yếu thế.
- 3.056 thiết bị rửa tay được cung cấp cho các trường mầm non, trạm y tế và các hộ GESI; 200 hộ gia đình được nhận bồn chứa nước bằng nhựa để phòng chống hạn mặn.
- 4 đơn vị cấp nước tư nhân và khoảng 114 đơn vị cung cấp dịch vụ vệ sinh tham gia vào dự án.
- 124.155 người được tham gia và hưởng lợi từ dự án, trong đó có 63.319 phụ nữ và 6.417 người khuyết tật. Nhà vệ sinh có hạng mục tiếp cận được dự án áp dụng cho các hộ gia đình có người khuyết tật.
- 4.086 Cộng tác viên tại thôn/ấp và cán bộ từ Hội LHPN cấp xã, huyện, tỉnh và Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, UBND tỉnh được tập huấn các kiến thức, kỹ năng truyền thông, vận động, quản lý và điều phối trong lĩnh vực nước sạch vệ sinh (bao gồm cả thay đổi hành vi vệ sinh, quản lý vệ sinh kinh nguyệt) có lồng ghép giới.
- 53 nhà vệ sinh mẫu có tiếp cận cho người khuyết tật và 5 hạng mục tiếp cận cho 5 trạm y tế xã.
- 19 bản kế hoạch cấp nước an toàn thích ứng với biến đổi khí hậu được hoàn thiện và triển khai đến cộng đồng.