“Câu nói khẩn khoản trong tiếng nấc nghẹn của mẹ chồng với em gái tôi ngày ấy, đã giúp tôi thoát khỏi những trận bạo hành kinh hoàng kéo dài của chồng, được trở về nhà ngoại sống yên ổn” – chị Khuất Thị Chanh, công nhân may ở một tỉnh miền núi ngậm ngùi chia sẻ.
Chị bảo, chuyện về cuộc đời chị đã trôi qua 25 năm, vậy mà đôi lúc chợt nghĩ tới, chị vẫn rùng mình, ám ảnh bởi những trận đòn của chồng cũ, vết thương lòng vẫn nhói đau khiến nước mắt chị lại trào ra.
Trong khi đó, hoàn cảnh gia đình tôi lại đối lập với nhà chồng. Bác ruột tôi là phó giám đốc công an của thành phố. Người nhà chồng bắt đầu nghi ngờ tôi mang thông tin về cho bác, khiến đường dây buôn ma tuý của nhà chồng bị triệt phá.
Vậy là những trận đòn vô cớ từ chồng trút lên thân thể tôi không thương tiếc. Ngay cả khi tôi có bầu 8 tháng, vẫn nhận đủ những cái tát trời ráng của chồng vào mặt, có lần gẫy cả răng.
Tôi sinh con ở viện về được 3 ngày đã phải tự lo cho bản thân. Tự giặt rũ tã áo cho con, và phải lo cơm nước cho cả nhà. Ngày ấy, nhà tôi nấu cơm bằng bếp than tổ ong nên rất vất vả, lửa lúc to lúc nhỏ, con thì quấy khóc. Cơm nấu ngon không ai khen, nhưng nhỡ bữa cơm nào ướt hay khô một chút là đều kèm theo những cú đấm, đá của chồng.
Khi con trai được 8 tháng tuổi, hôm ấy cả nhà đã ăn cơm xong, tôi vừa ăn vừa trông thằng bé nên ăn hơi lâu. Chồng tôi ra bàn uống nước và hỏi tôi: Bao thuốc lá trên bàn đâu rồi?. Tôi trả lời: “Em không biết”. “Đ.mẹ mày, mày là con chó trông nhà, ai vào mày phải biết chứ”, rồi kèm theo câu chửi là những cú đấm đá của chồng dành cho tôi.
Đang ngồi ăn cơm, tôi bị bất ngờ không tránh được, cũng không kịp đứng dậy để chạy. Bữa cơm còn đang ăn dở, tôi phải nhập viện cấp cứu với kết luận của bác sỹ: Vỡ thận, đa chấn thương. Ra viện, tôi sụt gần 10 cân thịt, chỉ còn 35 kg. Về đến nhà nhìn con theo mà không sao đủ sức bế con lên được.
Cuộc sống cứ âm ỷ trôi cùng những trận đòn liên tiếp của chồng. Hè năm 2001, con trai tôi học lớp 2, trời nắng nóng nhưng cái quạt hoa sen bị hỏng, tuột cái lồng quạt ra. Tôi lấy sơi dây buộc lai để con học tiếp và thấy quạt vẫn chạy được. Gần sáng không thấy quạt chạy, chồng tôi tưởng mất điện, anh trằn trọc một lúc vì nóng rồi dậy bật công tắc đèn ngủ và thấy nhà vẫn có điện. Nhìn cái quạt bị hỏng do đứt dây, quấn vào trục quạt. Anh hỏi tôi: Ai sửa quạt thế này?. Tôi trả lời: Em. “Đ.mẹ mày”, chồng cầm cả cái quạt phang vào người tôi khi đang nằm bên cạnh con.
Mẹ chồng tôi chạy sang van xin: “Các con ơi mẹ xin các con, có việc gì để sáng ra rồi nói, đêm hôm để cho phố xá họ ngủ”. Bà càng xin thì tôi càng bị đòn đau hơn. Con trai tôi quá sợ hãi, vừa khóc vừa kêu bà ơi cứu mẹ cháu với. Vậy là cả xóm thức giấc vì cái quạt hỏng nhà tôi đêm đó.
Khi mẹ chồng mở được cửa cho hàng xóm vào can ngăn, thì người tôi đầm đìa máu me, tôi cố gắng mà không thể bò dậy. Tôi nằm im thế 3 ngày, mẹ chồng cơm nước cho tôi. Em gái tôi nghe tin chạy tới thăm chị. Em tôi vừa vào nhà, mẹ chồng tôi đã níu chặt em, khóc tu tu: “Dì ơi, tôi xin dì, về đưa bà ngoại xuống đây ngay, cứu lấy chị gái dì. Tôi già rồi, không còn sống được bao nhiêu nữa. Nếu nó cứ đánh con bé thế này mà chết đi được thì không sao. Nhưng nó mà tàn tật nằm đấy, tôi không gánh được trách nhiệm đâu”.
Khoảng 1 tuần sau đó, mẹ đẻ tôi xuống xin đón tôi về lại nhà. Với những vết thương và sẹo khắp thân thể tôi là bằng chứng, anh phải đồng ý ly hôn. Tôi chở con trai trên chiếc xe đạp mini nhật đạp 20 km về nhà mình. Trên giỏ xe chỉ có đồ dùng và sách vở của con, đồ của tôi chỉ duy nhất một bộ mặc trên người. Tôi rời xa chồng, tài sản chỉ có bấy nhiêu thôi. Con trai vừa bước sang 9 tuổi, cũng là lúc tôi kết thúc cuộc hôn nhân kéo dài 10 năm cùng những vết thương tinh thần bầm rập và cả những vết sẹo ngắn dài chằng chịt trên người là có thể mang theo về nhà mình.
Thời gian đã trôi qua 25 năm, tôi giờ cũng đã lên chức bà nội, vậy mà đôi lúc nghĩ lại những ngày tháng kinh hoàng ấy, 2 hàng nước mắt tôi lại trào ra vì thương cảm cho chính cuộc đời mình...