3 mô hình phụ nữ làm kinh tế tiêu biểu tại Vũ Đông

07/11/2017 - 11:37
Xã Vũ Đông, TP Thái Bình là một trong những điểm thực hiện tốt việc xây dựng mô hình phụ nữ phát triển kinh tế, tiếp thêm động lực cho hội viên phụ nữ vươn lên làm giàu, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế nông thôn mới tại địa phương.
Thực hiện nhiệm vụ vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, những năm gần đây, Hội LHPN xã Vũ Đông đã tập trung vận động chị em thay đổi tư duy, cách làm trong lao động, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế, ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh; tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia phong trào "Phụ nữ làm kinh tế giỏi", "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế". Nhiều mô hình phát triển kinh tế đã thành công, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình, tạo công ăn việc làm cho bà con tại địa phương.
 
Trang trại của gia đình chị Đặng Thị Biển - hội viên phụ nữ thôn Nguyễn Huệ là một mô hình tiêu biểu. Trên mảnh đất 4.800m2, vợ chồng chị đã mạnh dạn đầu tư đào ao thả cá, xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn rừng, lợn sinh sản, gà sao, thỏ. Trung bình hàng năm, trang trại của anh chị nuôi trên 60 con lợn rừng, lợn sinh sản; 500 con gà sao và 200 con thỏ sinh sản, 500 thỏ nuôi thịt cung cấp cho các nhà hàng trong tỉnh và các tỉnh lân cận như Nam Định, Hà Nam, Hà Nội… Mô hình đã mang lại doanh thu cho gia đình anh chị trên 300 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 04 lao động trong xã với thu nhập 3 triệu đồng/tháng.
Mô hình trang trại chăn nuôi của gia đình chị Đặng Thị Biển
 
Phát huy truyền thống nghề đánh bắt thủy sản của gia đình, từ năm 2015, gia đình chị Trần Thị Hằng - hội viên phụ nữ thôn Nguyễn Du đã xây dựng mô hình nuôi cá lồng trên sông Trà Lý. Với số vốn đầu tư ban đầu là 1,5 tỷ đồng, anh chị đã thí điểm 12 lồng cá trên diện tích 600m2 nuôi các giống cá truyền thống có giá trị kinh tế, năng suất cao như cá chép, cá rô phi, cá trôi, cá trắm và các loại cá đặc sản như cá lăng, cá diêu hồng, cá ngạnh... Cá giống được gia đình anh chị lựa chọn, đặt từ trại cá Hòa Bình, riêng giống cá đặc sản nhập từ miền Nam. Với mô hình nuôi cá lồng trên sông, anh chị xuất 3-4 tấn cá/năm cho các tiểu thương đến thu mua trực tiếp, cho thu nhập trung bình trên 400 triệu đồng/năm.
Mô hình nuôi cá lồng trên sông của gia đình chi Trần Thị Hằng

Bên cạnh phát triển các mô hình về chăn nuôi, hiện nay, trên địa bàn xã Vũ Đông còn có các xưởng may công nghiệp của gia đình hội viên phụ nữ. Trong đó nổi bật là xưởng may của gia đình chị Nguyễn Thị Hương - hội viên phụ nữ thôn Đình Phùng. Được Hội LHPN xã hỗ trợ vay vốn, gia đình chị Hương đã xây dựng xưởng may gia công quần áo xuất khẩu tại gia đình, cho doanh thu hàng năm từ 2,5 - 3 tỷ đồng; tạo việc làm thường xuyên cho 40 lao động, chủ yếu là các nữ thanh niên trên địa bàn xã với thu nhập ổn định từ 4 triệu đến 4,5 triệu/tháng, những công nhân tay nghề cao được hưởng mức lương tới 8 triệu đồng/tháng.
Xưởng may gia công quần áo xuất khẩu của ga đình chị Nguyễn Thị Hương
 
Từ những hoạt động cụ thể, thiết thực và chủ động của Hội LHPN xã Vũ Đông, thành phố Thái Bình trong vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững đã thay đổi cách nghĩ, cách làm và phát huy khả năng sáng tạo của hội viên phụ nữ trong sản xuất kinh doanh; góp phần giúp hội viên phụ nữ thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và xây dựng nông thôn mới.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm