Sau 3 năm, Việt Nam tăng 15 bậc trên bảng xếp hạng bình đẳng giới

PVH
27/12/2024 - 11:00
Sau 3 năm, Việt Nam tăng 15 bậc trên bảng xếp hạng bình đẳng giới

Chủ tọa Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 của Bộ LĐTB&XH

Đây là thông tin do lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 lĩnh vực lao đông, người có có công và xã hội diễn ra sáng 27/12.

Sáng 27/12/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long và Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung chủ trì Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 lĩnh vực lao đông, người có có công và xã hội.

Báo cáo kết quả đạt được, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà cho biết, công tác lao động, người có công và xã hội năm 2024 đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực, đóng góp tích cực vào việc hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và Kế hoạch 5 năm 2021-2025 của cả nước.

Theo Báo cáo của Bộ LĐTB&XH, công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhìn chung đảm bảo chất lượng, tiến độ theo kế hoạch đề ra góp phần hoàn thiện thể chế về lao động, người có công và xã hội. Trong đó, đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) với 14 nội dung lớn mang tính cải cách và xem xét, thảo luận dự án Luật Việc làm (sửa đổi).

Về thị trường lao động chứng kiến đà phục hồi nhanh, mạnh mẽ, đã mang lại những kết quả tích cực, giúp các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm cơ bản duy trì được lực lượng lao động ổn định.

Trong năm 2024, Bộ LĐTBXH tiếp tục tập trung tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, đề án án về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội. Theo dõi, nắm bắt tình hình thị trường lao động trên toàn quốc, đặc biệt là tình hình thiếu hụt lao động tại các địa phương có nhiều khu công nghiệp lớn để kịp thời có phương án, giải pháp cung ứng lao động, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bắc Giang.

Ước thực hiện năm 2024 đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 69%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ ước đạt 28,1%; ước cả năm đưa khoảng 150 nghìn lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 120% kế hoạch.

Phân tích sâu hơn về thị trường lao động giai đoạn ảnh hưởng đại dịch Covid-19, xảy ra trong năm 2020, bùng phát trong năm 2021 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường lao động, theo lãnh đạo Bộ LĐTB&XH, thị trường bị tác động tiêu cực theo nhiều chiều hướng, nguồn cung lao động suy giảm nghiêm trọng, số lao động bị mất việc làm, giảm giờ làm việc, ngừng việc lớn khiến cho số lao động có việc làm giảm mạnh

Trong bối cảnh đó, cùng với việc triển khai hàng loạt giải pháp nhằm thu hút lao động ngoại tỉnh quay lại thành phố làm việc; tập trung triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030, Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động..., các địa phương cũng đã chủ động thực hiện linh hoạt các phương thức sản xuất "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến"; có giải pháp để duy trì lực lượng lao động, bảo đảm sức khỏe, an toàn và đời sống cho người lao động...

3 năm Việt Nam tăng 15 bậc trên bảng xếp hạng bình đẳng giới- Ảnh 1.

Toàn cảnh hội nghị

Sau đại dịch Covid-19, sự phục hồi nhanh của các hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, thị trường lao động cũng đã phục hồi tích cực. Theo Thông cáo báo chí của Tổng cục Thống kê, tính chung 9 tháng năm 2024, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,5 triệu người, tăng 1.893,4 nghìn người so với năm 2020; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,5%, giảm 0,3 điểm phần trăm so với năm 2020; lao động có việc làm là 51,6 triệu người, tăng 2.060,1 nghìn người so với năm 2020; cơ cấu lao động tiếp tục chuyển dịch tích cực.

Những điểm nhấn bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ

Kết quả triển khai thực hiện các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 đã có những tiến bộ rõ nét. Tính đến cuối năm 2023, đã có 11/20 chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu đề ra đến năm 2025, có 03/20 chỉ tiêu đạt một phần phần so với mục tiêu đề ra đến năm 2030, trong đó có 12 chỉ tiêu đạt kết quả tốt hơn so với năm 2022.

Về lĩnh vực bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ đạt được nhiều kết quả tích cực; khoảng cách giới trên tất cả các mặt được dần thu hẹp. Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết: Bộ đã phối hợp thực hiện, góp ý việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật do các đơn vị trong và ngoài Bộ chủ trì xây dựng. Tổng kết, đánh giá công tác truyền thông năm 2023 và xây dựng kế hoạch triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024; Tổ chức thành công Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024. Tổ chức các khóa tập huấn giảng viên nguồn về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới cho đội ngũ làm công tác bình đẳng giới các tỉnh, thành phố; phối hợp với các đối tác và hướng dẫn địa phương nhân rộng mô hình một cửa cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bị bạo lực trên cơ sở giới.

Đồng thời triển khai có hiệu quả các nội dung về bình đẳng giới trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; phối hợp với các đối tác và hướng dẫn địa phương nhân rộng mô hình một cửa cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bị bạo lực trên cơ sở giới. Xây dựng Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giói năm 2023 trình Quốc hội...

Xây dựng Báo cáo rà soát, đánh giá 30 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh tại Việt Nam và tại Hội nghị Bộ trưởng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương về rà soát 30 năm thực hiện tuyên bố và cương lĩnh hành động Bắc Kinh Việt Nam đã được đánh giá cao và là một nước điển hình tốt thực hiện các cám kết tại cương lĩnh; tham mưu, chuẩn bị nội dung và tham gia các đoàn công tác của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và của Bộ.

Những kết quả của Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2024 tăng 15 bậc so với năm 2021, tăng 11 bậc so với năm 2022 (từ vị trí thứ 87/146 quốc gia lên vị trí thứ 83/146 quốc gia và lên vị trí thứ 72/146 quốc gia). Ngày 9/4/2024, Việt Nam đã được Hội đồng Kinh tế-Xã hội Liên Hợp Quốc (ECOSOC) bầu vào Hội đồng Chấp hành Cơ quan Liên Hợp Quốc (LHQ) về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) nhiệm kỳ 2025-2027.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm