pnvnonline@phunuvietnam.vn
3 năm xa xứ, nhà thiết kế Hồ Trần Dạ Thảo nhớ quay quắt Sài Gòn
Ảnh minh họa
3 năm nay, Hồ Trần Dạ Thảo vì sinh con nhỏ và bệnh dịch mà không thể trở về Sài Gòn đón Tết. Cô sống ở Singapore cùng chồng và các con song sinh. Vì sự xa cách này mà Thảo đã kể chuyện với phong cách da diết đặc biệt. Cô trải lòng, khi tôi hỏi về các ký ức Tết Sài Gòn, nỗi nhớ trong cô trở nên cồn cào vô cùng.
Cách thưởng thức Tết của Dạ Thảo giản dị nhưng mang đậm nét đặc trưng của người phụ nữ thành thị Nam bộ. Những ngày cuối năm, nói thong thả cũng được, nói bận rộn cũng đúng, nhưng Thảo thường đi dạo trên phố thời trang Nguyễn Trãi, quận 1, nơi cô đặt showroom giới thiệu các mẫu trong bộ sưu tập mới.
"Tôi đi chậm rãi, coi shop nào cũ, shop nào mới, cách buôn bán ra sao. Sau đó, tôi quẹo vào con hẻm thông qua đường Bùi Thị Xuân, ngồi xuống chiếc bàn kê sát lề đường của xe mì gõ lâu năm. Chiếc xe mì ấy, người đàn ông đã bán suốt mấy chục năm nay với hương vị thơm lạ mà ở nhà không thể nấu ra được. Tôi cứ ngồi đó, ăn xong kêu ly nước mía, ngắm người qua lại. Với tôi, đó chính là đặc sản của Sài Gòn", nhà thiết kế thời trang kể chuyện.
Rồi, cũng trong không khí cuối năm đó, chị em phụ nữ luôn muốn bản thân trở nên xinh đẹp, nên Thảo đi qua đường Bùi Thị Xuân để ghé tiệm tóc Lê Tuấn. Cô nói, anh chủ tiệm cắt tóc cho cô đã hơn 15 năm rồi. "Ngày xưa ảnh từng là người mẫu thời đầu của thành phố, cao ráo đẹp trai lắm. Bao nhiêu năm đứng cắt tóc, tới giờ tuổi đã lớn mà vẫn rất yêu nghề".
Tết, với gia đình Thảo còn là sự đoàn viên, cùng bố mẹ, anh em và các cháu. Suốt cả tuần, đại gia đình nấu nướng, trò chuyện, dạo chơi chợ hoa với nhau sau 1 năm ai cũng tất bật làm việc, học hành.
Dạ Thảo chia sẻ: "Tôi luôn thức cùng bố mẹ vào đêm Giao thừa. Bố mẹ bày mâm cúng ông bà, tổ tiên. Mẹ tôi lúc nào cũng giao cho tôi nhiệm vụ cắm hoa và trưng mâm ngũ quả. Sáng mùng Một, cả nhà mặc áo dài và mừng tuổi người lớn trước, nhỏ sau. Sau đó chúng tôi đi chùa lễ Phật".
Là người kinh doanh trong lĩnh vực thời trang, Dạ Thảo thường để ý tới việc mọi người đi mua sắm. Các cửa hàng khác ai cũng tập trung bán hàng, tiếp khách và chuẩn bị lương thưởng cho nhân viên. Năm cũ khép lại để vui vẻ đón năm mới tốt lành hơn.
"Tôi nhớ đêm 29 Tết năm 2018, tôi và chồng đi dạo chợ hoa ở Công viên 23/9 để chọn cành đào cho gia đình. Thấy đông người bán, ít người mua, chồng tôi thắc mắc hoài, các chậu hoa kiểng ngày Tết không bán hết được thì người bán phải làm sao! Theo dõi thông tin mấy năm gần đây, tôi thấy câu hỏi này đúng là có ý nghĩa "chiến lược". Ngày 30 Tết, đa số người bán đều phải hoặc giảm giá nhanh, hoặc bỏ đi cho người ta dọn rác, hoặc lại phải chở về vườn dưới miền Tây", Thảo nhớ lại.
Ở Singapore, Thảo cố gắng chuẩn bị Tết như bố mẹ cô vẫn thường làm, dù không đầy đủ nhưng cũng có để gợi không khí Tết quê nhà: "Tôi cố gắng chuẩn bị Tết như bố mẹ hay làm, không đầy đủ nhưng cũng có chút Tết ở Singapore như bày mâm ngũ quả cúng Giao thừa. Bày bánh mứt, gói nấu bánh tét (mặc dù rất xấu)… Mời bạn bè ghé chơi, chúc Tết nhau. Hai con còn rất bé nhưng tôi vẫn duy trì văn hóa cổ truyền để con cảm nhận được. Được mặc áo dài, được lì xì.
Dịch bệnh khiến việc đi lại và điều hành showroom thời trang của Hồ Trần Dạ Thảo gặp rất nhiều thay đổi. Mặt bằng hơn 300m2 đã được thuê và sửa sang tuyệt đẹp. Khi biết mình mang thai đôi, Thảo đành nhờ quản lý, nhân viên điều hành dùm. Tháng 5/2020, nhận biết tình hình đại dịch sẽ còn nặng nề và kéo dài, Dạ Thảo đành phải đóng cửa showroom, chỉ duy trì vài nhân viên chính làm văn phòng và kho để bán online. Việc sinh con, nuôi con, cùng sự khó khăn về đi lại trong đại dịch khiến Dạ Thảo càng thấm thía nỗi nhớ Sài Gòn vào những ngày cuối năm.