3 thách thức lớn với 1 tỷ người cao tuổi toàn cầu

Gia Khanh (Tổng hợp)
01/10/2024 - 10:00
3 thách thức lớn với 1 tỷ người cao tuổi toàn cầu

Ảnh minh họa

Già hóa dân số là một xu hướng toàn cầu và đang định hình lại xã hội trên toàn thế giới. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ năm 2020, có 1 tỷ người trên thế giới từ 60 tuổi trở lên. Con số này được dự báo sẽ tăng lên 1,4 tỷ vào năm 2030, chiếm 1/6 dân số toàn cầu. Người cao tuổi đang phải đối mặt với nhiều thách thức.
Đói nghèo

Báo cáo toàn cầu của tổ chức HelpAge International nêu bật nguy cơ người cao tuổi phải chịu cảnh đói nghèo cùng cực. Cuộc khủng hoảng lương thực, nhiên liệu và tài chính đang gây ra tác động lớn đối với hàng triệu người cao tuổi trên thế giới. Cuộc khủng hoảng này khiến họ phải vật lộn để đủ khả năng chi trả cho thực phẩm và dịch vụ chăm sóc y tế. 

Cuộc khủng hoảng đang ảnh hưởng đến cả nam giới và nữ giới. Nhưng nhiều phụ nữ làm công việc nội trợ và chăm sóc không được trả lương, khiến họ ít có khả năng nhận được lương hưu.

Theo báo cáo "Già hóa lành mạnh ở châu Á" của Ngân hàng Phát triển châu Á, 40% số người trên 60 tuổi tại châu Á - Thái Bình Dương không có bất kỳ hình thức lương hưu nào. Nhiều người lớn tuổi không có lựa chọn nào khác ngoài việc đi làm sau tuổi nghỉ hưu để duy trì cuộc sống. 

Trong số những người vẫn đang làm việc ở độ tuổi 65 hoặc cao hơn, 94% làm việc trong khu vực phi chính thức, nơi thường không cung cấp các biện pháp bảo vệ cơ bản cho người lao động hoặc trợ cấp hưu trí.

Gánh nặng chi phí chăm sóc sức khỏe

Những thách thức về sức khỏe tinh thần và thể chất gia tăng cùng tuổi tác. Người cao tuổi đang phải chịu chi phí chăm sóc sức khỏe tăng từ 35 đến 70%, làm tăng thêm gánh nặng tài chính. Khoảng 14% người từ 60 tuổi trở lên mắc chứng rối loạn tâm thần. 

3 thách thức lớn với 1 tỷ người cao tuổi toàn cầu- Ảnh 1.

Già hóa dân số là một xu hướng toàn cầu và đang định hình lại xã hội trên toàn thế giới

Các tình trạng sức khỏe tâm thần phổ biến đối với người lớn tuổi là trầm cảm và lo âu. 27,2% số ca tử vong do tự tử là những người từ 60 tuổi trở lên. Các vấn đề sức khỏe tâm thần ở người cao tuổi thường không được phát hiện và điều trị đầy đủ.

Khoảng 60% số người cao tuổi ở châu Á-Thái Bình Dương không đi khám hoặc được kiểm tra sức khỏe định kỳ, trong khi 31% cho biết có các triệu chứng trầm cảm do bệnh tật, cô lập với xã hội và bất an về kinh tế. Phụ nữ lớn tuổi trong khu vực này có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi bệnh tật nhiều hơn nam giới.

Sự cô đơn

Sự cô lập xã hội và cô đơn ảnh hưởng đến khoảng ¼ tổng số người cao tuổi. Bên cạnh đó là sự ngược đãi về thể chất, lời nói, tâm lý, tình dục hoặc tài chính, cũng như sự bỏ bê. Thống kê cho thấy cứ 6 người cao tuổi thì có 1 người bị ngược đãi, thường là do chính người chăm sóc của họ.

Các biện pháp hỗ trợ

WHO khuyến nghị một loạt biện pháp chính sách để hỗ trợ quá trình già hóa khỏe mạnh và bảo đảm về kinh tế. Trong đó, có bảo hiểm y tế và các kế hoạch hưu trí do chính phủ hỗ trợ, cải thiện cơ sở hạ tầng y tế, kiểm tra sức khỏe và đánh giá lối sống định kỳ hàng năm miễn phí. 

Các nhà hoạch định chính sách cần hướng tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, trong khi mở rộng các biện pháp bảo vệ lao động cơ bản cho cả người lao động lớn tuổi ở khu vực phi chính thức.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm