3 yếu tố tạo sự chuyển biến mới trong công tác cán bộ nữ của tỉnh Vĩnh Phúc

A.H (thực hiện)
14/10/2020 - 05:00
3 yếu tố tạo sự chuyển biến mới trong công tác cán bộ nữ của tỉnh Vĩnh Phúc

Các đại biểu thăm quan mô hình rau Vân Hội xanh. Ảnh: BTGTU

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, diễn ra từ ngày 13 đến 15/10/2020. Một trong những vấn đề được Vĩnh Phúc quan tâm là công tác cán bộ nữ. Đồng chí Lê Duy Thành - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc - đã có cuộc trao đổi với Báo PNVN về vấn đề này.

- Xin đồng chí chia sẻ về công tác cán bộ nữ ở Vĩnh Phúc thời gian qua đã được quan tâm như thế nào?

Cấp ủy các cấp, nhất là người đứng đầu các cơ quan, địa phương, đơn vị luôn quan tâm, chăm lo, coi trọng đến công tác cán bộ nữ. Đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ nữ; chủ động xây dựng và ban hành nhiều đề án, chỉ thị, kế hoạch, thông tri chuyên đề về cán bộ nữ. Qua đó, nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp về vai trò, vị trí đối với người phụ nữ nói chung và cán bộ nữ nói riêng được nâng lên. Tỷ lệ cán bộ nữ trong cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng tăng.

Cán bộ, công chức nữ cấp tỉnh là 696 người, chiếm 32,9%; cấp huyện là 905 người, chiếm 37,1%; cấp cơ sở là 620 người, chiếm 22,8%. Viên chức nữ các đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh có 1.591 người, chiếm 48,6%; cấp huyện có 1.856 người, chiếm 51,2%; cấp cơ sở 9.183 người, chiếm 66,1%.

Cán bộ nữ tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025: Cấp xã có 471/1.842 đồng chí, đạt 25,6%, cấp huyện có 64/356 đồng chí, đạt 17,98 %.

Toàn tỉnh hiện có 47 đồng chí cán bộ nữ là phó sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh hoặc phó chủ tịch UBND huyện trở lên. Trong phương án nhân sự Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, đã giới thiệu 11/57 đồng chí ứng cử Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, chiếm 19,3%; 3/16 đồng chí tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy, chiếm 18,7%. Đặc biệt, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Vĩnh Phúc là một trong số ít tỉnh được Bộ Chính trị quan tâm bố trí Bí thư Tỉnh ủy là cán bộ nữ; nhiều lãnh đạo sở, ban, ngành của tỉnh là cán bộ nữ.

3 yếu tố tạo sự chuyển biến mới trong công tác cán bộ nữ của tỉnh Vĩnh Phúc - Ảnh 1.

Đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc

Những dấu ấn nổi bật nhiệm kỳ 2015-2020

- Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2020 ước đạt 7,1%/năm, tăng cao hơn giai đoạn trước và cao hơn so với bình quân chung của cả nước.

- Quy mô kinh tế không ngừng tăng lên, năm 2020 ước đạt trên 122,68 nghìn tỷ đồng, gấp 1,56 lần so với năm 2015.

- Tổng sản phẩm (GRDP) bình quân năm 2020 ước đạt 105 triệu đồng/người.

- Thu ngân sách nhà nước đạt cao, bình quân đạt khoảng 30.000 tỷ đồng/năm (năm 2019 đạt hơn 35.000 tỷ đồng), luôn đứng nhóm dẫn đầu cả nước và thứ hai miền Bắc về thu nội địa, là 1 trong 16 tỉnh, thành có tỷ lệ điều tiết ngân sách lớn về Trung ương (47%).

- Thu hút đầu tư cao, trong 5 năm, tỉnh đã thu hút được 2,86 tỷ USD vốn đầu tư từ các dự án FDI và 56,27 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư từ các dự án DDI.

- Vĩnh Phúc được đánh giá là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới.

- Giáo dục xếp trong nhóm dẫn đầu cả nước.

- Vĩnh Phúc đã có quy định đặc thù nào tạo điều kiện và cơ hội để đội ngũ cán bộ nữ nâng cao trình độ, năng lực về mọi mặt, đáp ứng tiêu chuẩn của từng vị trí công tác, nhạy bén, năng động, sáng tạo, phát huy trí tuệ và sức lao động của bản thân?

Để đạt được những kết quả trên, ngoài những quy định của Trung ương thì Vĩnh Phúc đã chủ động xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cho toàn bộ đội ngũ cán bộ, công chức Hội LHPN các cấp và Chi hội trưởng Phụ nữ giai đoạn 2019-2025; quan tâm tạo nguồn cán bộ nữ là lãnh đạo quản lý các cấp, trong đó đã yêu cầu các huyện, thành phố khi đề xuất nhân sự tham gia thường trực huyện ủy, HĐND và UBND huyện phải có cán bộ nữ. Và thực tiễn trong nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xem xét, bổ nhiệm 35 đồng chí cán bộ nữ. Do đó, hiện hầu hết các cơ quan, đơn vị trên địa bàn đều có 01 cán bộ nữ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.

- Để tạo điều kiện, cơ hội, động viên khích lệ phụ nữ phấn đấu vươn lên, khẳng định vai trò của mình trong việc tham gia phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, theo đồng chí cần có những chính sách, quy định đặc thù nào?

Theo tôi, các cấp, các ngành, nhất là Trung ương Hội LHPN Việt Nam cần chủ động tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia hơn nữa vào các hoạt động lãnh đạo, quản lý trên các lĩnh vực. Trong công tác cán bộ, nhất là trong quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử cần quy định tỷ lệ cán bộ nữ và thực hiện nghiêm quy định này. Ngoài ra, cần xây dựng chính sách hỗ trợ cho cán bộ nữ đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

3 yếu tố tạo sự chuyển biến mới trong công tác cán bộ nữ của Vĩnh Phúc - Ảnh 3.

Đồng chí Lê Duy Thành - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc (giữa) cùng đại biểu chứng kiến ký biên bản hợp tác ứng dụng Zalo giải quyết TTHC tại Trung tâm Hành chính công.

- Đồng chí có thể cho biết, công tác tổ chức cán bộ, đặc biệt là công tác cán bộ nữ trong giai đoạn tới ở Vĩnh Phúc có điểm gì nổi bật không?

- Một là, công tác phụ nữ luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự tạo điều kiện của chính quyền, các ngành và các đoàn thể chính trị - xã hội.

- Hai là, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các huyện, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc trực tiếp phân công đồng chí Phó Bí thư Thường trực phụ trách công tác hội phụ nữ; đồng chí Phó chủ tịch UBND làm Trưởng Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ. Định kỳ 3 tháng giao ban để nắm tình hình hoạt động và định hướng kịp thời đối với các phong trào, hoạt động của Hội phụ nữ và công tác phụ nữ.

- Ba là, Thường trực Tỉnh ủy giao Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh nghiên cứu "đặt hàng" nội dung để Hội LHPN trực tiếp tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các sở, ngành liên quan thường xuyên trao đổi, bàn bạc với Hội LHPN tỉnh để có các chương trình phối hợp thực chất, hiệu quả hơn và tạo được các phong trào thi đua thiết thực, ý nghĩa. Chỉ đạo Đảng đoàn Hội LHPN tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội theo phương châm tập trung hướng về cơ sở, gần với cơ sở, sâu sát với hội viên, phụ nữ để hiểu được tâm tư, nguyện vọng của chị em. Các cấp Hội cần xác định nội dung hoạt động cụ thể và phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của từng đối tượng phụ nữ; giải quyết các vấn đề thiết thực đang đặt ra đối với phụ nữ (cả trong gia đình và ngoài xã hội) để thu hút được ngày càng nhiều phụ nữ tham gia tổ chức Hội.

- Xin cảm ơn đồng chí!

Mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu nhiệm kỳ 2020-2025

- Phấn đấu đến 2025, Vĩnh Phúc là tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước.

- Đảng bộ tỉnh quán triệt quan điểm phát triển toàn diện, hài hòa trên cả ba trụ cột: Kinh tế - xã hội - môi trường.

- Lấy sự ổn định và tăng trưởng kinh tế bền vững là mục tiêu xuyên suốt. Trong đó, phát triển công nghiệp là nền tảng, động lực của nền kinh tế, đa dạng hóa sản phẩm công nghiệp chủ lực, ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo.

- Tập trung phát triển các ngành dịch vụ, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn diện. Đa dạng hóa và tạo lập nguồn thu ngân sách theo hướng bền vững.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc quyết tâm, chung sức đồng lòng, nắm chắc thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, khát vọng vươn lên, sớm hiện thực hóa lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi người về thăm tỉnh năm 1963 là "Phải làm cho Vĩnh Phúc trở thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất miền Bắc nước ta".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm