30/4, 1/5 cận kề, các gia đình vẫn rục rịch rời quê về thành phố sau giãn cách xã hội

Hải Linh
29/04/2020 - 08:05
30/4, 1/5 cận kề, các gia đình vẫn rục rịch rời quê về thành phố sau giãn cách xã hội

Hà Nội đã dần nhộn nhịp trở lại sau thời gian cách ly xã hội

Dù sắp tới là kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5/2020, nhiều gia đình vẫn rục rịch khăn gói rời quê lên thành phố để bắt đầu lại cuộc sống bình thường sớm hơn, kết thúc chuỗi ngày tránh dịch cuồng chân, bó gối, không được đi học, đi làm, chỉ loanh quanh ở nhà.

Gia đình chị Trần Thuý Hoa, ở huyện Ba Vì (Hà Nội) vồn vã khoe: "Nhà em vừa "hạ cánh" trở lại thủ đô. Lúc đầu cũng nấn ná định cho 2 con ở lại nốt qua kỳ nghỉ lễ 30/4, nhưng tính đi tính lại, vẫn phải rời quê sớm hơn để tránh tàu xe đông đúc dịp lễ. Hơn nữa, con gái lớn nhà em học lớp 7 cần về Hà Nội sớm để ổn định trước khi đi học trở lại. Thời gian vừa rồi, con ở quê học online rất phập phù mạng mẽo, nên em cần thêm ít ngày kiểm tra, đôn đốc con học hành sau chuỗi ngày tháng chơi dài tránh dịch với ông bà ngoại".

Các gia đình rục rịch rời quê về thành phố sau cách ly xã hội  - Ảnh 1.

Bọn trẻ theo cha mẹ rời quê lên thành phố để trở lại với cuộc sống đời thường

Vợ chồng chị Hoa đều công tác tại Hà Nội. Chồng chị làm về nội thất, còn chị làm nghề kế toán. Lúc dịch lây lan căng nhất hồi giữa tháng 3, ông bà ngoại sốt ruột đã gọi vợ chồng chị Hoa đưa các cháu sơ tán về quê tránh dịch, cũng là để ông bà trông nom bọn trẻ giúp. Cho đến ngày vợ chồng chị Hoa cũng phải làm online ở nhà vì giãn cách xã hội, vợ chồng chị đóng cửa về quê cùng các con tránh dịch cho đến tận hôm nay.

Chị Hoa chia sẻ: "Nhà em về quê gần 2 tháng nay, vừa về đến nhà, mở cửa ra thấy bếp và nhà vệ sinh mốc meo hết cả. Giường chiếu cũng phải thay ga, dọn dẹp, lau chùi mất nửa ngày. May mà hôm nay trời nắng ấm, tha hồ mở bung cửa đón không khí ấm áp vào nhà". Chị Hoa cho biết: "Người lớn đợi mãi rồi cũng đến được ngày trở lại cuộc sống bình thường. Vậy mà bọn trẻ lại tiếc nuối vì ở quê có sân rộng rãi để chạy nhảy, đùa nghịch, nhưng dịch dã sắp qua rồi, phải trở về với cuộc sống bình thường thôi. Nghỉ tránh dịch đến mấy tháng, nên kỳ nghỉ lễ giờ nhà em không thấy cần ở quê nữa, mà đi đâu chơi thì chưa dám đi".

Khác với vợ chồng chị Hoa chủ động về quê tránh dịch, ông bà Bùi Văn Hiệp và Vũ Thị Bé lại bị kẹt ở quê vì giãn cách xã hội. Ngay từ sáng sớm 28/4, ông bà Hiệp được con trai đón từ quê lên. Sau khi đã khuân hết các túi lớn, nhỏ gồm gạo, rau củ, trái cây từ thùng xe xuống, bà Bé cười rổn rảng chào hỏi mọi người hàng xóm ở khu chung cư trên phố Giảng Võ: "Tôi với ông ấy về quê ăn giỗ, định chỉ chơi 3 ngày thì lên. Ấy thế mà bị kẹt ở quê luôn cả tháng trời vì giãn cách xã hội. Sốt ruột quá, mà thời buổi dịch dã, tôi muốn về nhà lắm mà đành phải ở quê chơi thôi".

Các gia đình rục rịch rời quê về thành phố sau cách ly xã hội  - Ảnh 2.

Đường phố Hà Nội đã bắt đầu nhộn nhịp hơn sau những ngày cách ly xã hội. Ảnh: Lê Liệu

Vợ chồng bà Bé về hưu đã 6 năm nay, nhưng nhờ có sức khoẻ, sự nhanh nhẹn, dẻo dai, nên ông bà vẫn thay nhau tham gia cùng tổ trông giữ xe máy cho khu chung cư đang ở và sống cùng vợ chồng con trai ở Hà Nội. "Ngồi ở quê cứ nghĩ rõ tội cho mấy cụ ở tổ trông xe, dịch dã căng thế mà còn phải làm tăng ca gánh vác cho cả phiên của vợ chồng tôi. Bình thường về quê đi lại có khoảng 1 giờ đồng hồ, ấy vậy mà mùa dịch Covid-19 lại không thể nhúc nhích khỏi quê lên Hà Nội được. Nay chúng tôi về nhà được rồi, sẽ sẵn sàng làm đúp ca thêm giúp 2 ca trực của các cụ khác được nghỉ ngơi nhiều hơn" - bà Bé vui vẻ bộc bạch.

"Tổ trông xe của chúng tôi có 3 cặp đôi già, chúng tôi bị kẹt vì dịch ở quê, nên hơn 1 tháng qua chỉ có 2 cặp khác thay nhau làm. Chắc cũng căng thẳng, mệt mỏi lắm, vì lo người vào ra ở nhà xe trong mùa dịch. May là đến giờ ai cũng ổn cả" - bà Bé lý giải thêm.

Với gia đình vợ chồng chị Nguyễn Thị Diệp cũng vừa rời căn nhà ngoại ô ở tỉnh Bình Dương tránh dịch, giờ cả nhà đã kéo nhau trở lại thành phố để ổn định cuộc sống, chị Diệp vui vẻ khoe: "Vậy là cả nhà tôi đã kết thúc hơn một tháng tránh dịch ở căn nhà ngoại ô, nơi còn hoang sơ, tĩnh mịch để về lại nơi ồn ào, náo nhiệt ngày thường".

Vốn là người quản lý một khu chợ ở trung tâm tỉnh Bình Dương, ngay khi trở lại thành phố, gia đình chị Diệp phân công công việc cho từng thành viên trong gia đình. "Bọn trẻ 3 đứa nhà tôi, lớn nhất học lớp 11 cùng 2 đứa em học cấp 2 tự chia nhau mọi việc dọn dẹp, vệ sinh lại nhà cửa sạch sẽ. Còn vợ chồng tôi đi kiểm tra ngay công việc ở khu chợ, thông báo đến toàn bộ tiểu thương trở lại bán hàng phải tuân thủ chặt chẽ quy định giãn cách xã hội của Chính phủ. Bên cạnh đó, để hỗ trợ các tiểu thương vừa trở lại công việc nhưng còn chưa ổn định, khách đến chợ vẫn thưa thớt, vợ chồng tôi đã giảm 50% giá thuê các kiot chợ cho bà con, để cùng bà con chung tay đẩy lùi dịch bệnh".

Chị Diệp chia sẻ: "Nghỉ quá lâu tránh dịch rồi, cuộc sống ngưng trệ cũng đã dài, nên ai cũng cần gấp rút trở lại guồng quay cuộc sống. Thời gian qua, dịch covid-19 đã làm thay đổi nhiều thói quen sinh hoạt của con người, cuộc sống các gia đình đảo lộn. May mà dịch bệnh cũng đang bị đẩy lùi, nên con người phải sống, lao động và học tập tiếp. Bây giờ chúng ta xác định rời nơi tránh dịch, trở về thành phố là sẽ sống chung với dịch như Chính phủ khuyến cáo. Cũng giống như chúng ta đã từng sống chung với sốt xuất huyết, sống chung với tai nạn giao thông mỗi ngày vậy, hy vọng thế giới sẽ sớm tìm ra thuốc trị covid -19".

"Trở lại với cuộc sống đời thường lúc này, nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh vẫn cao, sự nguy hiểm vẫn lẩn quất, rình rập. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần sự sinh tồn tất yếu bởi cơm áo, gạo tiền sẽ không cho phép bất cứ ai ngồi yên quá lâu được. Mọi hoạt động cuộc sống đến lúc phải vận động trở lại thôi" - chị Diệp phấn chấn chia sẻ về những suy nghĩ của riêng mình cũng như mong muốn của bao gia đình sau thời gian dài giãn cách xã hội./.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm