4 bất thường khi đi bộ cảnh báo cục máu đông đang "xâm chiếm" cơ thể

Châu Anh (Tổng hợp)
18/04/2025 - 10:08
4 bất thường khi đi bộ cảnh báo cục máu đông đang "xâm chiếm" cơ thể
Cục máu đông có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trong cơ thể. Nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách, cục máu đông có thể gây ra các biến chứng sức khỏe nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tới tính mạng.

Cục máu đông là những khối thạch giống như máu; có thể xuất hiện ở động mạch hoặc tĩnh mạch từ tim, não, phổi, bụng, tay và chân.

Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã liệt kê các yếu tố rủi ro được cho là có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông bao gồm: Tuổi tác (người trên 65 tuổi), người bị thừa cân/béo phì, người có tiền sử gia đình từng bị huyết khối, gần đây bị chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư, đang mang thai hoặc mới mang thai, mới chấn thương gần đây hoặc mới trải qua đại phẫu, dùng biện pháp tránh thai dựa trên estrogen hoặc liệu pháp hormone.

Tuy nhiên, không phải cục máu đông nào hình thành trong cơ thể cũng gây ra các triệu chứng mà bạn có thể nhận biết dễ dàng. Có những cục máu đông được ví như "cuộc khủng hoảng sức khỏe thầm lặng" do không có triệu chứng đặc trưng, âm thầm hình thành và phát triển rộng hơn, đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe.

4 bất thường khi đi bộ cảnh báo cục máu đông đang

Cục máu đông là những khối thạch giống như máu (Ảnh: ST)

Theo Aboluowang, có một số dấu hiệu khi đi bộ cảnh báo cục máu đông trong cơ thể mà bạn cần chú ý để thăm khám sớm:

1. Cảm giác châm chích, tê ran ở chân khi đi bộ

Nếu đột nhiên cảm thấy đau nhói ở chân, như thể có vô số cây kim đang nhẹ nhàng châm chích vào cơ bắp thì đừng cho rằng đây chỉ là sự "mỏi mệt" của cơ bắp khi đi bộ trong thời gian dài. Nhất là khi cảm giác châm chích, tê ran ở chân không biến mất ngay cả khi đã nghỉ ngơi đầy đủ và theo thời gian, cảm giác ngứa ran xuất hiện thường xuyên hơn và rõ rệt hơn mỗi khi đi bộ.

Theo Healthline, nhiều nghiên cứu cho thấy chân là một bộ phận dễ hình thành cục máu đông nhất. Khi cục máu đông hình thành ở chân, đặc biệt là ở các tĩnh mạch sâu (còn gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu) sẽ cản trở dòng chảy bình thường của máu, dẫn tới cảm giác châm chích, tê ran, thậm chí đau đớn ở chân. Cơn đau do huyết khối ở chân được mô tả là đau nhói, thường tập trung ở một vùng bắp chân hoặc đùi khi đi bộ hoặc đứng dậy, tựa như bị chuột rút cơ.

Nghiêm trọng hơn, ở các tĩnh mạch sâu, các triệu chứng ở chân thường khó phát hiện hơn cho tới khi bệnh phát triển nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như cục máu đông di chuyển lên phổi và gây ra thuyên tắc phổi - đe dọa tính mạng của bạn.

Ngoài châm chích, đau nhói ở chân thì người có cục máu đông ở chân cũng có thể quan sát thấy:

+ Các vùng da ở chân đỏ, vùng nâu sẫm màu, da xanh hoặc các mảng da đổi màu. Đây là biểu hiện của tình trạng viêm. Khi sờ vào có thể có cảm giác ấm nóng.

+ Sự dày lên hoặc cứng lại của tĩnh mạch ở chân.

2. Sưng tấy chân đột ngột sau khi đi bộ

Đôi khi vận động quá mức có thể khiến chân bị sưng khó chịu nhưng tình trạng sưng nề sẽ giảm sau khi nghỉ ngơi phù hợp. Tuy nhiên hiện tượng chân bị sưng phù cũng là một trong những dấu hiệu cảnh báo bệnh lý mạch máu. Cơ quan Dịch vụ y tế Quốc gia Anh (NHS) cho biết, sưng chân là một trong những dấu hiệu phổ biến nhất của bệnh suy tim do tuần hoàn ở hệ tĩnh mạch bị ứ trệ, khiến áp lực lòng tĩnh mạch tăng lên và gây ra hiện tượng nước thoát ra ngoài khoảng gian bào dẫn tới chân bị sưng phù. Chân bị sưng phù thường gặp ở mắt cá chân, bàn chân.

Theo đó, nếu như tình trạng sưng tấy ở chân xảy ra đột ngột ở một vùng hoặc dọc theo tĩnh mạch ở chân và việc chườm đá hoặc nâng cao chân hơn tim không đem lại tác dụng giảm sưng thì cần thăm khám kiểm tra sức khỏe để chẩn đoán chính xác nguyên nhân khiến chân bị sưng phù là bệnh gì, có phải do cục máu đông nghiêm trọng không.

4 bất thường khi đi bộ cảnh báo cục máu đông đang

Sưng chân là một trong những dấu hiệu phổ biến nhất của bệnh suy tim (Ảnh: ST)

3. Khó thở khi đi bộ

Cảm giác khó thở được mô tả là khi một người cần phải gắng sức hơn để có thể thở như bình thường theo mức độ từ nhẹ tới nghiêm trọng. Cơn khó thở khiến bạn cảm thấy ngột ngạt, tức ngực, nhịp thở nhanh hơn, thở nông, tim đập nhanh và có thể kèm theo ho hay tiếng khò khè. Một cơn khó thở cấp tính có thể kéo dài từ vài giờ tới vài ngày còn khó thở mãn tính kéo dài từ 4 - 8 tuần.

Khi đang đi bộ nếu đột nhiên cảm thấy khó thở hoặc thậm chí hơi thở nặng nhọc, thở hụt hơi, bạn phải hít thở thật mạnh để lấy thêm oxy thì hãy cẩn thận. Khó thở không đơn thuần là do tập luyện quá sức, nếu như cục máu đông hình thành, vỡ ra và đi vào phổi có thể gây ra khó thở đột ngột - đây là tình trạng cực kỳ nguy hiểm và cần được chăm sóc y tế cấp cứu khẩn cấp. Nhiều người ví thuyên tắc phổi giống như một "quả bom hẹn giờ" - điều này không sai, bởi nếu không được chăm sóc kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong nhanh.

4 bất thường khi đi bộ cảnh báo cục máu đông đang

Cảm giác khó thở được mô tả là khi một người cần phải gắng sức hơn để có thể thở như bình thường (Ảnh: ST)

Các triệu chứng thuyên tắc phổi có thể xảy ra đột ngột, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ nếu như đang đi bộ mà cảm thấy khó thở, ngực nặng như bị đè, căng đau ngực và đau hơn khi hít vào nhưng lại không thể hít thở sâu, bắt đầu ho và đổ mồ hôi nhiều hơn, chóng mặt và nhịp tim nhanh.

Ngoài thuyên tắc phổi thì khó thở khi đi bộ cũng có thể cảnh báo các bệnh lý động mạch vành, bệnh hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính,... tất cả đều cần được chẩn đoán và can thiệp sớm để tránh biến chứng sức khỏe nghiêm trọng.

4. Mệt mỏi nghiêm trọng khi đi bộ

Nếu mỗi lần đi bộ bạn đều cảm thấy mệt mỏi nghiêm trọng, bước chân nặng nề hơn thì hãy cẩn thận. Cục máu đông xuất hiện ở chân, phổi đều có thể gây cản trở quá trình lưu thông máu bình thường và một khi oxy không được đưa đến đủ cho các cơ quan thì sẽ dẫn tới triệu chứng mệt mỏi. Ngược lại, nếu một người đi với tốc độ đều và nhanh mà không thở hổn hển, mệt mỏi quá mức nghĩa là chức năng tim phổi tốt, tuần hoàn máu đang ở trạng thái khỏe mạnh.

Nhìn chung, cục máu đông có thể hình thành "âm thầm" ở nhiều bộ phận cơ thể. Điều quan trọng là chú ý tới những bất thường về sức khỏe khi bạn nghỉ ngơi, vận động thể chất. Nếu như các triệu chứng này không biến mất sau khi nghỉ ngơi, hãy nhanh chóng kiểm tra với bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân. Ngay cả khi đó không phải là do cục máu đông thì một vài kiểm tra sức khỏe là cần thiết để chẩn đoán lý do là gì, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra biện pháp điều trị phù hợp, giúp bạn có thể đi bộ hay thực hiện các hoạt động thể chất khác mà không gặp phải các biến cố ảnh hưởng tới chất lượng buổi tập.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm