4 bước gọi vốn đầu tư giúp phụ nữ khởi nghiệp thành công hơn

23/09/2019 - 19:20
Một trong những khó khăn bước đầu đối với phụ nữ khi khởi sự kinh doanh đó chính là vốn. Nắm vững 4 bước gọi vốn đầu tư sau đây bạn sẽ dễ dàng thành công hơn.

Đối với nhiều nhà sáng lập, nguồn vốn là một trong các thách thức lớn ở những năm đầu tiên vận hành doanh nghiệp. Tìm kiếm nhà đầu tư là thách thức phổ biến thứ hai mà các startup gặp phải trong giai đoạn đầu.

Kết quả từ một khảo sát với các nhà sáng lập startup công nghệ, được phối hợp thực hiện bởi City Road Communications (đơn vị truyền thông và quan hệ công chúng có trụ sở tại Anh), UK Tech News và Studio Graphene hồi tháng 4/2018 cho thấy: có tới 22% doanh nhân khởi nghiệp được phỏng vấn cho biết phải “vật lộn” với nhiệm vụ này. Theo đó, ông Dominic Pollard, Giám đốc nội dung và truyền thông tại City Road Communications, cho biết, nhiều nhà sáng lập đặt ra những câu hỏi như: “Liệu PR có thể giúp doanh nghiệp thu hút sự chú ý của những nhà đầu tư tiềm năng hay không”. Câu trả lời của ông là “có”. 

 

Tìm kiếm nhà đầu tư là thách thức phổ biến thứ hai mà các startup gặp phải trong giai đoạn đầu. Ảnh minh họa

 

Tuy vậy, vị giám đốc cũng lưu ý rằng, các công cụ PR có thể hỗ trợ đắc lực doanh nghiệp thu hút đầu tư nhưng không trực tiếp gọi được vốn. Phương pháp này không nên được xem như một cách truyền thông lộ liễu. Các chiến lược PR cần được tiến hành bài bản để có thể giúp cải thiện giá trị của startup, từ đó đảm bảo thu hút nguồn vốn.

Bước 1: Xác định nhà đầu tư phù hợp

Có nhiều cách tăng nguồn vốn cho các startup công nghệ từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư đến nền tảng huy động vốn cộng đồng, công ty cổ phần… Tuy vậy, các startup cần xác định cụ thể đối tượng đầu tư phù hợp, tiềm năng cho mô hình kinh doanh của mình ở từng giai đoạn là ai để thiết kế các chiến dịch PR. Từ đó, startup sẽ xác định được phương tiện thích hợp nhất để hướng tới đối tượng này.

 

Một trong những khó khăn bước đầu trong khởi sự kinh doanh chính là vốn. Ảnh minh họa

 

 Bước 2: Kể câu chuyện của doanh nghiệp

Các startup cần học cách kể những câu chuyện về doanh nghiệp của mình. Câu chuyện cần đưa ra và làm rõ thông điệp, giải thích cho khách hàng và nhà đầu tư về lý do startup ra đời, những vấn đề doanh nghiệp giải quyết. Việc tạo ra câu chuyện là yếu tố cơ bản để nâng cao mức độ phủ sóng trên báo chí, thu hút công chúng, khách hàng mục tiêu.

Các yếu tố công nghệ mới mà một doanh nghiệp sở hữu thường khó hiểu, tẻ nhạt hoặc xa vời với phần lớn độc giả. Nhưng kể một câu chuyện cảm xúc và thú vị về lý do tạo nên một startup thì lôi cuốn hơn nhiều. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần tập trung vào việc kể cùng một câu chuyện như nhà sáng lập khi đứng trước các nhà đầu tư. Trong bài báo, startup có thể không đề cập chi tiết đến lợi nhuận và mức tăng trưởng dự kiến, nhưng phải đảm bảo công chúng hiểu được cách công ty giúp cuộc sống của mọi người dễ dàng và tốt đẹp hơn như thế nào. 

Bước 3: Khẳng định năng lực công ty

Những yếu tố như đặc điểm, bối cảnh, đam mê của các doanh nhân rất quan trọng trong việc thu hút người khác đầu tư vào hành trình của họ. PR được xác định là “con át chủ bài” trong vấn đề này. Startup không nên cung cấp một thông cáo báo chí nhàm chán như sản phẩm tuyệt vời như thế nào, mà hãy đưa ra những thông tin về lãnh đạo (hoặc các con số) để chứng minh chất lượng, năng lực chuyên môn của doanh nghiệp trong lĩnh vực nhất định.

 

Gặp gỡ đối tác, PR doanh nghiệp rất quan trọng trong việc kêu gọi đầu tư. Ảnh minh họa 

 

Điều đó cũng có thể được thể hiện qua các bình luận hoặc phát triển những câu chuyện tin tức trên thị trường, những bài phỏng vấn chuyên sâu. Một doanh nhân nổi tiếng là người phát ngôn trong lĩnh vực của họ, một chuyên gia có quan điểm đúng đắn sẽ gia tăng sức mạnh đối với thương hiệu. Sau cùng, các startup thường sẽ gắn liền với các cá nhân vận hành chúng. PR nhằm thu hút đầu tư nên được xây dựng trên profile của CEO cũng như tăng nhận thức về bản thân startup.

Bước 4: Thu hút sự chú ý

Truyền thông tích cực về doanh nghiệp từ các ấn phẩm rất giá trị với các startup. Bằng cách có thêm mục “Báo chí” vào website, công ty có thể bổ sung thêm một góc nhìn khác vào hoạt động của mình. Chia sẻ các bài báo trên mạng xã hội cũng giúp tăng số lượng người đọc, cho những người theo dõi biết rằng doanh nghiệp đang được nhiều người biết đến. Logo có thể được thêm vào tài liệu hoặc bản trình bày để cung cấp cho các nhà đầu tư. Đây là cách dễ dàng để khai thác giá trị của PR và củng cố sự hiểu biết nhất quán về doanh nghiệp.

Mục tiêu cơ bản của một chiến dịch PR là nâng cao nhận thức về thương hiệu, củng cố uy tín của công ty và nâng cao sự tín nhiệm của công chúng. Sự phủ sóng báo chí đủ mạnh sẽ mang lại những tác động, đem đến nhiều lợi ích cho công ty khởi nghiệp đang muốn thu hút đầu tư, cũng như giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tìm kiếm được khách hàng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm