pnvnonline@phunuvietnam.vn
4 gánh nặng tài chính lớn nhất trong đời mà ai cũng phải đối mặt
1. Viện phí
Nếu cuộc sống luôn bình an, mọi thành viên trong gia đình đều khỏe mạnh thì đây là một điều may mắn, niềm hạnh phúc lớn nhất cuộc đời và chắc chắn bạn không phải tốn kém tiền bạc cho chi phí y tế. Tuy nhiên đây là điều khó xảy ra nếu không muốn nói là điều không thể.
Những lúc như vậy, gánh nặng tài chính viện phí sẽ khiến gia đình bạn chao đảo. Đặc biệt với những gia đình có mức thu nhập thấp hoặc trung bình thì những chi phí điều trị lớn như phẫu thuật hoặc điều trị diễn ra trong một thời gian dài sẽ khiến tài chính của gia đình bị quá sức. Nếu tồi tệ hơn nữa, khi chính người trụ cột trong gia đình gặp rủi ro về sức khỏe đồng nghĩa với nguồn thu nhập bị gián đoạn và cuộc sống gia đình càng trở lên khó khăn.
Giải pháp: Hãy tự chuẩn bị một nguồn tài chính vững chắc để dự phòng trong tương lai. Bạn có thể gửi tiết kiệm ngân hàng, tạo lãi suất hay tham gia bảo hiểm,... Những cách này có thể giảm gánh nặng tài chính và sớm ổn định cuộc sống.
2. Học phí
Là cha mẹ chắc hẳn ai cũng muốn con cái được học tập và sinh hoạt trong một môi trường lành mạnh và văn minh nhất. Tuy nhiên chặng đường học tập của con cũng đi kèm với mức tài chính khổng lồ và khoảng thời gian dài đằng đẵng.
Hiện nay, mức học phí của các trường đều có dấu hiệu tăng dần, chưa kể tới các áp lực khác như tiền học thêm, tiền sách, nội trú, ngoại khóa... Và đến khi con học lên những hệ cao hơn như đại học/sau đại học/du học thì học phí là một khoản quá lớn so với mức lo của nhiều gia đình.
Giải pháp: Tích lũy tài chính ngay sau khi có bầu để đảm bảo kinh tế chắc chắn khi con bạn bắt đầu đi học. Nên đăng ký cho con học tại các trường công để nhận được mức học phí tối ưu. Để riêng tiền học phí của con ngay khi nhận được lương, tránh tình trạng tiêu hoang phí và thâm hụt.
3. Chi phí khi về già
“Bạn có thể trẻ mà không có tiền nhưng bạn không thể già mà thiếu nó đâu”, đây là câu nói rất nhiều chuyên gia tài chính đã khuyên với khách hàng của họ. Vì tuổi trẻ chúng ta có sức khỏe và nhiều cơ hội nên dễ dàng xoay sở để duy trì cuộc sống, nhưng khi về già điều này sẽ rất khó khăn.
Muốn vậy bạn cần có một khoản tiền dưỡng già đủ lớn để trang trải cuộc sống và có điều kiện chăm sóc sức khỏe thường xuyên hoặc chi trả chi phí y tế khi không may ốm đau bệnh tật.
Con số để dưỡng già mỗi người sẽ khác nhau tùy theo điều kiện sống. Bạn cũng cần tính tới chuyện sau 20-30 năm nữa thì số tiền cần cho tuổi hưu sẽ tăng lên gấp rưỡi, gấp đôi so với dự kiến ban đầu.
Rất khó khăn để bạn đạt được mục tiêu tiết kiệm cho hưu trí khi các rủi ro khác ập đến. Nhưng nếu không có sự chuẩn bị thì bạn sẽ phải đối mặt với gánh nặng tài chính khi về già.
Giải pháp: Hãy chọn cách tiết kiệm vừa có thể dự phòng rủi ro vừa tích lũy khi về già tối ưu dành cho bản thân và gia đình.
4. Những khoản nợ
Không ai muốn nợ nần nhưng cuộc sống sẽ có nhiều lúc bạn rất cần tiền mà không thể xoay sở ở đâu được ngoài cách đi vay nợ. Chưa kể các khoản nợ sẽ bao gồm cả tiền lãi và cứ nhân lên hàng ngày. Vay vốn cũng không hề đơn giản, vay tín dụng đen thì lãi suất “cắt cổ” hoặc vay ngân hàng thì phải trả đúng hạn nếu không rơi vào nợ xấu và không thể vay được nữa.
Giải pháp: Hãy tìm cách cân đối tài chính và dự phòng từ sớm cho tương lai để không vướng phải những khoản nợ nần phiền phức.